Thứ Hai, 2/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo là động lực quan trọng của sự phát triển

Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung. Đây là sự nhất quán của Đảng đối với công tác cán bộ - vấn đề quan trọng hàng đầu của một đảng cầm quyền và là động lực quan trọng với sự vận động, phát triển của xã hội.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, trọng dụng hiền tài. Trong bài văn bia Tiến sỹ đầu tiên năm 1442, Thân Nhân Trung có viết: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...".

Đó là sự khái quát về vị trí và vai trò của hiền tài, những người qua thi cử hoặc được thực tế cuộc sống, chiến đấu chọn lọc, được lịch sử trao cho những nhiệm vụ quan trọng, sứ mệnh lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tấm gương về tinh thần thương dân, yêu nước và trọng dụng hiền tài. Người cho rằng: Người "yêu nước" là phải "thương dân", "trung với nước" là phải "hiếu với dân". Với quan điểm đó, cuối năm 1945, Bác đã hai lần viết thư mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sỹ, tham gia lãnh đạo Chính phủ và chính Bác đã ký sắc lệnh ủy nhiệm cụ làm quyền Chủ tịch nước, trong thời gian Người đi thăm chính thức nước Pháp và tiến hành các hoạt động ngoại giao nhằm bảo vệ nền độc lập non trẻ của Việt Nam.

Ngày 20/11/1946, trên Báo Cứu quốc đăng bài báo dưới dạng "Chiếu cầu hiền" của Bác, có đoạn: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra, nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết".

Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo là động lực quan trọng của sự phát triển -0
Công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh giúp dân gặt lúa - hình ảnh đẹp của người cán bộ Công an tận tụy phục vụ nhân dân. Ảnh: Ánh Dương

Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại gắn với sự lãnh đạo Đảng ta, đã từng có những tấm gương cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán như: Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - người khởi xướng "khoán hộ" với những đổi mới sáng tạo phát triển nông nghiệp; Tổng Bí thư Trường Chinh và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; hoặc những quyết định "xé rào, bung ra" của Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt... Đây chính là những minh chứng sinh động cho thấy: Từ trong thực tiễn đã xuất hiện những cán bộ lãnh đạo không chỉ thấm nhuần đạo đức cách mạng, nguyên tắc và bản lĩnh, mà còn luôn sáng tạo, "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" vì lợi ích chung...

Bên cạnh những thành tựu, thực tế công tác cán bộ nước ta trong mấy năm gần đây cũng có những thiếu sót, khuyết điểm. Như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã chỉ rõ: Tệ tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, hiện tượng "lợi ích nhóm", kéo bè kéo cánh có chiều hướng gia tăng. Các hoạt động vi phạm pháp luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật và các chính sách quản lý Nhà nước để làm giàu bất chính, sách nhiễu nhân dân đang trở nên phổ biến, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ Nhà nước.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành 2 năm qua, bên cạnh một số cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm với những quyết sách hiệu quả góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vẫn có những "con sâu", những nhóm lợi ích nguy hiểm. Điển hình là vụ việc tại Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)… cho thấy vì đồng tiền một số cán bộ lãnh đạo đã lợi dụng chủ trương ưu tiên chống dịch, áp dụng những chính sách đặc thù trong giai đoạn đặc biệt để trục lợi, đục khoét công quỹ, làm tiền trên nỗi đau của người dân.

Trước thực trạng này, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung là việc làm hết sức cấp bách, nhằm vừa khuyến khích "người tốt, việc tốc", vừa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, cái ác. 

Trước hết, đây chính là lời hiệu triệu, là chủ trương "khuyến khích" cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung, "vì nước, vì dân" là bởi vì trong Kết luận đã chỉ rõ việc toàn Đảng, từ Trung ương đến cấp nhỏ nhất là chi bộ đều có trách nhiệm tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo để động viên, kích hoạt, kích thích, dìu dắt, đồng hành với sự năng động, sáng tạo của cán bộ các cấp. Ở đâu có cán bộ dám nghĩ, dám làm, thì ở đó có tổ chức Đảng khuyến khích, đồng hành, nhằm hiện thực hóa những ý nghĩ, cách làm mới, khác biệt, khác lạ, vượt tầm, và quan trọng nhất là phải vì lợi ích chung của Tổ quốc, của nhân dân và từng cơ quan, đơn vị.

Người tài thì xã hội nào cũng rất cần, nhưng điều quan trọng mà Đảng ta đang cần là người "hiền", nghĩa là người "vì nước, vì dân", người biết đặt nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn cá nhân hoặc mong muốn của "một nhóm người" xuống sau tập thể, sau quốc dấn. Kết luận số 14 đã chỉ rõ: Các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thí điểm. Ý tưởng, sự đột phá ấy đảm bảo không trái với Hiến pháp và Điều lệ đảng và phải xuất phát từ "lợi ích chung" của nước, của dân.

Kết luận số 14 cũng chỉ rõ những quan điểm mới trong bảo vệ cán bộ có trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách. Đây là vấn đề đặt ra rất cấp thiết và cần phải được giải quyết thỏa đáng trong toàn hệ thống chính trị trong khi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đang được nêu cao trở thành ngọn cờ, phong trào chung trong toàn Đảng, toàn dân; nhận được sự ủng hộ, theo dõi của mọi người dân trong xã hội.

Tinh thần, thái độ "bảo vệ cán bộ" trong kết luận này chính là sự giải phóng sức sáng tạo và giảm bớt áp lực trách nhiệm cho những "công bộc" thật sự tâm huyết, trách nhiệm vì nước, vì dân. Nghĩa là Đảng, Nhà nước và khuôn khổ pháp lý, pháp luật sẽ quyết liệt, mạnh mẽ bảo vệ những cán bộ thật sự đề xuất đổi mới, sáng tạo "vì lợi ích chung", chứ không phải vì "lợi ích nhóm" hay tư lợi cá nhân. Ngược lại, Đảng sẽ nghiêm khắc xử lý mạnh mẽ việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi