Ngộ độc xảy ra khi chúng ta dùng thực phẩm nhiễm bẩn, bảo quản không đúng cách. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số loại vi khuẩn là thủ phạm gây nên căn bệnh này.
Trực khuẩn Shigella. Ảnh: Wikipedia
1. Campylobacter
Theo Webmd, đây là loại vi khuẩn gây bệnh cấp tiêu chảy cấp tính. Chúng thường xâm nhập vào cơ thể thông qua các thực phẩm, nước ô nhiễm, sữa chưa tiệt trùng, hoặc tiếp xúc với người, vật nuôi chứa mầm bệnh hay động vật hoang dã.
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Campylobacter thường gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi và sốt. Lây nhiễm khuẩn Campylobacter có thể tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 2-5 ngày. Người bệnh cần uống nhiều nước để nhanh chóng cải thiện tình trạng sức khỏe của cơ thể.
2. Salmonella
Loại vi khuẩn này thường lây từ các động vật hoang dã và vật nuôi trong nhà, bao gồm gia cầm, lợn, trâu bò. Nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do uống sữa chưa tiệt trùng hoặc ăn thịt gia cầm, trứng chưa nấu chín.
Khi thoát ra khỏi ruột, Salmonella xâm nhập vào máu và các cơ quan khác. Chúng gây ra các triệu chứng như sốt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đôi khi ói mửa kèm theo mất cảm giác ngon miệng. Căn bệnh này có thể kéo dài trong 5-7 ngày và thường không cần điều trị trừ khi bạn bị mất nước quá nhiều.
3. Shigella
Shigella là loại vi khuẩn thường lây truyền qua phân, gây ra bệnh lỵ, nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy nặng. Bệnh thường xảy ra ở vùng khí hậu nhiệt đới và ôn đới, đặc biệt trong môi trường đông đúc, không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh.
Những người nhiễm khuẩn Shigella thường có biểu hiện tiêu chảy ra máu, sốt, buồn nôn, ói mửa và bị chuột rút. Nếu nhiễm trùng nhẹ, người bệnh không cần phải điều trị và nên uống nhiều nước. Để ngăn ngừa truyền nhiễm, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta phải luôn rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho em bé.
4. E.coli O157:H7
Vi khuẩn E.coli hiện diện ở thức ăn chưa được nấu chín, thịt bò bị ô nhiễm, sữa chưa tiệt trùng. Chúng có thể truyền nhiễm nếu bơi hoặc uống phải nước chưa được khử trùng. Các triệu chứng nhiễm E.coli bao gồm tiêu chảy có máu, đau bụng, sốt nhẹ.
Ở một số người, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi và người già, khuẩn E.coli có thể gây biến chứng nghiêm trọng là hội chứng tan máu suy thận cấp, gây sưng huyết, hủy hoại niêm mạc ruột. Khoảng 2-7% trường hợp nhiễm trùng dẫn đến biến chứng này.
5. Listeria
Listeria là loại vi khuẩn sống chủ yếu trong đất và nước. Vì vậy, rau xanh có thể bị nhiễm loại vi khuẩn này từ đất hoặc phân bón. Ngoài ra, các động vật mang vi khuẩn này cũng có thể trở thành tác nhân truyền bệnh.
Listeria được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm tươi sống như thịt và rau quả, hoặc các sản phẩm chế biến bị ô nhiễm như phô mai mềm và thịt nguội.
Những người có nguy cơ nhiễm Listeria gồm phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch suy yếu, ung thư, tiểu đường, thận, AIDS, hen suyễn và người già. Người nhiễm bệnh sẽ bị sốt, đau nhức cơ bắp, buồn nôn và tiêu chảy.
Nếu người bệnh bị đau đầu, cổ, mất cân bằng và co giật, Listeria đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não và tủy sống. Phụ nữ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai có thể bị sinh non, nhiễm trùng sơ sinh, thậm chí thai chết lưu.
6. Botulism
Đây là căn bệnh ngộ độc hiếm gặp nhưng đặc biệt nghiêm trọng do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra. Bệnh truyền qua đường tiêu hóa, do sử dụng đồ ăn, thức uống nhiễm C.botulinum, hoặc các loại đồ hộp, thức ăn được chế biến, sản xuất, bảo quản không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Các triệu chứng của ngộ độc Botulism bao gồm mờ mắt, xệ mí, đi lại chậm chạp, khó nuốt, khô miệng và cơ bắp suy yếu. Các triệu chứng này phát triển 18-36h sau khi tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm, nhưng cũng có thể xảy ra sớm nhất là 6h hoặc muộn từ một tuần đến 10 ngày. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến tê liệt cánh tay, chân, thậm chí toàn bộ cơ thể, gây khó thở, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong.
Trích nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK