Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, những người làm báo, những người đọc báo và có lẽ tất cả những ai có liên quan đến báo chí, quan tâm đến báo chí Việt Nam đều nhớ đến một con người, một cái tên: Hồ Chí Minh - Người khai sinh, khơi nguồn nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người là nhà báo cống hiến cho cách mạng Việt Nam nhiều nhất, là người thầy của nhiều thế hệ nhà báo Việt Nam. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn có thể học được nhiều điều từ văn phong độc đáo mà gần gũi, dễ hiểu tỏa ra từ những bài nói, bài viết của Người trên từng trang báo.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ chỉ có “một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính điều này đã thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, tìm ánh sáng soi đường để đưa dân tộc ra khỏi đêm trường nô lệ. Cách đây hơn 100 năm, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bước chân lên con tàu Đô đốc Latouche Tréville với một ý chí nung nấu vì dân vì nước, với đôi bàn tay và câu nói đã đi vào lịch sử: “Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để sống, để đi và để quay về cứu đồng bào mình”. Những năm bôn ba qua nhiều nước phương Tây, đặc biệt là ở Pháp và Liên Xô đã giúp Người phát hiện ra chân lý cách mạng: Con đường giải phóng dân tộc chỉ có thể thực hiện được khi gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, do giai cấp công nhân, giai cấp tiên tiến nhất lãnh đạo. Người đã lựa chọn báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng nhằm xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Từ đó, báo chí đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng của Người. Người làm báo ở mọi nơi, mọi lúc, ngay trong hoạt động thực tiễn và đấu tranh cách mạng. Từ khi giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (năm 1920), Bác Hồ cũng bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình. Người đã sáng lập ra nhiều tờ báo cách mạng, trong đó nổi bật là tờ Le Paria (Người cùng khổ) - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Đây là tờ báo đầu tiên do Người sáng lập ở Paris (Pháp), tờ báo mà Nguyễn Ái Quốc vừa là người sáng lập, vừa là chủ bút, là cây viết chính và kiêm luôn cả nhiệm vụ phát hành. Mục đích của Le Paria là tố cáo tội ác xâm lược của bọn thực dân đế quốc, thức tỉnh người lao động ở các thuộc địa hướng tới giác ngộ, tập hợp lực lượng giải phóng dân tộc. Tờ báo Thanh niên, được Người sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1925 được coi là tờ báo khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sau này, những tờ báo trụ cột của báo chí cách mạng nước ta như: Cứu quốc, Nhân dân, Hà Nội mới, Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản hiện nay)… đều có dấu ấn của Bác Hồ với tư cách là người sáng lập, đặt tên, chỉ đạo nội dung và cộng tác viết bài thường xuyên.
Trong cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo, làm báo trước hết để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Người đã coi và dùng báo chí như một công cụ sắc bén trên tất cả các chặng đường đấu tranh cách mạng, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đọc lại những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh người ta dễ nhận ra sự trong sáng về văn phong, sự giản dị trong cách trình bày và dễ hiểu với người nghe, người đọc. Nhiều quan điểm, nhiều nhiệm vụ cách mạng đã được Người truyền tải đến với mọi người qua những bài báo bằng những ngôn từ quen thuộc, không tỏ ra cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, dù đó là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại. Chúng ta nhận ra những đặc trưng trong văn phong báo chí Hồ Chí Minh chỉ vắn tắt, cô đọng trong ít chữ: Chân thực; Ngắn gọn; Trong sáng; Giản dị; Sinh động.
Tìm hiểu những bài nói, bài viết của Bác Hồ, chúng ta đều thấy hiện thực sinh động từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Những bài báo của Người đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài viết đối với người đọc. Chân thực là yêu cầu đầu tiên Bác Hồ đặt ra không chỉ với các nhà báo mà với tất cả cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Bác thường nhắc nhở cán bộ: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Bác Hồ cũng căn dặn: Cần tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng. Đặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Bác Hồ là sự kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Đông - ghi ít, nhớ nhiều, ý tại ngôn ngoại. Đây là đặc trưng nổi bật dễ nhận thấy trong cách nói, cách viết Hồ Chí Minh. Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được viết rất ngắn, chặt chẽ như châm ngôn: Dĩ bất biến ứng vạn biến; Không có gì quý hơn độc lập tự do; Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình,... Viết giản dị không phải là đơn giản hóa những điều phức tạp mà do Người đã thâu tóm được những gì tinh hoa, cốt yếu nhất trong tiếng nói của quần chúng để có cách truyền đạt gần gũi và hiệu quả nhất.
Để viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, theo nhà báo Hồ Chí Minh, trước hết phải gần gũi quần chúng, phải học tập nhân dân để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ. Sự giản dị, trong sáng trong văn phong của Người bắt nguồn từ sự gần dân, từ sự hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật, sự am hiểu tường tận truyền thống dân tộc trong nếp cảm, nếp nghĩ. Để viết và nói được trong sáng giản dị, dễ hiểu, Bác Hồ cũng chỉ ra rằng phải chống lại bệnh hay nói chữ, bệnh ham dùng chữ nước ngoài. Tuy nhiên những tiếng nước ngoài nào đã quen thuộc, đã “hóa thành chữ ta” thì nên dùng. Bác nêu ví dụ: ta nói độc lập chứ không nói đứng một; nói du kích chứ không nói đánh chơi;... Còn với bệnh lạm dụng chữ nước ngoài thì dù dùng đúng cũng đã chẳng có lợi nhiều, nếu dùng sai theo kiểu dốt hay nói chữ thì cái hại càng lớn.
Những bài báo của Bác Hồ luôn sinh động với bút pháp biến hóa, đa dạng: đanh thép khi tố cáo tội ác của đế quốc thực dân, sôi nổi khi tranh luận, bình dị khi giải thích, thuyết phục. Người hay kết hợp, đan xen đúng lúc những đoạn thơ, câu ca có vần điệu trong những bài báo cách mạng tưởng như khô khan, khó đọc. Văn phong báo chí của Bác Hồ còn toát lên sự lạc quan, hóm hỉnh của một trí tuệ lớn.
Có điều rất đặc biệt là, dù viết để “đánh địch” nhưng mục đích là cảnh tỉnh, giáo hoá, Bác bao giờ cũng giữ được tình lý phân minh, đúng mực, không có những lời thóa mạ, cay độc. Còn viết bài cho nhân dân lao động, bộ đội, thanh niên, thiếu nhi... thì Bác dùng câu văn dễ hiểu, dễ nhớ nhưng lý lẽ xác đáng đầy thuyết phục và tình cảm chân thành, thiết tha đi vào lòng người.
Ngôn ngữ của Hồ Chí Minh được sử dụng một cách dễ hiểu mà sâu sắc ở tất cả các lĩnh vực. Đối với Người, báo chí là công cụ đoàn kết quốc tế, đoàn kết giai cấp công nhân, đoàn kết các dân tộc bị áp bức đấu tranh giải phóng, đoàn kết phong trào cộng sản thế giới. Mặt khác Người cũng đã dùng báo chí để đánh địch. Khi Người viết về con người, sự việc thuộc “đối phương” ở nước ngoài thì rất nhạy bén về chính trị và cách sử dụng ngôn ngữ của Bác hiện ra rất rõ nét, Người sử dụng những chứng cứ và số liệu cụ thể để vạch trần tội ác của đế quốc. Tìm hiểu những bài báo Bác viết đăng các báo và tạp chí uy tín ở nước ngoài thì thấy rõ nghệ thuật đánh địch bằng lời, nghệ thuật “đẩy bóng trả lại địch”, nghệ thuật lướt qua những vấn đề tế nhị mà vẫn giữ được nguyên tắc, đường lối, để “lấy gậy ông đập lưng ông”.
Còn những bài báo viết để đánh địch đăng báo trong nước, Bác đã sử dụng rất khéo về từ ngữ nhằm lột rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc, qua đó cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cổ vũ ý chí giành thắng lợi đến cùng bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Không chỉ động viên mà qua tác phẩm báo chí với văn phong trong sáng của mình, Bác Hồ đã giáo dục và uốn nắn những yếu kém của Đảng ta và các ngành, các địa phương đều được Bác khen ngợi hoặc phê bình bằng những ngôn ngữ báo chí.
Điều đặc biệt ở văn phong báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “tính quần chúng” được thế hiện rất đậm nét khi nói, khi viết. Bác nói: “Kinh nghiệm của tôi thế này. Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì, viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Sinh thời Bác luôn giáo dục các nhà báo đồng thời Người cũng yêu cầu khi nói, khi viết: “Phải học cách nói quần chúng. Chớ nói như giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng...”
Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng có thể hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình ...’’ Chỉ thống kê trong 10 năm, từ 1955 đến 1965, Hồ Chí Minh đã thực hiện hơn 700 lượt đi xuống cơ sở, thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội từ miền xuôi đến miền ngược, từ biên giới đến hải đảo... Tính ra mỗi năm có hơn 70 lần Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có 6 lần Người gặp gỡ quần chúng. Chỉ với con số đó thấy rõ phong cách của một lãnh tụ suốt đời gắn bó với quần chúng, một phong cách mẫu mực. Mỗi lần đi xuống cơ sở Bác vừa là vị Chủ tịch nước, vừa là kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật, vừa là nhà báo khai thác thông tin, vừa là nhà văn, nhà thơ tìm cảm hứng sáng tác. Do vậy, những bài báo của Bác luôn có tương cà, mắm muối và những công việc thường ngày của quần chúng nhân dân lao động và các em học sinh, nhi đồng.
Trong tư tưởng, quan niệm của Hồ Chí Minh, ngôn ngữ báo chí được sử dụng chủ yếu là tiếng Việt, điều này thể hiện bằng tình cảm của Người đối với dân tộc. Người nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”. Người thường dùng lối so sánh ví von hoặc ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian. Báo của Bác chủ yếu giải thích cho cán bộ, đảng viên, quần chúng,... hiểu một vấn đề gì đó hoặc động viên khen thưởng, phê bình để mọi người cùng thực hiện được, Người giải thích lý do tại sao phải hành động như vậy? Nên hành động bằng những cách nào? ... Người đã đòi hỏi cán bộ, đảng viên khi nói, viết sao cho giản dị, dễ hiểu cốt để quần chúng hiểu ngay và làm được, nắm cái thần của sự vật, đi ngay vào cái cốt lõi của vấn đề.
Trình độ viết báo của Bác Hồ là trình độ của bậc thầy, từ năm 1951 - 1969 Bác đã viết 1.205 bài báo với 23 bút danh khác nhau cho báo Nhân dân và gần 300 bài cho báo chí nước ngoài, không có nhà báo chuyên nghiệp nào viết đạt kỷ lục như vậy. Thế nhưng trong khi viết báo, Bác luôn luôn yêu cầu mọi người xung quanh Người đọc lại bản thảo xem có từ ngữ nào khó hiểu để Bác sửa lại văn phong cho trong sáng, từ ngữ giản đơn, ý tứ, sâu sắc. Bác viết bài báo: ‘‘Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân’’ đăng trên báo Nhân dân số 5409 ra ngày 3-2-1969, bài báo này trước khi gửi đến Toà soạn Bác đã cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đề nghị tham gia ý kiến. Hiện nay, chúng ta đọc lại bài báo của Bác thấy câu chữ vô cùng sâu sắc, bố cục rất chặt chẽ, còn nguyên tính thời sự nóng hổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng Người để lại cho chúng ta một tài sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đối với những người viết báo, viết văn hiện nay, được hưởng thụ tài sản vô giá của Người về phong cách, tư tuởng, quan niệm... làm báo cách mạng. Người vừa là lãnh tụ tối cao của dân tộc nhưng cũng là người thầy, nguời bạn đồng nghiệp suốt cả cuộc đời vì sự nghiệp báo chí nước nhà.
Trong những ngày tháng 6 lịch sử này, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những bài học quý giá mà nhà báo vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để lại từ cuộc đời và sự nghiệp báo chí của Người, cùng nhau tìm hiểu di sản báo chí đồ sộ, phong phú của Người để từ đó, đúc rút cho mình những điều sâu sắc và bổ ích nhất của nghề báo. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay đang đòi hỏi mỗi người làm báo luôn phải đề cao trách nhiệm công dân, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, phải luôn đau đáu với câu hỏi mà Bác Hồ đã dạy chúng ta mỗi khi cầm bút: “Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì?”.
Bài: Đào Minh – Trung tâm TTKH&TLGK