Xuất bản trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông” do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thực hiện đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Lâu nay, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã có nhiều công trình của các học giả nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông. Tất cả đều thống nhất khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam do nhà nước Việt Nam quản lý, khai thác từ nhiều thế kỷ qua. Vì thế, cuốn sách này được ra đời cũng nằm trong mạch chung của sự nhất quán khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Bằng việc sưu tập các loại văn bản như bản đồ, địa chí, lịch sử, văn bản hành chính, tạp văn cùng nhiều loại tài liệu khác, đội ngũ các nhà nghiên cứu do PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh làm chủ biên đã mang đến người xem cái nhìn cụ thể và toàn cảnh về chủ quyền của Việt Nam. Đây là những tư liệu lịch sử có giá trị khoa học làm căn cứ pháp lý xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Cuốn sách tập trung vào hai nội dung chính: Tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông và Về quản lý của Nhà nước Phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông qua tư liệu Hán Nôm. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những bằng chứng lịch sử rất thuyết phục được trích dẫn từ nguồn sử liệu tin cậy. Có thể kể ở đây như bộ Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử triều Nguyễn biên soạn năm 1882 có đoạn ghi: “Đảo Hoàng Sa nằm ở phía Đông đảo Lý Sơn thuộc huyện Bình Sơn, từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra biển thuận gió thì khoảng ba, bốn ngày đêm có thể đến đảo. Quần đảo này có đến hơn 130 đảo, chung quanh đều là biển, cách nhau chừng một ngày đường hoặc mấy canh giờ. Trên đảo có Bãi Cát Vàng kéo dài không biết mấy ngàn dặm, bằng phẳng rộng rãi… Buổi đầu lập quốc đặt đội Hoàng Sa lấy dân xã An Bảo sung vào, hàng năm cứ tháng ba là ra biển thu lượm hải vật”. Điều này cho thấy, trong lịch sử, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, các bản đồ Trung Quốc và phương Tây đều thể hiện rất rõ điều này.
Cuốn sách còn dành dung lượng lớn để đưa ra nguồn sử liệu về lập trường của Nhà nước phong kiến Việt Nam xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Đó là hàng năm nhà nước phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về mang trình tấu triều đình; Nhà nước đặt đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển, đảo; Nhà nước phong kiến Việt Nam luôn quan tâm giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa cho các thế hệ người Việt Nam. Trong các tài liệu Hán Nôm, sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu như Khải đồng thuyết ước khắc in năm Tự Đức 1881, Tu thân lý khoa cũng có những nội dung ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, Việt Nam có đủ bằng chứng có giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sau khi được xuất bản, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có kế hoạch dịch cuốn sách ra tiếng Anh để công bố ra thế giới những căn cứ vững chắc về lịch sử, về khoa học và về pháp lý của Việt Nam thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): Sách giáo khoa Trung Quốc thừa nhận biên giới chỉ đến đảo Hải Nam
Chúng tôi bác bỏ tấm bản đồ 2000 năm mà Trung Quốc viện dẫn để lấp liếm cho tính pháp lý của đường 9 đoạn và khẳng định là hoàn toàn không có. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi tìm thấy một ấn bản sách giáo khoa tiểu học của Trung Hoa Dân Quốc năm 1912 đã vẽ biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Cùng với đó, những bản đồ của phía Trung Quốc được in vào thời kỳ cận đại và đầu thế kỷ XX đều vẽ biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Như vậy, Trung Quốc cần tôn trọng sự thật lịch sử và công nhận chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH & TLGK Trích nguồn: Báo An ninh Thủ Đô