Con lười tinh thần
Jayashri Kulkarni tiếp tục chuyện trò với bệnh nhân, để bà hiểu hơn về tâm lý mỗi người sau khoảng thời gian dài chống chọi với COVID-19. Một cảm giác kỳ lạ khiến vị bác sĩ tâm lý phải chú ý: tất cả những ai đến ngồi đối diện bà đều cảm thấy thờ ơ với cuộc sống. Họ đã từ bỏ hẳn thói quen selfie đồ ăn đem lại nhiều niềm vui màu sắc, rồi chẳng còn muốn tham gia bất cứ bữa tiệc nào, thậm chí là qua Zoom.
COVID-19 đã biến họ thành con nghiện mạng xã hội, dù có khó chịu đến mấy vẫn miễn cưỡng lướt qua các dòng tin u ám. Hai chồng sách mới mua cả năm trời chưa đọc quá chục trang, Jayashri Kulkarni nghe thấy biết bao lời hứa hẹn ra khỏi nhà để thay đổi không khí nhưng rốt cuộc vẫn làm bạn với bốn bức tường và màn hình Netflix. Điểm chung của những người này, ấy là sự nhàm chán, vô định, xen lẫn ưu phiền và thất vọng.
Cách đây 17 thế kỷ, một nhà sư đã viết trong cuốn sách "Luận về cuộc sống thực tiễn" về thứ xúc cảm bao trùm sự chán nản và vô vọng. Chúng ta vốn là những cá thể dị biệt, không có khả năng ngồi yên lặng trong không gian thiêng liêng của riêng mình. COVID-19 như chất xúc tác khơi dậy phản ứng tạo ra thứ xúc cảm ấy, khiến chúng ta không chỉ sợ hãi khi ở một mình, mà giăng ra bức màn bế tắc xung quanh. Giống hệt lúc làm việc online tại nhà nhưng chợt mất mạng, chúng ta hoang mang tự hỏi bao giờ chuyện này sẽ chấm dứt, rồi cứ thử kết nối liên tục dù chẳng có kết quả.
Từ thế kỷ thứ 5, thần học tin rằng thứ xúc cảm Jayashri Kulkarni đang chứng kiến vốn bắt nguồn từ một thuật ngữ Hy Lạp - acedia, tạm gọi là sự vô cảm đến cực đoan. Jayashri Kulkarni lật lại những trang viết tay của nhà nghiên cứu John Cassian, chợt thấy rùng mình bởi những ám ảnh rất thực về vô cảm. "Tôi cô độc trong phòng, chẳng thiết tha làm gì, cứ nghĩ hãy thử buông xuôi. Tôi thở dài đợi chờ ai đó đến bắt chuyện, trong không gian vô vị, đói cồn cào mà không buồn ăn...".
Những trang nhật ký của Jonathan Zecher rất đặc biệt. Phải chăng con người này đang chiến đấu với "ác quỷ ban ngày" như cách người Hy Lạp cổ đại đặt tên cho acedia khác thường ấy? Một cuộc chiến nội tâm thời COVID với kẻ thù vô hình, cũng giống những giao đấu thời đại binh biến ở nền văn minh Hy Lạp - La Mã. Chinh chiến liên miên, binh lính ngộp thở bởi cảm giác bẽ bàng, muốn từ bỏ khi vỡ trận, rồi lúc tướng lâm nguy.
Đạo Thiên chúa tin acedia là nguội lạnh, hay "ác quỷ chính ngọ", hoàn toàn khác với trầm cảm thông thường. Nó mang dáng vẻ của một sự suy sút, cạn kiệt năng lượng, khiến chúng ta rơi vào trạng thái "bán thực vật", lịm tắt những cảm giác và suy nghĩ thâm sâu của bản thân. Những người Công giáo coi acedia là một trong tám "tội lỗi chết chóc", núp bóng "trùm cuối" quỷ quyệt nhất, tấn công con người bằng ý nghĩ về sự lười biếng, không muốn lao động.
Cho đến nay, acedia vẫn chưa được nghiên cứu sâu như một khái niệm tâm lý. Giới khoa học hiện đại tin rằng thứ xúc cảm vô vọng không phải tình trạng bệnh lý, phản ánh một hiện tượng xã hội xảy ra khi các mối quan hệ giữa người với người bị cắt đứt. Jayashri Kulkarni gọi hiện tượng này bằng cái tên "con lười tinh thần", mượn hình ảnh loài động vật làm gì cũng chậm để ám chỉ sự trì hoãn bên trong con người. Theo đó, acedia không thể được chữa, mà chỉ có thể ngăn cản bằng cách tạo ra những tương tác xã hội lành mạnh hơn.
Trước sự hoành hành của dịch COVID-19, thế giới bên ngoài vẫn tiếp tục phong tỏa, luôn ở vào trạng thái "dè chừng", và hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của các biến chủng. Người dân khắp nơi không được ra đường, thu mình làm việc tại nhà, thiếu đi giao tiếp với nhau. Có lý do để tin rằng, hội chứng "con lười tinh thần" sẽ bùng nổ giữa những cộng đồng ở nhà lâu ngày, và đến lúc chúng ta phải nghĩ tới hướng đi cho năm mới nếu không muốn bị cảm giác thờ ơ nhấn chìm.
Ước nguyện năm mới
Ba ngày trước giao thừa, Jonathan Zecher viết vào trang gần cuối của cuốn nhật ký 2021 rằng sẽ quyết tâm cai thuốc trong năm mới 2022, để sống lành mạnh hơn sau khi "tử thần" COVID đã bỏ qua anh. Thậm chí, Jonathan Zecher còn tự nhủ sẽ không hút một điếu nào vào đúng ngày mùng 1, tưởng tượng có một thứ phép màu nào đó sẽ giúp anh đạt được mục tiêu chỉ bằng cách... suy nghĩ. Dương lịch mở đầu bằng ngày 1 tháng 1, trở thành cột mốc quan trọng để chúng ta tự nhủ: đã đến lúc cho một khởi đầu mới, đặt ra nhiệm vụ khác biệt.
Tư duy phổ biến kiểu này, trong một thế giới chi phối bởi những cuốn lịch, "ru" não bộ vào giấc mơ tương lai. Chúng ta có quyền tự tin như Jonathan Zecher, bởi tác giả Norman Vincent Peale nổi tiếng với khái niệm tư duy tích cực từng nói khi mong đợi điều tốt nhất, chúng ta sẽ giải phóng một lực từ tính trong tâm trí. Theo luật hấp dẫn thì điều đó có xu hướng mang lại điều tốt nhất.
COVID-19 khiến tất cả cảm thấy mỏi mệt, mở đường cho acedia lan rộng. Nhiều người tin đại dịch đã chấm dứt từ năm 2020, thế nhưng 2021 lại trở nên tồi tệ hơn. "Điều gì sẽ đang chờ đợi ở năm 2022, nếu chúng ta không thử... đánh liều, và thay đổi để sống hết mình cho hiện tại?", Jayashri Kulkarni nói với Jonathan Zecher bên trong căn phòng trị liệu tâm lý.
Tương lai mơ hồ tạo nên xu hướng phân cực hành vi rất rõ ràng. Hai năm chịu đau thương vì đại dịch, mất người thân, không còn việc làm, đi kèm với đó là những ám ảnh tâm lý không dễ dàng xoá bỏ. Thẳm sâu bên trong mỗi cá nhân là khát khao được vực dậy, vượt lên đau đớn và lạnh lẽo. Sự kiên cường chính là chìa khóa tạo nên sức mạnh tinh thần, khiến họ mong muốn làm những điều tốt đẹp ngay cả khi bị quật ngã bởi bệnh dịch.
Do các biến thể tạo nên mối nguy hiểm nên phần lớn chúng ta đều lựa chọn năm mới để cầu mong sức khỏe tốt hơn năm cũ. Rất nhiều bệnh nhân "thề" với người đã khuất rằng họ sẽ tiếp tục sống để thực hiện mọi ước mong còn dang dở, từ bỏ thói quen xấu để sang trang mới cuộc đời. Có người muốn bỏ thuốc, chắc hẳn sợ hệ hô hấp suy yếu vì đại dịch, số khác tìm tới chuyên gia để trợ giúp cai rượu vì vẫn còn vấn vương hương cồn khó dứt.
2022 mở ra một giai đoạn hậu COVID mới, mà ở đó chúng ta chứng kiến một sự đảo ngược hoàn toàn trong lối sống. Đa số bắt đầu chấp nhận và lên kế hoạch sống chung với đại dịch, cân bằng giữa làm lụng và nghỉ ngơi, để duy trì hứng thú với cuộc sống bình thường mới. Jonathan Zecher đã tìm cách xóa bỏ sự thờ ơ với cuộc sống bấy lâu nay bằng cách nấu ăn nhiều hơn, chia sẻ cảm xúc với bố mẹ cùng anh chị thay vì những cuộc gặp mặt chớp nhoáng sau ngày dài công sở trước đây.
Cần phải thừa nhận rằng, COVID-19 đem lại cơ hội để kết nối mỗi người với gia đình nhỏ, khiến không ít cá nhân muốn tiếp tục được làm việc tại nhà trong năm mới để chăm sóc người thân. Điều này tạo nên xu hướng "xin nghỉ offline", đặt mục tiêu năm mới không bị bó buộc mà hướng con đường sự nghiệp vào thế giới online thời công nghệ 4.0.
Tất nhiên, không phải ai cũng sẽ "đánh liều" trong năm mới, khi tư duy an toàn vẫn song hành trước tình hình COVID-19 phức tạp. Acedia ăn sâu vào xã hội, buộc mọi quyết định trở nên dè chừng để không chịu ảnh hưởng nặng nề. Jayashri Kulkarni từng lắng nghe nhiều mẩu chuyện sẽ tìm cách trừng phạt kẻ đã gây ra cái chết cho người thân, bạn bè sau những tuyệt vọng vì một loại virus vô hình. Tất cả xuất phát từ cảm giác tội lỗi, bất lực không thể xoay chuyển tình thế. Cảm xúc của bệnh nhân lẫn lộn, như thể bị chi phối bởi... ác quỷ.
Có lẽ, đây là cách họ giải tỏa năng lượng tiêu cực trong những ngày cuối năm cũ, rũ bỏ tang thương, mất mát để sẵn sàng đón nhận điều mới. Jayashri Kulkarni hiểu rằng, ước nguyện đầu năm tựa một nghi lễ tinh thần với hai nguyên liệu chính: buồn của năm trước và vui của năm sau. Bác sĩ lặng lẽ ghi xuống ba chữ "tinh thần thép", cầu mong cho gia đình và cả thế giới một đời sống tinh thần khỏe mạnh để không bị lạc tới miền đất acedia lạnh lẽo. Dù bất ổn ra sao, dù nhân loại chưa tìm ra cách đánh bại đại dịch, con đường phía trước của năm 2022 vẫn còn lối đi, cho mỗi người hy vọng nhìn thấy cầu vồng rực rỡ...
Nguồn: Báo CAND