Thứ Bảy, 27/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một số nhiệm vụ, giải pháp ổn định và phát triển đội ngũ giáo viên Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường

Hiện nay, Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường có tổng số 10 đồng chí trong đó: Về giới tính có 06 nam (chiếm 60%) và 04 nữ (chiếm 40%); về độ tuổi 100% giáo viên đều có độ tuổi trên 30 tuổi; về trình độ chuyên môn có 02 tiến sỹ, 07 thạc sĩ, 01 cử nhân; về chức danh giảng dạy có 03 giáo viên cao cấp ( chiếm 30%), 05 giáo viên chính và giáo viên chính trung cấp chuyên nghiệp (chiếm 50%), 02 cán bộ giáo viên tập sự (chiếm 20%). Từ số liệu trên có thể thấy, đội ngũ giáo viên Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường đa số là giáo viên trẻ, được đào tạo căn bản, có trình độ chuyên môn và chức danh giảng dạy bậc cao. Với biên chế và cơ cấu đội ngũ giáo viên hiện tại, đơn vị đã sắp xếp, tổ chức bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp theo chuyên ngành đào tạo, kinh nghiệm thực tế nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo của giáo viên trong công tác.

Tập thể Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường chụp ảnh lưu niệm trong lễ kỷ niệm chào mừng 55 năm ngày thành lập Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường còn có một số khó khăn, hạn chế như: số lượng giáo viên hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy cho hai chuyên ngành Cảnh sát kinh tế và Cảnh sát môi trường; đội ngũ giáo viên chưa cân đối về chuyên môn theo chuyên ngành và ít có sự kế cận, kiến thức thực tế không đồng đều; thiếu hụt giáo viên có trình độ chuyên môn ở một số lĩnh vực giảng dạy các môn học đặc thù (môn kế toán, tài chính, thu thập, bảo quản mẫu vật môi trường..).

Trong thời gian tới, nhằm ổn định và phát triển đội ngũ giáo viên, Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần ổn định về tổ chức bộ máy, xác định rõ về chuyên ngành đào tạo và các chương trình đào tạo tương ứng để có định hướng rõ trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên theo từng chuyên ngành đào tạo đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được đặt ra.

Thứ hai, tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch về bố trí sắp xếp sử dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo các tiêu chí phù hợp. Trước mắt cần ưu tiên lựa chọn cán bộ, giáo viên đã qua đào tạo đúng chuyên ngành, có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy; đồng thời cần chú ý tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kế cận. Mặt khác, cần lựa chọn, sử dụng đội ngũ giáo viên thỉnh giảng có kiến thức thực tiễn và chuyên môn về lĩnh vực chuyên ngành.

Thứ ba, Khoa cần tập trung bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên theo Chỉ thị số 1737/CT- BGDĐT ngày 7/5/2018 của Bộ GĐ&ĐT về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Yêu cầu mỗi cán bộ giáo viên tự xây dựng kế hoạch phấn đấu, đề ra nội dung, biện pháp phù hợp để xây dựng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc được giao.

Thứ tư, căn cứ vào tiêu chuẩn đối với từng chức danh giảng dạy, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên. Đối với Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường trong giai đoạn chưa được giao chỉ tiêu đào tạo, đơn vị ưu tiên các hoạt động thực tế, luân chuyển có thời hạn, nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học để tích lũy các tiêu chí hoàn thiện chức danh giảng dạy. Đặc biệt, chú ý bồi dưỡng chuyên môn đối với các giáo viên mới điều động về đơn vị, chưa qua giảng dạy, giảng dạy nghiệp vụ chuyên ngành.

Thứ năm, chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học công nghệ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xây dựng nhà trường thông minh, cũng như yêu cầu giảng dạy một số môn học cần có kiến thức, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ.

Thứ sáu, tham mưu cho BGH nhà trường đề xuất với Bộ Công an có chế độ, chính sách hợp lý với đội ngũ giáo viên các trường Công an nhân dân nói chung và Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói riêng để đội ngũ cán bộ giáo viên yên tâm công tác. Cần đặc biệt quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của từng cán bộ giáo viên, tạo điều kiện về môi trường làm việc, giảng dạy, đi lại, sinh hoạt của cán bộ giáo viên để giáo viên có tinh thần quyết tâm, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Có thể thấy rằng, công tác đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường cần có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện đảm bảo cho xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý với trình độ, năng lực được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu sự nghiệp đào tạo của lực lượng Công an nhân dân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”./.

Đào Thị Ngọc Lan – Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi