Việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và triển khai các tàu tuần dương, tàu hải quân bảo vệ giàn khoan này sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam đã gây ra làn sóng bất bình và phẫn nộ sâu sắc tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong những ngày qua đã liên tục yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục với thái độ “đường ta, ta cứ đi; việc ta, ta cứ làm”.
Rõ ràng, Trung Quốc đang có bước đi nguy hiểm, bất chấp luật pháp và công luận quốc tế, thách thức toàn thế giới. Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã trắng trợn vi phạm Điều 56 và Điều 76 trong UNCLOS 1982 quy định chung về quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển với vùng EEZ và thềm lục địa của nước đó. Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc vi phạm công khai DOC và thể hiện không có thiện chí trong hành động với việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thách thức mọi nỗ lực của các quốc gia ASEAN về vấn đề biển Đông.
Hôm 21/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters (Anh) và AP (Mỹ) về biển Đông, có nêu rõ, Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế. Theo nhận định của phóng viên thường trú của báo Le Monde (Thế giới) – tờ báo hàng đầu của Pháp - tại Đông Nam Á Bruno Philip, đây là lần đầu tiên Việt Nam công khai nói về khả năng thực hiện một hành động pháp lý phản đối Trung Quốc.
Trước đó, hồi tháng 3, Philippines đã là quốc gia đầu tiên kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc (LHQ), đòi hỏi Trung Quốc phải tôn trọng UNCLOS 1982 nhưng Trung Quốc đã từ chối tham gia vào vụ kiện và đe dọa Philippines rằng vụ kiện sẽ làm suy giảm nghiêm trọng quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, theo bài báo của Bruno Philip, “dù Tòa án trọng tài quốc tế không có khả năng cưỡng chế để buộc các bên phải tôn trọng và thực hiện các quyết định của tòa, nhưng một phán xét cuối cùng bất lợi cho Trung Quốc trong vụ kiện sẽ thúc đẩy các quốc gia khác hành động tương tự và cùng tạo áp lực đối với Bắc Kinh”.
Tiếp đó, ngày 23/5, người phát ngôn của Nhà Trắng Patrick Ventrell cho biết, Washington sẽ ủng hộ việc Việt Nam kiện Trung Quốc ra trước các định chế quốc tế để giải quyết vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên biển Đông. Ông Ventrell nói: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, giao thương hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải cũng như hàng không trên Biển Đông” và rằng, “Chúng tôi ủng hộ việc sử dụng biện pháp ngoại giao và cả các biện pháp hòa bình để giải quyết những bất đồng, trong đó có việc sử dụng trọng tài và các cơ chế pháp lý quốc tế khác”.
Giới học giả Việt Nam tại Mỹ cũng nhận định, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam có thể đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, tuy nhiên cần phải tham vấn các chuyên gia về luật quốc tế để có cơ sở pháp lý vững chắc. Một số học giả đã đưa ra những lập luận dựa trên luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, qua đó khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp pháp lý đối với hành động gây hấn của Trung Quốc.
Theo Tiến sỹ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên Trường Luật Harvard thuộc Đại học Harvard, Việt Nam cũng có thể đưa vấn đề ra Đại hội đồng LHQ hoặc Hội đồng Bảo an LHQ. Một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ là áp lực công luận quốc tế, làm sáng tỏ sai trái và vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đây là thủ tục có thể làm bất cứ khi nào có đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, cụ thể là việc Trung Quốc đem chiến hạm đe dọa và dùng các thủ đoạn vũ lực với lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam.
Tiến sĩ Tạ Văn Tài cũng phân tích rất kỹ về các khả năng Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và khẳng định để đưa ra vụ kiện, Việt Nam cần phải hiểu rõ lập luận của Trung Quốc về vị trí giàn khoan và chuẩn bị đầy đủ các bằng chứng pháp lý. Tiến sỹ Ngô Như Bình, Chủ nhiệm Chương trình Tiếng Việt thuộc Bộ môn Văn minh và Ngôn ngữ Đông Á, Đại học Harvard cũng nhấn mạnh, các chuyên gia từ nhiều nước đều không công nhận cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Đông.
Trong khi đó, ngày 26/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ, chứng lý để sẵn sàng làm cơ sở khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu họ không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam”. Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, ông Vũ Xuân Hồng cũng cho rằng, việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là điều “nên và cần phải làm”.
Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online