Việc làm của Trung Quốc ở biển Đông thời gian qua, nhất là vụ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã làm xấu đi hình ảnh của nước này. Cộng đồng quốc tế không thể tin được lời nói suông về chính sách ngoại giao hòa bình của Trung Quốc.
Đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đã lần lượt trả lời các câu hỏi của báo giới, tại cuộc họp báo chiều 5-6 về tình hình biển Đông.
-P.V: Xin cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển đến đâu và hiện giờ ở vị trí nào?
Ông Ngô Ngọc Thu (Phó Tư lệnh/Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam): Sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở phía Nam đảo Tri Tôn thì đến ngày 27-5, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan này đến vị trí mới. Đây là giàn khoan nước sâu, độ sâu hạ đặt trên 1000m.
Ông Lê Hải Bình (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam): Dù di chuyển thế nào, cho đến lúc này, vị trí của giàn khoan vẫn nằm sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tái phán của Việt Nam.
- Vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, đề nghị Cục Kiểm ngư đánh giá hành động của Trung Quốc.
Ông Hà Lê (Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư): Các tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc khống chế, gây thương tích đều là tàu cá đang khai thác thủy hải sản bình thường tại ngư trường truyền thống, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các vụ đâm va của tàu Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển, Tuyên bố DOC....gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác thủy hải sản đồng thời đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam, chúng tôi cực lực phản đối và lên án hành động vô nhân đạo này.
- Việt Nam kỳ vọng Hoa Kỳ đóng vai trò thế nào trong việc đảm bảo an toàn, hòa bình hàng hải?
Ông Lê Hải Bình: Duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải là lợi ích, trách nhiệm nghĩa vụ của các bên liên quan, cả trong và ngoài khu vực. Mỹ là cường quốc thế giới, châu Á- Thái Bình Dương. Thời gian qua Mỹ có tiếng nói nhằm đóng góp cho hòa bình, giải quyết căng thẳng. Mong Mỹ tiếp tục có tiếng nói, vào việc giải quyết tranh chấp khu vực, thông qua luật pháp quốc tế.
- Trong hơn 1 tháng qua Việt Nam kiên trì theo đuổi biện pháp hòa bình đối với hành động ngang ngược của Trung Quốc. Tuy nhiên thông tin thực địa cho thấy Trung Quốc không hề có ý định xuống thang căng thẳng. Việt Nam có biện pháp gì để Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế? Phát biểu vừa qua của các nước như Mỹ, Nhật khiến cho Trung Quốc bất bình. Việt Nam đánh giá thế nào về tiếng nói cộng đồng quốc tế? Bộ Ngoại giao Việt Nam có ủng hộ ý tưởng Hội Nghề cá Đà Nẵng kiện ra tòa vụ tàu ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm không?
Ông Trần Duy Hải (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia): Hơn 1 tháng qua, Việt Nam nỗ lực ngoại giao giải quyết tình hình căng thẳng Biển Đông nhưng Trung Quốc đến nay vẫn bất chấp nỗ lực này cũng như lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và tiếp tục leo thang sự việc. Việt Nam tiếp tục kiên trì đấu tranh thông qua biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tiếp tục nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc để cố gắng giải quyết vấn đề. Đồng thời cân nhắc biện pháp tiếp theo để giải quyết, bảo vệ quyền lợi ích của Việt Nam.
Thực tế cộng đồng quốc tế đã có tiếng nói mạnh mẽ phản đối việc làm của Trung Quốc, có lẽ lần đầu tiên cộng đồng quốc tế có phản ứng mạnh mẽ như vậy về tình hình ở biển Đông. Tiếng nói này có vai trò quan trọng về duy trì hòa bình, ổn định, ngăn chặn hành động leo thang mới của Trung Quốc, mong có tiếng nói hơn nữa để ngăn chặn hành động leo thang.
Về vụ kiện: Các vụ kiện quốc tế đều phức tạp, nếu tàu cá Việt Nam kiện tàu Trung Quốc là dân sự thôi. Nhưng hành động của Trung Quốc ở đây liên quan đến chủ quyền, quyền tài phán, nên không chỉ là hành động dân sự thông thường. Nên vụ kiện không giải quyết hết vấn đề. Mọi biện pháp đều nghiên cứu nhưng phải chọn biện pháp tối ưu.
- Tại cuộc họp báo vừa diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Việt Nam điều nhiều tàu vũ trang để quấy nhiễu tàu Trung Quốc. Bà Oánh cũng nói Việt Nam đã đâm hơn 120 lần vào tàu Trung Quốc, đe dọa an toàn hàng hải ở biển Đông. Ông bình luận gì về động thái này?
Ông Trần Duy Hải: Nội dung công hàm của Trung Quốc lưu hành ở Liên Hợp Quốc, phát biểu của Hoa Xuân Ánh có điểm chung là xuyên tạc sự thật, bóp méo tình hình thực tế. Video cho thấy tàu Trung Quốc ngang nhiên đâm tàu Việt Nam, ngay cả Trung Quốc không đưa ra được hình ảnh tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc cả. Chúng tôi bác bỏ luận điệu nêu trong công hàm của Trung Quốc và của bà Oánh.
Ngay hành động của Trung Quốc cố tình đâm va tàu Việt Nam, phun vòi rồng công suất lớn cũng đã được phương tiện truyền thông của Trung Quốc đưa tin công khai. Trung Quốc đã thừa nhận ngay hành động của họ. Việt Nam chỉ có tàu dân sự hoạt động ở khu vực này.
- Nếu Trung Quốc rút giàn khoan thì Việt Nam có tiếp tục kiện không?
Ông Trần Duy Hải: Việt Nam vẫn đang kiên trì yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Nếu Trung Quốc rút giàn khoan, thì Việt Nam hoan nghênh.
- Trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới biển Đông, nhiều ý kiến lo ngại về việc Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình". Ông có bình luận gì về điều này?
Ông Trần Duy Hải: Việc làm của Trung Quốc ở biển Đông thời gian qua, nhất là vụ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Phản ứng của cộng đồng quốc tế đã phản ánh rõ sự bất bình của các nước đối với việc làm của Trung Quốc. Chính sách ngoại giao hòa bình của Trung Quốc không phải là trên thực tế, mới chỉ là lời nói. Hành động của Trung Quốc trên biển Đông đe dọa hòa bình ổn định của khu vực, đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải của khu vực, không phải nỗ lực hòa bình, đấy là hành động bạo lực.
Cả cộng đồng quốc tế không thể tin được lời nói suông, cần có hành động thực tế!
Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo An ninh Thủ đô