Thứ Ba, 3/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Học giả Trung Quốc: Đường lưỡi bò là bóp méo sự thật lịch sử

Trong bài viết mới nhất trên trang blog cá nhân, học giả Lý Lệnh Hoa, một chuyên gia của Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc, đã dẫn một bài nghiên cứu chi tiết và sắc sảo, chỉ ra những lỗi ngụy biện và vô lý của Trung Quốc trong việc đưa ra yêu sách đường lưỡi bò tham lam và phi pháp và lối hành xử vô lối của nhà cầm quyền Trung Quốc trên biển hiện nay.

Học giả Lý Lệnh Hoa viết: "Trên thực tế, Trung Quốc chưa từng có bất cứ một văn bản chính thức nào chứng minh được mình có chủ quyền lịch sử với đường chữ U mà Trung Quốc đang đòi hỏi. Nói về tính lịch sử của "chủ quyền trên biển của Trung Quốc", chúng ta nên nhớ rằng, Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Từ xa xưa cho đến tận đời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc vốn không quan tâm nhiều đến biển. Làm sao lại có thể dám nói rằng, người Trung Quốc từ xa xưa đã vươn ra hoạt động trên một vùng biển rộng đến hơn 200 vạn km2 mà Trung Quốc đang đòi hỏi hiện nay? Đấy là một sự ngụy tạo, bóp méo sự thật lịch sử".

Nói về thứ lý luận vô lý được nhà cầm quyền và nhiều học giả Trung Quốc gọi là "lợi ích quốc gia của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông)", ông Lý Lệnh Hoa đã chỉ trích rất gay gắt, “các chuyên gia hàng hải Trung Quốc gần đây thường cao giọng nói về thứ gọi là “lợi ích quốc gia của Trung Quốc”, vậy các quốc gia khác trong khu vực thì không có “lợi ích quốc gia” của họ trên vùng biển này sao?

Nếu nước nào cũng chỉ nhắm đến lợi ích cho riêng mình mà không tôn trọng luật pháp quốc tế, không nghĩ đến lợi ích của nước láng giềng, không xem xét, tôn trọng thái độ và khả năng chịu đựng của nhau thì Nam Hải sẽ mãi mãi là tâm bão tranh cãi, thậm chí dẫn đến chiến tranh.

Đối với những tranh chấp trên biển, không thể chỉ nhìn từ cái lợi của mình, mà phải nhìn vào thực tế, nhìn từ quan điểm của nước khác, nhìn vào lẽ phải và công lý. Nếu đã không biết đặt mình vào vị trí của người khác, thì tại sao Trung Quốc còn giãy nảy lên phản đối chỉ vì ông Abe đến thăm đền Yasukuni?

Ngoài bài viết trên, gần đây học giả Lý Lệnh Hoa đã viết "Thư ngỏ gửi truyền thông Việt Nam". Trong thư, tác giả nêu quan điểm: Trung Quốc và Việt Nam hãy dùng trí tuệ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thay vì các hành vi khiêu khích.

Bức thư kết luận: “Cả hai bên Trung Quốc và Việt Nam đều cần phải bình tĩnh đàm phán để giải quyết những tranh chấp về biên giới lãnh thổ và hàng hải. Tôi, một học giả bình thường ở Trung Quốc, hy vọng rằng chính phủ hai nước và các dân tộc sẽ sống trong tình bạn và có một tương lai tốt đẹp hơn”.

Hành động của Trung Quốc đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về lịch sử, quyền lực và tham vọng của Trung Quốc

Abraham M. Denmark, Phó Chủ tịch Các vấn đề Chính trị và An ninh tại Văn phòng Quốc gia Nghiên cứu châu Á và từng là người đừng đầu Ủy ban Các vấn đề về Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng, trên Biển Đông, tuyên bố chủ quyền đầy tham vọng về đường 9 đoạn mơ hồ và phi lý, cùng với hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc sau khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến căng thẳng trong khu vực tăng lên một cấp độ mới đầy nguy hiểm.

Với toan tính của riêng mình, Bắc Kinh đã có những động thái gây hấn với một loạt các nước láng giềng, tạo ra nguy cơ lớn hơn cho một cuộc khủng hoảng và xung đột tiềm năng. Trong khi một số nước như Việt Nam có hành động hết sức kiềm chế và hữu nghị, mong muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, thì hành động của Trung Quốc lại rất hung hăng và hiếu chiến.

Chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Obama tới châu Á, Bắc Kinh đã đưa một giàn khoan dầu trị giá hàng tỉ USD vào thềm lục địa của Việt Nam một cách có tính toán. Đồng thời, Trung Quốc phái hàng trăm tàu các loại, trong đó có cả tàu chiến và máy bay chiến đấu để bảo vệ giàn khoan phi pháp này. Gần đây nhất, Trung Quốc đã cho tàu đâm chìm một tàu cá của Việt Nam gần khu vực giàn khoan trên. Sự kiện này đã khiến dư luận quốc tế chú ý và lên án trong suốt tháng qua.

Sự cố tương tự cũng đã diễn ra giữa Trung Quốc và Philippines là Bắc Kinh hạn chế Manila tiếp cận bãi Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), gây sức ép lên sự hiện diện lâu nay của Manila ở bãi Second Thomas (bãi Cỏ Mây, Trung Quốc gọi là bãi Nhân Ái), bắt đầu cải tạo đất đai ở nhiều vị trí khác nhau.

Theo ông Denmark, một vấn đề mới đặt ra mới đây là liệu Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào sau khi Philippines vừa tuyên bố phạt tù với 9 ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc bắt cá trộm trong vùng biển của nước này. Bắc Kinh chắc chắn sẽ phản ứng và tìm cách trừng phạt Manila, đồng thời tiếp tục củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong quá trình này. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Philippines, bất kể Bắc Kinh tìm cách ngụy biện về hành động này là phòng thủ hay phản ứng, Mỹ sẽ bị lôi kéo vào cuộc khủng hoảng này, ít nhất là bằng các biện pháp ngoại giao, thậm chí là quân sự.

Mỹ sẽ không lùi bước trong một tình huống như vậy, khi mà độ tin cậy về sự sẵn sàng can thiệp ở nước ngoài của Mỹ đã suy giảm sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine và sự kiện “giới hạn đỏ” mà Tổng thống Obama vạch ra ở Syria năm 2013. Trong khi Washington cố gắng làm giảm leo thang căng thẳng và loại bỏ việc sử dụng vũ lực, họ cũng sẽ thể hiện ý chí và quyết tâm trong việc ngăn chặn tình trạng đối đầu và trấn an các đồng minh của mình.

Mặc dù Mỹ không phải là một bên trong các tranh chấp ở Biển Đông, nước này có một quan tâm khác lớn hơn đó là: Một cuộc xung đột ở Biển Đông sẽ là thảm hoạ đối với các hoạt động thương mại trong khu vực và mối quan hệ Trung - Mỹ, cả hai điều này đều rất quan trọng đối với Washington.

Đối với các quốc gia bên ngoài, tưởng chừng những sự cố liên quan đến bãi đá, giàn khoan, ngư dân… là không có gì để nói, nhưng thực tế, nó là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Nếu xâu chuỗi lại các hành động gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông, những sự cố đó đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về lịch sử, quyền lực và tham vọng của Trung Quốc.

Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Gửi cho bạn bè