Có thể nói, việc chuyển giao tài sản là tang vật, phương tiện bị tịch thu trong các vụ việc vi phạm hành chính để bán đấu giá tài sản là khâu cuối cùng trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản pháp quy có liên quan.
Theo khoản 3, điều 82, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì " Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền phải xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này (tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá. Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá). Quá thời hạn này mà không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật". Cùng với đó, tại khoản 1, điều 20, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, quy định về việc tổ chức xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nêu:"1. Việc tổ chức xử lý tài sản được thực hiện đối với tài sản của từng vụ việc xử phạt hành chính bị tịch thu.Trường hợp giá trị tài sản bị tịch thu của một vụ việc thấp (dưới 100 triệu đồng/01 vụ việc) thì đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần".
Như vậy, trên thực tế đã và đang xảy ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh về thời hạn chuyển giao tang vật xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực chuyển giao tài sản là tang vật, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá tài sản theo quy định.
Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng Nghị định 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể, theo đó Người có thẩm quyền trong việc chuyển giao tài sản, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá tài sản được phép tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần trong trường hợp giá trị tài sản bị tịch thu của một vụ việc dưới 100 triệu đồng/01 vụ việc. Đồng thời những trường hợp này không nhất thiết phải căn cứ vào thời hạn, mà chỉ căn cứ vào giá trị tài sản bị tịch thu của một vụ việc, đến thời điểm tập hợp được nhiều tài sản, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu của nhiều vụ việc thì Người có thẩm quyền sẽ tiến hành chuyển giao các tài sản, phương tiện đó để thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo quy định.
Nhóm ý kiến thứ hai thì cho rằng, thời hạn mà Người có thẩm quyền trong việc chuyển giao tài sản, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá tài sản đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (khoản 3, Điều 82). Theo đó, việc chuyển giao tài sản, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá tài sản phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và không nhất thiết phải căn cứ vào giá trị của tài sản, phương tiện đó là thấp hay cao, nhiều vụ việc hay ít vụ việc.
Thiết nghĩ, các ý kiến của nhóm thứ nhất có phần phù hợp, tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn và các quy định hiện hành thì các ý kiến của nhóm thứ hai là đảm bảo tính pháp lý cao hơn và thuyết phục hơn. Bởi lẽ:
Thứ nhất: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong việc quy định, điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính nói chung và công tác xử phạt vi phạm hành chính nói riêng. Hay nói cách khác thì Nghị định số 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ không thể quy định trái với Luật xử lý vi phạm hành chính được và tổ chức, cá nhân áp dụng các quy định có liên quan phải căn cứ vào quy định đã được nêu tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Tổ chức, cơ quan, Người có liên quan phải căn cứ triển khai thực hiện trên cơ sở các quy định đã rõ ràng của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thứ hai: Việc quy định cụ thể thời hạn buộc Người có thẩm quyền trong việc chuyển giao tài sản, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá tài sản là nhằm đảm bảo cho các loại tài sản, phương tiện còn giữ được giá trị cao hơn trong thời điểm tiến hành bán đấu giá tài sản, nhất là các tài sản là lâm sản, thì việc chuyển giao lâm sản bị tịch thu để bán đấu giá tài sản nhanh chóng sẽ có giá trị về tiền cao hơn rất nhiều. Qua đó, sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, sẽ tránh được tình trạng chậm chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm hành chính có thể xảy ra. Thực tế, có những tang vật vi phạm hành chính sẽ không còn giá trị nếu như không được bảo quản tốt trong một thời gian dài. Nếu trong trường hợp, cơ quan, tổ chức có liên quan trong một thời gian dài không phát hiện, tiến hành ban hành quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tiếp theo, thì những tài sản, phương tiện của vụ việc trước đây sẽ chưa được chuyển giao bán đấu giá tài sản nếu như Người có thẩm quyền căn cứ vào quy định tại khoản 1, Điều 20, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP.
Thứ ba: Các cơ quan chức năng, Người có thẩm quyền trong việc chuyển giao tài sản, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá tài sản nên hiểu cụ thể và thống nhất đối với quy định tại khoản 1, Điều 20, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP là quy định đối với giá trị của tài sản, phương tiện bị tịch thu trong các vụ việc xử phạt vi phạm hành chính để tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể thuận lợi trong việc chuyển giao tài sản, phương tiện bị tịch thu của nhiều vụ việc vi phạm hành chính trong thời điểm gần nhau (không quá 30 ngày). Hay nói cách khác, quy định này là để tránh việc Người có thẩm quyền trong việc chuyển giao tài sản, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá tài sản phải mất nhiều công sức, thời gian trong việc hoàn thiện hồ sơ chuyển giao nhiều tài sản, phương tiện của nhiều vụ việc khác nhau trong thời gian gần nhau (30 ngày). Trong thời hạn 30 ngày, các cơ quan, tổ chức, Người có thẩm quyền phải tiến hành chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để bán đấu giá tài sản. Trong thời hạn đó, các cơ quan, tổ chức, Người có thẩm quyền có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần. Như vậy sẽ phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tình hình, yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc nhanh chóng, kịp thời trong việc xử lý vi phạm hành chính.
Đây là vấn đề đang còn có nhiều ý kiến, nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau trên thực tế. Rất mong các Bộ, ngành có liên quan sớm có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn về vấn đề này để việc áp dụng được thống nhất, chính xác. Theo đó, các Bộ, ngành có liên quan cần hướng dẫn thời hạn Người có thẩm quyền trong việc chuyển giao tài sản, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá tài sản phải là 30 ngày, đồng thời, trong thời hạn đó Người có thẩm quyền trong việc chuyển giao tài sản, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá tài sản có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc có giá trị thấp (dưới 100.000.000 đồng/01 vụ) để xử lý một lần. Có như vậy thì mới rõ ràng và thuận tiện cho quá trình áp dụng trên thực tế, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng thiếu trách nhiệm của một số ít Người có thẩm quyền trong việc chậm chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để bán đấu giá tài sản, làm giảm (hoặc có thể mất) giá trị của phương tiện, tài sản, dẫn đến giảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Trích nguồn: Cổng thông tin Bộ Tư pháp
Biên tập: Trần Hương (T2)