Thứ Hai, 2/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Day bấm huyệt chữa trật đĩa đệm cột sống

Nguyên nhân nội tại của trật đĩa đệm là sự thoái hóa, teo, giảm tính đàn hồi của đĩa đệm và các khuyết tật bẩm sinh.

Nguyên nhân ngoại lai là do các tổn thương cơ học (chấn thương) ở phần dưới của lưng, chủ yếu là sự quá tải của sự vận động cột sống lưng như đột ngột vặn eo lưng trong khi lưng ở tư thế cong, khiêng vác vật nặng, hoạt động thể lực quá độ.

Những yếu tố này có thể làm cho các vòng mô sợi bị rách, nhân của đĩa đệm lòi ra ngoài, ép vào tủy sống hay kích thích các rễ dây thần kinh, làm cho phần dưới của lưng và chân bị đau.

Triệu chứng khi bị trật đĩa đệm

Phần dưới của lưng bị đau, thường có tiền sử đau lưng cấp tính, cơn đau trở đi trở lại nhiều lần trong một thời gian dài. Sau đó cơn đau lan xuống mông và chân dọc theo vùng phân phối của dây thần kinh tọa bên bị bệnh. Cơn đau tăng khi ho, hắt hơi, đại tiện hay dùng sức ở tư thế cong lưng.

Khám thấy độ cong trước sau của cột sống giảm, cử động cột sống bị hạn chế, nhiều nhất là cử động gập về phía trước. Các điểm đau khi sờ đến thường ở giữa 2 đốt sống, hay bên cạnh cột sống. Ở giữa đốt sống thắt lưng 4 và 5 hay giữa đốt sống 5 và đốt sống cùng 1. Một số bệnh nhân còn bị tê mặt ngoài và sau của cẳng chân, gót chân, bàn chân và bị giảm cảm giác ở các nơi đó.

Thủ pháp xoa bấm chữa trật đĩa đệm

Đẩy kinh bàng quang: Bệnh nhân nằm sấp, người thao tác đứng bên cạnh, đặt sát bàn tay lên lưng bệnh nhân, luân phiên dùng hai bàn tay làm động tác đẩy, tác động dọc trên kinh bàng quang từ đốt sống ngực 1 xuống đến vùng lưng chậu, sau đó tác động vào chân bị bệnh từ sau mông mặt ngoài của chân xuống đến gót (hình 1). Lực tác động đủ để tác dụng vào các tổ chức dưới da. Lặp lại nhiều lần trong 3 phút.

Nhào lưng: Bệnh nhân nằm sấp, người thao tác đứng bên cạnh, luân phiên dùng hai bàn tay nhào lưng bệnh nhân từ trên xuống đến vùng lưng chậu và ngược lại, lặp lại nhiều lần trong 3 phút (hình 2). Thủ thuật được tác động đặc biệt vào vùng lưng chậu cho đến khi có cảm giác ấm và triệu chứng đau giảm.

Điểm các huyệt hoàn khiêu, ủy trung, thừa sơn: Bệnh nhân nằm sấp, người thao thác dùng đầu ngón tay cái điểm các huyệt trên, mỗi huyệt được tác động 1 phút (hình 3).

Xoa hông: Bệnh nhân nằm nghiêng sang bên lành, chân bị đau co lại ở khớp háng và khớp gối, chân lành duỗi thẳng, người thao tác đứng phía sau, đặt một cùi chỏ vào hố trước vai bệnh nhân, cùi chỏ còn lại vào phía sau mỏm xương hông của bệnh nhân, bất thình lình xoay mạnh, ngược hướng 2 cùi chỏ để xoay người bệnh nhân từ 1 đến 3 lần. Sau đó làm tương tự với bên lành (hình 4).

Điểm huyệt phong thị, dương lăng tuyền, giải khê: Bệnh nhân nằm ngửa, người thao tác đứng bên cạnh, hai đầu ngón tay cái điểm các huyệt trên, mỗi huyệt được tác động 1 phút (hình 5).

Lắc vùng lưng chậu: Bệnh nhân nằm ngửa, háng và gối co lại, dùng hai tay giữ lấy đầu gối. Người thao tác một tay giữ lấy lưng người bệnh nhân, tay kia giữ lấy đầu gối bệnh nhân lắc hông qua lại trong 1 phút.

Vị trí huyệt:

- Hoàn khiêu: Ở chỗ tiếp nối 1/3 giữa và 1/3 ngoài của đường nối từ điểm cao nhất của mấu chuyển lớn xương đùi tới khe xương cùng. Xác định huyệt khi người bệnh nằm nghiêng và co đùi.

- Ủy trung: Ngay tại điểm giữa nếp khoeo chân.

- Thừa sơn: Ở điểm nối giữa đường nối huyệt ủy trung và gót chân, nằm trên rãnh dưới huyệt ủy trung 8 tấc.

- Phong thị: Ở mặt ngoài đùi, phía trên nếp lằn khoeo 7 tấc giữa cơ rộng ngoài và cơ nhị đầu đùi.

- Dương lăng tuyền: Ở chỗ lõm phía trước, dưới đầu trên xương mác.

- Giải khê: Ở điểm giữa mu chân, tại lằn chỉ cổ chân giữa gân cơ duỗi dài các ngón chân và gân cơ duỗi dài ngón chân cái.

Trích nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

 

Gửi cho bạn bè