Dịch COVID-19 của Việt Nam đang tăng cao trở lại với số ca mắc mới lên tới hơn 13.000 F0/ngày tại 60 tỉnh, thành trên cả nước. Tăng cao nhất là TP Hồ Chí Minh, sau đến Cần Thơ, Bình Dương và một số tỉnh Tây Nam Bộ.
Trong 7 ngày liên tiếp, số ca COVID-19 trên cả nước vượt mốc 10.000 ca/ngày, đặc biệt trong 3 ngày 26, 27, 29-11 Việt Nam đều ghi nhận trên 13.000 ca. Ngày 29-11, Việt Nam ghi nhận số ca mắc cao nhất trong hơn 1 tháng qua, lên tới 13.770 ca COVID-19.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.596 ca/ngày, tăng cao hơn nhiều so với 1 tháng trước đây; số tử vong trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua là 160 ca. Hiện nay, thế giới lại phải đối mặt với biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 được gọi là Omicron (B.1.159) phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi. Việt Nam ứng phó ra sao trước số ca mắc tăng cao và biến chủng mới?
Dịch lây lan nhanh ở nơi đông dân, giao lưu đi lại nhiều
Theo nhận định của Bộ Y tế, số mắc có xu hướng tăng cao trở lại một số địa phương như Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp…, thậm chí có ngày Cần Thơ ghi nhận đến 1.300 ca mắc mới, gần bằng với TP Hồ Chí Minh. Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp dự phòng, song số ca mắc mới ở đây đang tăng trở lại.
Tại phía Bắc, Hà Nội là địa phương có số ca mắc mới mỗi ngày cao nhất. Nhiều người lo ngại với sự gia tăng ca mắc ở Thủ đô như hiện nay, liệu Hà Nội có trở thành “TP Hồ Chí Minh” thứ hai hay không? PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng cộng (Bộ Y tế) cho rằng Hà Nội vẫn đang kiểm soát được, vẫn tổ chức phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, tỷ lệ tiêm vaccine cao. Qua theo dõi số ca nhiễm mới chủ yếu là nhẹ, bệnh nặng thấp hơn do phần lớn chưa tiêm vaccine.
Một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, không thực hiện 5K.
Lo lắng biến chủng mới
Trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với COVID-19 tăng trở lại, thì tại Nam Châu Phi đã xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có tên Omicron (B.1.1. 529) đang đe dọa đến thành quả chống dịch của toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến chủng mới Omicron rất đáng lo ngại được phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi như Nam Phi, Botswana…
Các nhà khoa học cho rằng, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24-11 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến nay Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron, tuy nhiên, biến chủng này đã xuất hiện ở Úc, Anh, Đức, Israel, Ý, CH Czech, Hồng Công (Trung Quốc). Vào hôm 28-11, Bộ Y tế báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ 7 quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Người dân lo ngại biến chủng mới xâm nhập vào nước ta qua người nhập cảnh không chỉ đến từ 7 nước châu Phi, mà có thể còn từ nước khác, nếu chỉ dừng các chuyến bay ở 7 nước này liệu có đủ hay không? “Cách phòng bệnh tốt nhất là dừng các chuyến bay tới các nước châu Phi đang có dịch; tăng cường kiểm soát dịch bệnh biên giới, cửa khẩu.Đặc biệt lưu ý người ở châu Phi đi qua nước thứ 2 rồi mới về Việt Nam. Cần làm các xét nghiệm đối tượng nghi ngờ, lấy mẫu, điều tra dịch tễ, giải trình tự gen”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cảnh báo: Từ kinh nghiệm chiến đấu với chủng Delta trong thời gian qua cho thấy, chỉ cần lọt một trường hợp đã có thể để lại những hậu quả rất lớn. Việc dự phòng và kiểm soát đối với chủng mới là vấn đề mang tính sống còn. Do đó, trong khi còn trong giai đoạn biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa lại phải tăng cường thêm một bậc.
TS Thái cho rằng, hiện nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện các lệnh đóng cửa du lịch, đặc biệt với những quốc gia nguy cơ. Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đồng ý đưa ra các hạn chế tạm thời đối với tất cả các chuyến đi vào EU từ miền Nam châu Phi vì lo ngại về biến thể này, gồm những nước Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Canada sẽ cấm nhập cảnh những công dân nước ngoài đã từng đi qua miền Nam châu Phi trong 14 ngày qua...
Vì vậy, để phòng ngừa, TS Thái nhấn mạnh giải pháp: Ngành y tế cần bám sát thông tin lưu hành của biến chủng và khuyến nghị tăng cường rà soát nhập cảnh với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới. Ngành an ninh cần kiện toàn sớm hệ thống kiểm soát định danh để trong thời gian ngắn nhất xác định được các tiếp xúc nguy cơ nếu xác định được trường hợp đầu tiên. Công tác truyền thông cũng cần tăng cường trong thời gian tới nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức và tự dự phòng tốt hơn.
Chuẩn bị cơ sở vật chất để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, giải pháp đưa ra lúc này là cần chú trọng 4 vấn đề:
Thứ nhất, các địa phương cần phải giám sát dịch tốt, đánh giá nguy cơ thì mới có thể biết được tình hình dịch ở địa phương mình như thế nào. Bằng hình thức như xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, xét nghiệm vùng nguy cơ; xét nghiệm đánh giá nguy cơ như các trường hợp ho sốt phải xét nghiệm, nhân viên y tế, lái xe... các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ, siêu thị…;
Thứ 2, khi có dịch vẫn phải truy vết, phát hiện, quây ổ dịch càng nhỏ càng tốt, không thể buông xuôi cho rằng tiêm vaccine rồi thì không cần quây ổ dịch. Đồng thời, quan trọng nhất là phải có phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở tất cả các ngành nghề, các khu vực như mô hình bệnh viện an toàn, xí nghiệp an toàn, chợ búa an toàn, siêu thị an toàn, trường học an toàn, vận tải an toàn...
Thứ 3, cần phủ nhanh vaccine COVID-19. Việc rút ngắn thời gian cách ly, cách ly tại nhà, nới lỏng được hay không là ở vấn đề vaccine.
Thứ 4, các bệnh nhân COVID-19 phải được tiếp cận sớm với y tế, phải được điều trị. Các tỉnh thành cần chuẩn bị các cơ sở điều trị theo phân tầng, hồi sức cấp cứu, chuẩn bị theo cơ số theo đánh giá nguy cơ từng tỉnh thành.
Ông Phu nhấn mạnh: Hạn chế giãn cách xã hội, trừ khi kiểm soát dịch không hiệu quả. Chúng ta nới lỏng không phải là buông trôi thả lỏng, nhưng phải có biện pháp, như đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 2 cho người cao tuổi, bệnh nền…hoặc kiểm soát chặt người đi từ vùng dịch về bằng đường bộ, vì có người “nhảy cóc” từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Thuận ra Hà Nội nhưng không khai báo ở vùng dịch ra.
Trước lo ngại biến chủng mới có thể vô hiệu hóa các loại vaccine phòng COVID-19 hiện đang sử dụng, ông Phu cho rằng, hiện nay vẫn còn nghiên cứu biến chủng mới Omicron có đáp ứng với vaccine phòng COVID-19 hay không, nếu trong trường hợp biến chủng vô hiệu hóa vaccine, thì lại phải sản xuất loại vaccine mới. Tuy nhiên, vaccine mới không quá phức tạp như vaccine lúc đầu, mà dựa trên công nghệ vaccine cũ có những thay đổi để tạo ra vaccine mới phòng chủng mới, nên có khả năng sẽ có sớm hơn. Việc bao phủ vaccine vẫn cần nhanh chóng thực hiện để đảm bảo phòng, chống dịch cho cộng đồng, không chỉ ở biến chủng mới mà còn phòng và ngăn chặn biến chủng Delta.
Còn TS Phạm Quang Thái thì cho rằng, hiện đã có bằng chứng về việc nhiễm chủng mới trên những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, liệu có tăng tỷ lệ nặng trên những người đã tiêm đủ mũi vaccine hay chưa thì còn cần phải theo dõi trong thời gian tới. Hiện tại, các hãng sản xuất vaccine cũng đang ráo riết thực hiện những giám sát tác động cùng với chính phủ các nước.
Chẳng hạn, nhà sản xuất Moderna đang khẩn trương làm việc để kiểm tra khả năng vô hiệu hóa biến thể của vaccine và dự kiến sẽ có dữ liệu trong những tuần tới. AstraZeneca đang tiến hành nghiên cứu ở các địa điểm, nơi mà biến thể đã được xác định. Pfizer cũng đang điều tra tác động của biến thể này đối với mũi tiêm của họ, với dữ liệu được dự kiến sẽ có trong vòng vài tuần tới. Johnson & Johnson tuyên bố công ty cũng đang thử nghiệm hiệu quả của vaccine chống lại Omicron.
Nguồn: Báo CAND