Nếu không phải trong tình yêu thì độc quyền luôn là một dạng thất bại của thị trường, dù là thị trường nào đi chăng nữa. Nhưng, với thị trường xuất bản, sự tổn thất mà độc quyền gây nên không chỉ dừng lại ở câu chuyện giá cả hay chất lượng...
Bạn đã bao giờ viết một bản thảo mà bị từ chối chưa? Lời lẽ trong thư từ chối thế nào? Dù thế nào thì tin chắc rằng bạn cũng không đến nỗi bị kéo sụp bằng những lời lẽ ác nghiệt như: “Không thể bán được”, “buồn nôn khủng khiếp”, “sẽ gây hại không thể đong đếm”, “tôi kiến nghị chôn sâu giấu chặt nó dưới một tảng đá trong một ngàn năm”... Chắc hẳn phải là một siêu thảm họa mới bị vùi dập không thương tiếc như vậy, bạn nghĩ. Nhưng không, chẳng có thảm họa nào hết, chúng chính là lời lẽ trích trong một lá thư từ chối mà Nabokov từng nhận được khi ông gửi bản thảo “Lolita” cho một nhà xuất bản nổi tiếng ở Mỹ.
Tổng cộng có ít nhất 5 nhà xuất bản lớn ngày đó đã thẳng thừng vứt bản thảo này vào sọt rác. Cuối cùng thì may mà có Olympia Press, một nhà xuất bản nhỏ nhưng máu liều lại cao, đã dang tay đón lấy nàng Lolita bị thế giới xuất bản chính thống ruồng bỏ.
Nhà văn James Joyce gặp gỡ bà Sylvia Beach, chủ hiệu sách Shakespeare & Company - người đã tự in sách của Joyce sau khi tác phẩm của Joyce bị dừng đăng tải trên một tạp chí Mỹ. Shakespeare & Company là nơi gặp gỡ của nhiều nhà văn người Mỹ ở Paris năm 1920 như Hemingway hay Fitzgerald.
Để hỏi tại sao thông tin Penguin Random House, đế chế xuất bản với 15.000 đầu sách ra đời mỗi năm, chuẩn bị “chốt deal” mua lại Simon & Schuster, một nhà xuất bản lớn khác, với giá 2 tỷ đô lại khiến người ta lo ngay ngáy (trong đó có cả Bộ Tư pháp Mỹ) đến vậy thì chỉ cần nhớ lại lịch sử xuất bản truân chuyên của “Lolita”. Năm 2021 có thể là năm uể oải của bất cứ ngành nào trên thế giới, trừ ngành xuất bản. Còn chưa hết năm mà đã có đến 3 vụ sáp nhập và mua lại gây chấn động thị trường. Và những người đọc sách còn chưa kịp nhảy bổ vào thế giới khác giữa những trang sách thì đã thấy mình không thể phớt lờ trước cái viễn cảnh đang treo lơ lửng trong thế giới hiện thực: độc quyền xuất bản.
Nếu không phải trong tình yêu thì độc quyền luôn là một dạng thất bại của thị trường, dù là thị trường nào đi chăng nữa. Nhưng, với thị trường xuất bản, sự tổn thất mà độc quyền gây nên không chỉ dừng lại ở câu chuyện giá cả hay chất lượng. Hãy tưởng tượng bạn ở trong một căn phòng đóng kín và chỉ có một ô cửa sổ duy nhất để luồn sách qua. Mỗi ngày, vào lúc 7 giờ sáng, sẽ có một hàng tác giả đến trước ô cửa và giới thiệu sách họ viết. Bạn thích cuốn nào là tùy ở bạn. Rồi một ngày kia, bỗng có 5 người canh cửa xuất hiện và tất cả mọi cuốn sách phải đi qua những người này trước khi nó đến tay bạn. Chỉ cần một người trong số họ thấy hay thì sách sẽ được luồn qua cho bạn xem. Quá tốt, vậy là bạn sẽ đỡ mất thì giờ với những tác phẩm rác rến. Nhưng, giả sử bỗng một người canh cửa thủ tiêu 4 người đồng ghiệp để chỉ còn lại mình anh ta làm nhiệm vụ và đó lại chính là người muốn đào mồ chôn “Lolita” thì sẽ ra sao? Độc quyền xuất bản chính là như thế.
Cái gì là hay? Cái gì là văn chương? Cái gì là đáng đọc? Trên đời này chỉ có những câu hỏi không có câu trả lời thì mới đáng được hỏi ra và đây là những câu hỏi như vậy. Chẳng hạn, đầu tiên, người ta đinh ninh cái hay là cái có ích. Nhưng, sau khi tiêu giản cái có ích, người ta lại bảo cái hay có thể vô ích, miễn là đẹp.
Tiếp tục truy tìm cốt lõi của cái hay, người ta thử nghiệm loại bỏ cái đẹp và nhận ra vẫn có cái hay trong cái không đẹp. Lịch sử xuất bản là lịch sử của sự bác bỏ lẫn nhau và bác bỏ chính mình để đi tìm một câu trả lời không tồn tại, lịch sử ấy như một điệu luân vũ bất tận mà mỗi trường phái là một người khiêu vũ liên tục đi tìm bạn nhảy mới, va chạm vào nhau để lịch sử tiếp tục tiến lên. Nhưng, một khi chỉ còn duy nhất một trường phái - một người khiêu vũ, điệu luân vũ làm sao xoay vòng được nữa? Sẽ chẳng còn cái gì gọi là avant garde hay thể nghiệm hay nouveau, chỉ còn những gì hợp lẽ thường.
Những tập đoàn xuất bản thường có tuổi đời cả trăm năm, truyền thống giúp họ đúc kết ra công thức, công thức là gậy chống, giúp ích khi đi, song cản trở khi bay. Đòi hỏi họ phải đặt canh bạc vào những tác giả mới hay những kiểu văn chương mới cũng chẳng khác chi bảo một người chơi cá cược đua ngựa đặt tiền vào chú ngựa non lần đầu xuất chuồng. Lần ngược về cuộc đời sáng tác của rất nhiều văn hào và thi hào, ta sẽ thấy chính những nhà xuất bản nhỏ là nơi đỡ đầu họ thuở chập chững vào nghề chứ không phải các nhà xuất bản lớn.
Nhiều người lầm tưởng cuốn sách đầu tiên của Ernest Hemingway là tiểu thuyết “Mặt trời vẫn mọc” được Gertrude Stein nâng đỡ và hãng Scribners danh tiếng xuất bản, vừa ra mắt đã thành công ngay tắp lự. Không phải. Cuốn sách đầu tiên đánh dấu nghiệp văn chương của Hemingway mang tựa đề dung dị “Ba câu chuyện và mười bài thơ” in ở một nhà xuất bản vô danh ở Paris với số lượng in vỏn vẹn 300 bản. Cuốn thứ hai của ông còn thê thảm hơn, 170 bản bán lay lắt. Và có thể kể thêm cả một danh sách nhà văn nổi tiếng khác nữa ngoài Hemingway mà trước khi bay vọt lên thành ngôi sao văn đàn cũng phải xuất phát từ một tiểu hành tinh khiêm tốn.
Bởi vậy, sự sáp nhập của những nhà xuất bản lớn để trở thành “siêu cường” xuất bản có thể chèn ép khả năng sinh tồn của những nhà xuất bản nhỏ này, theo đúng nguyên tắc cá lớn nuốt cá bé (quả nhiên cũng từng có nhiều nhà xuất bản nhỏ lẻ bị Penguin Random House hay Simon & Schuster nuốt chửng). Và điều đó rất có khả năng là bước đầu tiên trong nạn “diệt chủng” những Hemingway tương lai, Nabokov tương lai, James Joyce tương lai, J.K. Rowling tương lai và tạo nên một nền văn hóa đọc đơn tính không đột biến.
Nabokov sẽ bị “chôn sống”, Joyce sẽ mãi bị quy kết là kẻ đồi trụy, Rowling vô vọng, Hemingway tốt nhất vẫn chỉ nên yên thân làm nhà báo. Dần dần, ta sẽ quên mất rằng truyền thống văn chương nói riêng và sách nói chung được tạo nên từ những ngoại lệ, từ những dị vật, từ những trí tuệ phản loạn, từ những thiên thạch ngông nghênh phá luật chơi, những tác phẩm khác thường không vừa vặn với bất cứ công thức chủ lưu nào và làm sao có thể khác được trong một lãnh vực mà ngay đến Lev Tolstoy cũng đã từng có thời tuyên bố rằng “Chiến tranh và hòa bình” không phải là một tiểu thuyết, càng không thể là một bài thơ và vẫn chưa phải là một biên niên sử - tức là không có một chỗ chính thống nào cho nó.
Từ sách, người ta có thể tạo ra mọi thứ. Phương trình E=mc2 có thể tính toán nguồn năng lượng khổng lồ trong chỉ một nguyên tử uranium nhưng không thể đo đếm nổi nguồn năng lượng chí mạng trong thực thể hình chữ nhật, cất vừa túi xách, có thể tung tăng mang đi bất cứ đâu kia. Khi sách phát nổ, nó có thể thổi bùng một cuộc cách mạng - “Lẽ thường” của Thomas Paine (ở Việt Nam đã được Omega Plus và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành) chỉ dày có 47 trang nhưng đã khơi lên cuộc cách mạng Mỹ chống lại nước Anh trong vòng 18 năm, cuối cùng tạo nên nền dân chủ tự do lập hiến đầu tiên của thời hiện đại; hay phong trào môi trường rầm rộ hôm nay đều bắt nguồn từ màn bóc trần sự lừa dối của những tập đoàn hóa chất sản xuất thuốc trừ sâu trong cuốn sách “Mùa xuân vắng lặng” (được Phương Nam Books và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành) của nhà khoa học Rachel Carson. Nên nếu chỉ có một bên nắm giữ phần lớn thị trường xuất bản, người đó đang nắm chiếc dùi cui lợi hại nhất, họ sẽ trở thành người cầm cân nảy mực về lẽ phải, chọn lựa khuynh hướng chính trị - như so sánh về một người canh cửa duy nhất ở phía đầu bài. Nhưng, xa hơn nữa, họ sẽ đảm nhiệm công việc cấy ghép những tổ hợp gene văn hóa họ muốn, để chế tạo một giống loài với những tính trạng phù hợp cho cánh đồng nhân tính mà họ đang gieo cấy.
Loài chim cánh cụt chỉ sống ở Nam Cực nhưng chú chim cánh cụt trên logo của Penguin Random House đã đi khắp thế giới, xuất hiện trên mọi bộ sách kinh điển của nhà xuất bản này.
Mùa hè năm 1955, Maurich Giodias, nhà sáng lập Olympia Press ở Pháp, nhận một cú điện thoại từ một nhà môi giới văn chương người Nga. Bà kể cho Giodias về một nhà văn Nga lưu vong hiện đang làm giáo sư ở Trường Đại học Cornell. Ông đang có một bản thảo không hy vọng gì được xuất bản ở Mỹ, vì nói như Viking Express, một nhà xuất bản lớn thời đó, “chúng ta sẽ xộ khám hết nếu thứ này được xuất bản”.
Người ta rỉ tai nhau rằng cuốn sách tiếng Anh nào mà bị những nhà xuất bản “thỏ đế” từ chối thì cứ đem tới Olympia Press, bởi chủ của nó là người Pháp nên họ chẳng đọc tác phẩm đâu. Chẳng biết lời đồn ấy đúng tới mức nào nhưng nhờ có Giodias, “Lolita” được xuất bản và tiếp đó là vô số những “cuốn sách bẩn” như “Bữa trưa trần trụi” của William S. Burroughs và “Chuyện nàng O” (được Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) của Pauline Réage, những cuốn sách đã thả một trái bom nổ tung hệ thống kiểm duyệt trên thế giới. Và chính những nhà xuất bản lớn sau đó mới đi theo con đường mà Olympia Press vạch ra. Bao giờ và ở đâu cũng vậy, những thế lực nắm quyền kiểm soát chính luôn có xu hướng tạo ra một trật tự thống trị, một môi trường đồng dạng và vờ như mình đã biết mọi câu trả lời để duy trì quyền lực. Ngược lại, những thành phần nhỏ lẻ lại chứa đựng tiềm năng dị biệt hóa, thoát khỏi vòng kiểm tỏa, du nhập những gì không đồng nhất để tạo ra “cách mạng”.
Mà cũng có thể, việc duy trì tính đa dạng trong xuất bản chỉ đơn giản để ta không ngừng bị chất vấn bởi một câu hỏi mà việc có hay không một câu trả lời không quan trọng bằng hành động hỏi: Cái gì là hay vậy nhỉ?
Nguồn: Báo CAND