Thứ Bảy, 23/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Huyền thoại Phật giáo từ Việt Nam truyền sang Trung Quốc?

Thích Mật Thể cho rằng với vị trí địa lý thuận lợi, “nước ta ảnh hưởng trực tiếp với Ấn Độ hơn là với Tàu” cho nên trong thời gian dài, chủ yếu là các tăng nhân Ấn Độ giỏi chữ Hán để dịch kinh Phật, và không thấy có ai sang Tàu thỉnh kinh chữ Hán (1942, “Việt Nam Phật giáo sử lược”, Minh Đức, tb. 1960, tr.74). 

Lê Mạnh Thát cho rằng Phật giáo vào đến Giao Chỉ khoảng thế kỷ I, trước cả thời Sĩ Nhiếp và Mâu Bác (Lê Mạnh Thát, “Phật giáo truyền vào nước ta từ lúc nào?” Vạn Hạnh, Tư tưởng, 5/1973, tr.145). 

Ông cho rằng chuyện Đầm Dạ Trạch về Chử Đồng Tử đời Hùng Vương được  sư Phật Quang truyền pháp và phép thuật ở núi Quỳnh Viên là cứ liệu sớm nhất cho biết sự xuất hiện của đạo Phật ở Việt Nam. Ông đoán rằng Phật Quang là một vị sư Chiêm Thành hoặc Ấn Độ (vì chuyện ghi Đồng Tử đi theo khách buôn ngoại quốc), và xác định Quỳnh Viên nằm ở cửa Sót (cửa Nam Giới) của Hà Tĩnh. 

Ông khẳng định Chử Đồng Tử là “người Việt Nam đầu tiên đã tiếp xúc với ông [Phật Quang], để rồi sau đó trở thành Phật tử Việt Nam đầu tiên có tên tuổi” (1999, tr.13-26). Trong khi đó, Nguyễn Lang (“Việt Nam Phật giáo sử luận”, 1974, tr.15) cho rằng trung tâm Phật giáo Luy Lâu được thành lập sớm nhất ở Đông Á, sau đó Luy Lâu trở thành “bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa”. 

Trên đây là quan điểm của các hành giả và học giả được công bố trước năm 1975 ở Huế và Sài Gòn. Những năm 1980, các quan điểm này được nhiều học giả Miền Bắc ủng hộ. 

Tiêu biểu như tác giả Huyền Chân trong bài “Vấn đề thời điểm và các con đường đạo Phật du nhập vào Việt Nam” trong một hội thảo về lịch sử tư tưởng Việt Nam tại Viện Triết học năm 1984 “xác nhận có những con đường biển và đường bộ nối liền Ấn Độ và Việt Nam ta, không thông qua Trung Hoa. 

Từ thời rất xa xưa, đã có thương nhân và tăng sĩ Ấn Độ noi theo những tuyến đường ấy để qua buôn bán và truyền đạo ở nước ta. Có những tăng sĩ Trung Hoa cũng muốn noi theo những con đường ấy để đi cầu đạo tại Ấn Độ. 

Những sự kiện này xảy ra trước khi đạo Phật có mặt ở Trung Hoa khiến cho có những trí thức Trung Hoa như Mâu Tử vào đầu kỉ nguyên phải đến Việt Nam để nghiên cứu đạo Phật, đồng thời cũng có những tăng sĩ xuất phát từ Việt Nam sang truyền đạo ở Trung Hoa”.

Chùa Một Cột. Ảnh: L.G

Nhóm học giả Viện Triết học sau đó đã xuất bản cuốn “Lịch sử Tư tưởng Việt Nam” và phiên bản tiếng Anh “The History of Buddhism in Vietnam” (Nguyễn Tài Thư cb, USA, 2008, tr.1) đã phát biểu chính xác trong  chương 1 (tr. 9-15) rằng: Phật giáo đã truyền nhập trực tiếp vào Việt Nam từ các thương nhân và các nhà truyền giáo Ấn độ vào thế kỷ I-II trước khi nó ảnh hưởng đến Trung Hoa. 

Các cứ liệu khảo cổ được sử dụng để chứng minh rằng Phật giáo truyền từ Ấn Độ qua các nước Nam Á- Đông Nam Á. Văn bia chữ Sanskrit được tìm thấy ở Cambodia, và Phật giáo đã truyền đến các nhà nước cổ Phù Nam và Champa thông qua các tượng Phật ở Đồng Dương. Trong khi đó ở Giao Châu, Khương Tăng Hội đã dịch một số bộ kinh Phật vào đời Hán (25-220).

Cho đến nay, quan điểm này đã được học giả chính thống công nhận, và trở thành sử thực không thể chối cãi, đến mức trở thành tri thức phổ thông, không cần tư nghì. Sự ảnh hưởng đã rộng khắp xã hội, đến mức wikipedia ghi nhận như là một tri thức chung để phổ biến cho mọi độc giả (xem wikipedia, mục “Phật giáo Việt Nam”, phần “Lịch sử). Học giả được trích dẫn trực tiếp cho quan điểm này là Lê Mạnh Thát.

Thế nhưng, cứ liệu mà Lê Mạnh Thát đưa ra là “Nhất dạ trạch” - một chuyện văn học được ghi chép trong “Lĩnh Nam chích quái” về Chử Đồng Tử cưới Tiên Dung Mị Nương con gái Vua Hùng. 

Câu chuyện phổ biến ai cũng biết với kết cấu, nên duyên vợ chồng trên bãi tắm Tự Nhiên. Hai vợ chồng được Phật Quang trao cho phép thuật. Cắm gậy phép và úp nón phép để biến hiện ra lâu đài thành quách, với tiên đồng, ngọc nữ, tướng sĩ, thị vệ,... Đó không phải là dấu hiệu của Phật giáo mà chỉ là các chi tiết phù thuật của Đạo gia. 

Sự cấy ghép Đạo với Phật cho thấy thủ pháp sáng tác của một tác giả vô danh cuối thế kỷ XIV đời Trần muốn dựng lên một bối cảnh “xuyên không” trong văn học, truy ngược về quá khứ cách đó trên dưới 1.400 năm. Yếu tố “chích quái” hay “linh dị” được thể hiện ở cuối chuyện với việc hai vợ chồng cùng thành quách bay lên trời để tránh một cuộc chiến tương tàn giữa những người trong một gia đình (Hùng Vương đánh diệt con gái và chàng rể). 

Thực sự, khó có thể coi “Lĩnh Nam chích quái” như là một nguồn sử liệu, để cho phép chúng ta khai thác và nghiên cứu về lịch sử nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Thật lạ là sau mấy chục năm, nhiều người tiếp tục đi theo lối mòn hư thoảng này, để chứng minh sư bà Phương Dung thời Hùng Vương thứ 18 (hiện thờ tại chùa Yên Phú, Hà Nội) là “nữ Phật tử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam”.

Cứ liệu quan trọng (có tính sử liệu) được các học giả nêu ra để chứng minh cho luận điểm Phật giáo vào Việt Nam trước rồi truyền sang Trung Quốc đó là “Thiền uyển tập anh”. Sách này ghi lời sư Thông Biện nói rằng: Phật giáo do Mâu Bác và Khương Tăng Hội truyền vào. 

Còn Thông Biện trích lời sư Đàm Thiên tâu vua Tùy Cao Tổ rằng: Giao Chỉ có đường thông Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới tới Giang Đông thì tại Luy Lâu (Giao Chỉ) đã có 20 ngôi chùa, 500 tăng, dịch được 15 quyển kinh. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu Ðà La, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác. 

Ta biết Khâu Đà La và Ma Ha Kì Vực đã cùng nhau tới Luy Lâu trị sở của Sĩ Nhiếp, vào cuối thời Hán Linh Đế ( 169 – 187). Khâu Đà La được biết đến với huyền thoại sinh con với Man Nương, thực ra theo tôi đó là một kiểu fakelore (chữ của GS Trần Quốc Vượng).

Mâu Bác (165- ?) là người Thương Ngô (Trung Hoa) đến Giao Chỉ tu học,  truyền giáo có soạn “Trị Hoặc Luận” (Lý hoặc luận). Nhưng Mâu Bác là người Hán nên đã được/ bị bỏ qua một bên. Các học giả chỉ tập trung vào Khương Tăng Hội.

Cửu phẩm Liên Hoa ngự trên lưng rùa tại chùa Cổ Lễ, Nam Định. Ảnh: L.G

Khương Tăng Hội là một nhân vật lịch sử có lý lịch rõ ràng nhất, sống vào đời Tôn Quyền. Năm 1909, Edouard Chavannes đã có một nghiên cứu công phu về Tăng Hội trên  Tong Pao (Brill, Vol. 10, No. 2, tr. 199-212). Khương Tăng Hội (?- 280) có nguyên quán là Khang Cư, gia tộc mấy đời định cư ở Ấn Độ. 

Tăng Hội theo cha đến Giao Chỉ để kinh doanh, cha ông mất tại đây, khi ấy Khương Tăng Hội mới 10 tuổi. Sau khi cha mất, ông thành trẻ mồ côi, và xuất gia tại Giao Chỉ, theo học Mâu Bác. Ông thông thạo Hán văn, và Sanscrite. Năm 247 (Xích Ô thứ 10), ông mở mang giáo hóa ở nước Ngô thời Tôn Quyền, dựng chùa Kiến Sơ - ngôi chùa đầu tiên ở Giang Nam. 

Nguyễn Lang cho rằng Khương Tăng Hội là sơ tổ của Thiền tông Việt Nam. Năm 1984, có người còn quy đổi quê gốc Khương Cư của ông tương ứng với địa phận xứ Uzbek của Liên Xô để hợp với phong khí thời đại. 

Còn phần đa các học giả khác cho rằng, “Khương Tăng Hội học đạo Phật thành tài ở nước ta rồi mới sang Trung Quốc truyền đạo, khi ở Trung Quốc thì vùng Giang Đông chưa có đạo Phật”, hoặc “Khương Tăng Hội là người đem Phật giáo từ Việt Nam truyền vào Trung Quốc”. Những cách diễn đạt này có thể tìm thấy khắp nơi qua google.

Nhưng nếu đọc kỹ tiểu sử của Khương Tăng Hội vừa nêu trên thì không có chuyện Khương Tăng Hội đem đạo Phật đến Việt Nam, rồi từ Việt Nam truyền đến Trung Quốc. 

Thứ nhất, thời đó chưa có Việt Nam càng không có Trung Quốc (đây đều là hai nhà nước tồn tại trong thế kỷ XX-XXI). Ta không nên dùng khái niệm Việt Nam và Trung Quốc (vì đây là hai nhà nước hiện tồn, với không gian, lãnh thổ, văn hóa khác nhau, với lịch sử khác nhau), cần sử dụng các địa danh, quốc danh vào đúng thời điểm sự kiện xảy ra. 

Cụ thể, dùng Giao Châu (tương ứng với Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay) thay cho Việt Nam, dùng nước Ngô (gồm Kinh Châu, Dương Châu, Quảng Châu, Giao Châu phía đông nam của sông Trường Giang) thay cho Trung Quốc. Vào thời điểm này, Giao Châu (với trung tâm Luy Lâu) là phần lãnh thổ cực nam của nước Ngô. 

Mặt khác, cần đặt lịch sử truyền giáo ở Đông Á trong tổng thể bối cảnh lịch sử và xã hội. Theo các kết quả nghiên cứu mới của Dương Ngọc Dũng (2003) và hàng loạt các học giả quốc tế, thì các trung tâm Phật giáo Trường An, Lạc Dương, Bành Thành được hình thành vào giữa thế kỷ I, theo con đường tơ lụa trên lục địa qua hàng chục cửa ngõ như Đôn Hoàng, Ngọc Môn quan. Ban đầu, Phật giáo ở triều đình sau dần phổ biến ra dân gian. 

Giai đoạn đầu, sư tăng chủ yếu là người Hồ (chỉ chung Ấn Độ và Tây Á), với các dịch giả kinh Phật như An Tức (Parthia), Nguyệt Chi (Indoscyth). Giai đoạn này, hiện chưa có chứng cứ Phật giáo truyền vào Giao Chỉ (ngoài truyền thuyết Chử Đồng Tử). Năm 190, Đổng Trác đánh hạ Lạc Dương, đuổi sư tăng ra khỏi kinh đô và vùng lãnh thổ phía bắc. 

Tăng nhân thoát khỏi đất nhà Hán để tránh sự tàn sát, chạy về Nam Kinh nước Ngô (220-280) thành lập Tăng đoàn Phật giáo. Nên mới có việc Mâu Tử đến trú tại Giao Chỉ và truyền pháp cho Khương Tăng Hội. Việc Khương Tăng Hội đến Ngô vào năm 247 là để hòa nhập với tăng đoàn Phật giáo của thầy mình. 

Dù rằng, Tăng Hội có cư trú lại nước Ngô và mở mang giáo hóa, nhưng không thể coi ông là người đầu tiên mang Phật giáo từ Giao Chỉ đến vương quốc của Tôn Quyền, càng không thể coi ông là người đầu tiên mang Phật giáo từ Việt Nam đến Trung Quốc được. 

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi