Củ mã thầy mang tới rất nhiều tác dụng cho cơ thể, hãy cùng khám phá xem đó là những gì?
Mã thầy là một loại củ mọc dưới nước to bằng củ hành, bên ngoài mang lớp vỏ màu nâu đen. Tên khoa học là Heleocharis dulcis (Burm.f.). Trong dân gian, mã thầy còn có nhiều tên gọi khác như củ năn, bột tề, thủy vu, ô vu, ô từ, hắc sơn lăng, địa lật, hồng từ cô...
Củ mã thầy mang tới rất nhiều tác dụng cho cơ thể.
Củ mã thầy chứa 68,52% nước, 18,75% tinh bột, 2,25% đạm, 0,19% mỡ và 1,58% chất khoáng. Đặc biệt còn chứa Puchiin, một chất có tính kháng khuẩn không chịu nhiệt. Điều này giải thích tại sao dịch ép củ mã thầy lại có tác dụng ức chế đối với một số loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn coli...
Củ mã thầy mát bổ và tác dụng cầm máu, tuy vậy cũng không nên ăn sống vì dễ mắc bệnh sán lá nếu như không may ăn phải củ còn dính những ấu trùng sán lá kí sinh tại đây, bởi củ mã thầy mọc dưới đất bùn...
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu một số phương thuốc trị bệnh từ củ mã thầy.
* Chữa đái máu: Mã thầy 150g, rau câu 30g, râu ngô 30g, sắc uống ngày 1 thang, chia nhiều lần.
* Chữa băng huyết: Lấy mã thầy 1 củ đốt tồn tính, tán bột, uống với rượu nhẹ.
* Chữa bệnh trĩ: Mã thầy 500g (giã nhỏ), địa du 30g, đường đỏ 150g, cho tất cả vào sắc nhỏ lửa lấy nước, ngày uống 2 lần, cần uống trong 3 ngày liền.
* Chữa ho gà: Mật ong 50g, màng trong mề gà (sao vàng tán bột) 10g, tỏi 10g (ép lấy nước), mã thầy 500g (ép lấy nước), cho vào một lượng nước đun sôi, chia 2 lần uống, mỗi lần 2 thìa cà phê.
* Thanh nhiệt tiêu thũng: Củ mã thầy 500g, thịt vịt nước 500g, đường phèn 30g, nấu ăn. Hay củ mã thầy 60g, cá diếc 300g, hành, dấm, đường 20g, nấu ăn.
* Hạ áp, thanh nhiệt, tiêu thũng: Củ mã thầy 100g, thịt lợn nạc 300g, rau cần 200g, dầu, hành, đường, làm thành món xào và ăn.
* Bổ phế thận: Củ mã thầy 100g, bầu dục lợn 1 đôi, đường phèn 30g (đập nát), nước 2.000ml, làm sạch đun sôi 25 phút và ăn.
* Thanh nhiệt lợi thủy: Mã thầy 60g, củ cải trắng 150g, gạo 200g, nấu thành cháo ăn.
* Chữa chứng mụn nước: Lấy 6 củ mã thầy rửa sạch, giã nát, trộn đều với lòng trắng của 1 quả trứng gà, rồi bôi lên mụn.
* Chữa phù toàn thân, tiểu tiện khó, khát nước, táo bón: Củ mã thầy 20g, rễ lau tươi (lô căn) 30g, sắc lấy nước uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần...
Vì có tính lạnh nên mã thầy không thích hợp với những người có thể chất hoặc bệnh lý thuộc thể hư hàn, biểu hiện bằng các triệu chứng như sợ lạnh, tay chân lạnh, hay đau bụng khi ăn đồ sống lạnh, đại tiện lỏng hoặc nát, dễ bị cảm lạnh, ăn kém tiêu...
Trích nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại Online Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK