Thời tiết giá lạnh mùa đông gây nhiều phiền toái cho sức khỏe trong đó có chứng nứt gót chân. Đây là chứng bệnh khá phổ biến đối với nhiều người, tuy không nguy hiểm nhưng chứng nứt gót chân gây đau đớn, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Nứt gót chân, vì sao?
Nứt gót chân là phần da khô ở gót chân bị mất đi độ đàn hồi và tách ra khi trọng lực cơ thể dồn xuống chân. Căn bệnh này ít được nhiều người quan tâm đúng mức vì chỉ là vấn đề thẩm mỹ, nhưng khi gặp một số điều kiện thuận lợi như tiếp xúc nhiều với nước, thay đổi thời tiết đột ngột, trời lạnh, nó có thể gây chảy máu, nứt sâu, đau đớn, cản trở việc đi lại, lao động. Các triệu chứng càng nghiêm trọng nếu phần da bao quanh viền ngoài của gót dày lên hoặc bị chai nhiều hơn. Trong trường hợp nặng, các vết nứt có thể gây chảy máu, thậm chí do tổn thương sâu, vi khuẩn và virut xâm nhập có thể dẫn đến nhiễm khuẩn.
Nứt gót chân nếu không được điều trị sẽ dễ nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân gây nứt gót chân rất đa dạng, nhưng tựu chung có 3 điều kiện góp phần làm cho triệu chứng nứt gót chân tiến triển, đó là: da khô do mất độ ẩm, áp lực quá mức lên phần gót chân trong thời gian dài và nguyên nhân từ bệnh tật. Cụ thể, do thời tiết mùa đông quá lạnh lại hanh khô khiến da khô và mất nước. Gót chân thường bị mất độ ẩm tự nhiên do: Không giữ ẩm cho bàn chân thường xuyên, cơ thể bị mất nước hoặc không uống đủ nước, sử dụng xà phòng có chất tẩy mạnh, nước tắm quá nóng, ngâm chân trong nước nóng quá lâu hoặc quá thường xuyên, dùng nhiệt độ cao sấy khô chân… làm lớp da bên ngoài chân dày lên và dễ khô nứt.
Trong khi đó, áp lực kéo dài quá mức đối với phần gót chân phát sinh từ: đi bộ hoặc đứng lâu, đặc biệt là trên sàn cứng. Người béo phì hay mang thai làm tăng áp lực đối với lớp mỡ bình thường dưới gót chân, làm cho nó “dạt” sang hai bên, khi đó nếu da không có độ dẻo dai và linh hoạt, áp lực có thể gây ra vết nứt. Giày dép không có các miếng đệm hỗ trợ cho phần gót chân… khiến gót chân rất dễ bị nứt.
Người mắc một số rối loạn hoặc các loại bệnh như suy giáp, bệnh vẩy nến, eczema, viêm da dị ứng, đặc biệt là bệnh tiểu đường… cũng có thể dẫn đến nứt gót chân. Người dùng thuốc kháng histamin và thuốc lợi tiểu cũng được xem là có hiện tượng gót khô. Loại trừ nguyên nhân lão hóa do tuyến mồ hôi ở bàn chân giảm hoạt động, người trẻ nếu thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết cũng có thể khiến gót chân bị nứt nẻ.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường xung quanh như tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời rất lạnh hoặc nóng, trong khi môi trường trong nhà quá khô cũng có thể gây nứt gót chân. Một số nguyên nhân khác là phụ nữ đi dép hở gót mỗi ngày hay không chăm sóc và duy trì vệ sinh chân đúng cách cũng tạo đà cho lớp da gót chân dày, chai, gặp khi trời hanh khô rất dễ bị nứt
Ngâm chân bằng nước ấm có vắt nửa quả chanh, rồi chà nhẹ gót chân, giúp gót chân bớt nứt.
Cải thiện chứng nứt gót chân hiệu quả trong mùa hanh khô
Để cải thiện tình trạng nứt gót chân, mọi người nên áp dụng các phương pháp sau:
Uống nhiều nước hàng ngày (ít nhất 1,5 lít) để giữ cho làn da và gót chân không bị mất nước. Bên cạnh đó cần áp dụng chế độ ăn giàu dinh dưỡng, tăng cường thực phẩm giàu vitamin A, C, E để chống lão hóa da. Không nên đứng quá lâu, tạo áp lực cho chân. Giữ bàn chân sạch sẽ và tẩy da chết thường xuyên mỗi tuần.
Massage gót chân với dầu mè hoặc dầu dừa khoảng 10 phút trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau dậy thì rửa lại chân sạch sẽ. Đây được cho là biện pháp khắc phục tốt nhất điều trị nứt gót chân, khiến da chân mềm và tăng độ ẩm cho gót chân.
Hàng ngày, ngâm chân trong nước ấm có vắt nửa quả chanh sẽ nới lỏng các tế bào da chết. Sau đó, khi da chân mềm thì lấy đá mài chà nhẹ phần gót chân và rửa sạch.
Trộn glycerin và nước hoa hồng với nhau và áp dụng thoa vào gót chân hàng ngày. Điều này giúp làm dịu và chữa trị nứt gót chân nhanh chóng.
Tạo hỗn hợp nước cốt chanh và đu đủ chín, áp dụng thoa nó vào gót chân bị nứt. Hãy để nó trong 20 phút sau đó rửa sạch lại chân.
Sau khi rửa chân, massage chân (chủ yếu phần gót) với dầu parafin, vaseline, giúp chân ngậm nước và giữ ẩm cho gót chân.
Lấy một quả chuối chín đã gần như chuyển sang màu đen. Sau đó bóp nát chúng và áp dụng thoa vào khu vực gót chân bị nứt. Hãy để ít nhất trong 15 phút mới rửa sạch. Đây là một biện pháp khắc phục nứt gót chân nhanh chóng.
Trộn bột nghệ, long não bằng nhau cùng với gel lô hội sau đó áp dụng dán trên giày cao gót rất tốt cho gót chân bị nứt.
Lưu ý: Ngoài các cách trên, người bệnh cũng có thể sử dụng các loại kem trị nứt gót chân. Trên thị trường có nhiều dòng sản phẩm điều trị nứt gót chân, muốn hiệu quả cần kết hợp chăm sóc da với dùng kem chuyên trị nứt gót. Một sản phẩm tốt trước hết phải làm cho triệu chứng giảm đi một cách nhanh chóng, kết quả có thể thấy rõ trong vòng 5 ngày sử dụng. Sản phẩm đó phải cùng lúc phát huy 3 tác dụng: tróc da, làm mềm và dưỡng ẩm cho da bằng cách hình thành một lớp bảo vệ để làm giảm đáng kể các triệu chứng da dày lên và nứt. Tuyệt đối không dùng kéo hay dao cạo lớp da dầy sẽ khiến lớp da ấy dễ bị nhiễm khuẩn và tình trạng nứt không cải thiện.
Trích nguồn: Báo sức khỏe Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK