Rau củ là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn. Tuy nhiên, nên hạn chế những cách bảo quản và chế biến thiếu khoa học để dưỡng chất trong rau không bị mất.
Không nên cắt rửa quá sớm
Rau củ dễ bị oxy hóa và các dưỡng chất thường mất đi nhanh chóng sau khi bạn rửa và cắt rau củ. Tốt nhất khi cắt rau củ xong thì nên nấu sau đó vài phút. Trường hợp cần thiết phải rửa cắt trước, dùng khăn giấy bọc rau rồi cho vào túi buộc kín để bảo quản trong tủ lạnh.
Nấu ngay khi cắt: Do khi cắt rau củ, tế bào rau bị phá vỡ, kích thích sự hoạt động của một số enzym, nhưng khi nấu các enzym này sẽ ngưng hoạt động. Vì vậy cần có thời gian để các enzym hoạt động, khoảng mười phút trước khi nấu.
Không trữ quá lâu: Việc bảo quản rau củ trong tủ lạnh giúp bạn tiết kiệm thời gian đi chợ mua rau. Tuy nhiên dưỡng chất trong rau củ rất dễ bị phân hủy nên càng để lâu, rau củ càng mất chất dinh dưỡng. Vì vậy chỉ nên tồn trữ rau củ trong tủ lạnh chừng vài ba ngày.
Nhặt bỏ lá xanh: Nhiều người thích ăn phần thân rau non nên khi nhặt rau thường ngắt bỏ hết phần lá xanh. Điều này rất phí phạm, vì các dưỡng chất chứa nhiều trong lá.
Cắt rau rồi mới rửa: Các vitamin trong rau củ rất dễ “trôi” đi khi bạn rửa. Để hạn chế sự thất thoát các dưỡng chất này, nên rửa rau xong rồi mới cắt nhỏ.
Chỉ ăn rau củ sống: Rau củ chứa vitamin và khoáng chất, nhưng các vitamin rất dễ bị mất khi chế biến, vì vậy nhiều người cho rằng nếu ăn tươi sống sẽ bổ dưỡng hơn.
Đúng là một số rau củ nếu ăn sống sẽ tốt hơn như củ cải, bông cải xanh, hành tây, ớt chuông…, nhưng số khác cung cấp nhiều dưỡng chất hơn khi nấu chín, như măng tây khi hấp mới tăng tính năng chống ung thư, nấm cung cấp nhiều kali hơn khi nướng hoặc xào, ăn cà chua nấu chín dễ hấp thu hợp chất chống ung thư lycopene hơn ăn sống, ăn rau bó xôi nấu chín hấp thu nhiều canxi, sắt và magiê hơn ăn sống, cà rốt nấu chín nhiều dưỡng chất hơn còn sống. Vì vậy, bên cạnh việc ăn sống rau, hãy bổ sung thêm các món rau xào, nấu canh hay áp chảo cho phong phú và bổ dưỡng.
Đun nấu quá lâu: Rau củ chứa nhiều vitamin và dưỡng chất “nhạy cảm” với nhiệt. Đặc biệt, vitamin C rất dễ bị phân hủy khi luộc hoặc xào nấu quá lâu.
Ngoài ra, mỗi loại rau củ có thời gian nấu chín khác nhau, chẳng hạn cà rốt và khoai tây cần nấu lâu hơn các loại đậu hoặc rau có lá, nên khi nấu cần lưu ý không cho tất cả rau củ vào cùng lúc. Ngoài ra, hãy xào hay luộc rau củ với lửa lớn, trong thời gian ngắn và cho ít nước để giảm thiểu sự tổn thất vitamin.
Để thức ăn qua đêm: Nhiều người có thói quen bảo quản rau củ luộc còn thừa trong tủ lạnh để hôm sau dùng tiếp, mà không biết vô tình đã biến rau thành chất độc. Khi để qua đêm, lượng nitrat trong rau dễ biến thành nitrite - cực kỳ có hại.
Cách nấu đơn điệu: Hương vị mỗi loại rau củ khác nhau tùy theo cách chế biến, vì vậy nếu chỉ nấu một kiểu luộc hoặc xào không những làm bữa ăn nhàm chán mà còn không hấp thu đủ dưỡng chất của rau củ. Cải bó xôi nếu làm món salad sẽ khác với hương vị khi nấu canh hoặc xào tỏi. Một số rau củ đem nướng như cà tím, đậu bắp, khoai tây lại ngon hơn luộc.
Trích nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK