Thời gian gần đây dư luận đang rất quan tâm đến quy trình xem xét, bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) trong trường đại học với những ý kiến, quan điểm khác nhau. Báo Điện tử Chính phủ trích giới thiệu quy trình bổ nhiệm các chức danh GS, PGS hiện nay và một số ý kiến liên quan.
Sau khi được Hội đồng Chức danh GS Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn, các nhà giáo có thể được các trường ĐH bổ nhiệm chức danh GS, PGS.
GS, PGS được bổ nhiệm như thế nào?
Theo Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/4/2012, sau khi có đủ các tiêu chuẩn về đào tạo, nghiên cứu theo quy định, nhà giáo thuộc biên chế của các cơ sở giáo dục đại học, nơi có Hội đồng Chức danh GS cơ sở, đăng ký và nộp hồ sơ tại Hội đồng Chức danh GS cơ sở đó. Nhà giáo thuộc các đơn vị, nơi không có Hội đồng Chức danh GS cơ sở, thì đăng ký tại Văn phòng Hội đồng Chức danh GS Nhà nước.
Hội đồng Chức danh GS cơ sở tổng hợp kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, lấy xác nhận của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học nơi có Hội đồng Chức danh GS cơ sở, gửi kết quả xét và toàn bộ hồ sơ của các ứng viên lên Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đồng thời thông báo đến cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo.
Hội đồng Chức danh GS ngành, liên ngành thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo trình tự như ở Hội đồng Chức danh GS cơ sở, sau đó báo cáo kết quả xét và chuyển toàn bộ hồ sơ cho Hội đồng Chức danh GS nhà nước.
Đối tượng được bổ nhiệm chức danh GS là những người đã được Hội đồng Chức danh GS Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS; nhà giáo đã được bổ nhiệm làm GS tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Đối tượng được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư là những người đã được Hội đồng Chức danh GS Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS; nhà giáo đã được bổ nhiệm làm GS hoặc PGS tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào nhu cầu bổ nhiệm chức danh GS, PGS, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của Hội đồng Khoa học của cơ sở giáo dục đại học, ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS hoặc PGS cho các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, sau đó báo cáo lên Thủ trưởng cơ quan chủ quản cơ sở đào tạo và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các GS, PGS đã được bổ nhiệm. Định kỳ 3 năm một lần, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tiến hành rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các GS, PGS để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp theo.
Về quy trình bổ nhiệm chức danh GS, PGS hiện nay, Báo Điện tử Chính phủ ghi nhận ý kiến từ Bộ GD&ĐT và một số chuyên gia.
Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Hải Thập cho biết, trước đây, Quyết định 174/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2008 quy định việc xét đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm GS, PGS do cơ quan Nhà nước thực hiện và Hội đồng Chức danh GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn. Bộ GD&ĐT ra quyết định bổ nhiệm.
Nhưng đến Quyết định 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2012 thì phần bổ nhiệm GS, PGS được giao cho Hiệu trưởng các trường đại học trên cơ sở công nhận đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Chức danh GS Nhà nước.
Hiện nay, giáo dục đại học Việt Nam đã phát triển ở tầm cao hơn với việc các trường đại học ngày càng tự chủ từ đào tạo, nghiên cứu đến tổ chức bộ máy, tài chính… Tuy nhiên, để có thể tự chủ trong xét duyệt, bổ nhiệm GS, PGS như các trường đại học ở Anh, Mỹ, Pháp… thì cần xem xét các trường đại học ở Việt Nam có đủ năng lực thực hiện hay không.
Ở các nước mà trường đại học được tự chủ trong việc tự bổ nhiệm, miễn nhiệm thì trình độ giảng dạy, nghiên cứu các lĩnh vực khoa học của họ cao hơn Việt Nam nhiều. Trình độ chúng ta chưa cao mà tự bổ nhiệm thì sẽ không đảm bảo chất lượng và uy tín. Chúng tôi được biết, nhiều trường đại học mới thành lập hiện nay còn thuê cả giảng viên thỉnh giảng, chưa có PGS, GS. Như vậy sẽ không tổ chức hội đồng xét duyệt được.
Chúng ta cần đổi mới trong cách thức xét và công nhận chức danh GS, PGS hiện nay, nhưng trước hết cần phải tổ chức rà soát lại tác động của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh PGS, GS hiện hành. Từ đó đánh giá mặt tích cực và hạn chế, đề xuất sửa đổi, rồi lấy ý kiến rộng rãi các nhà giáo, các nhà khoa học, các cơ sở giáo dục trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước năm 1995, GS là một chức danh nghề nghiệp. Trong các ngạch nghiệp vụ của giảng viên có ngạch GS, PGS, giảng viên chính và giảng viên (Quyết định số 202/TCCP-VC ngày 8/6/1994 của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ).
TS. Lê Trường Tùng-Chủ tịch HĐQT Đại học FPT:
Từ năm 1995, GS là học hàm và không gắn với chức danh nghề nghiệp. Hội đồng xét duyệt GS gọi là Hội đồng Học hàm (Quyết định 200/TTg ngày 4/4/1995 của Thủ tướng Chính phủ).
Cũng trong năm 1995, trong Danh mục chức danh nghề nghiệp giảng viên đã bỏ khái niệm GS: ngạch PGS đổi thành ngạch giảng viên chính, ngạch GS đổi thành ngạch giảng viên cao cấp (Quyết định số 538/TCCP-TC ngày 18/12/1995 của Ban Tổ chức Chính phủ).
Đến năm 2001, GS được gọi là chức danh và Hội đồng Học hàm đổi thành Hội đồng Chức danh GS Nhà nước (Nghị định 20/2001/NĐ-CP ngày 17/5/2001).
Cũng trong Nghị định này, chức danh GS được gắn lại với ngạch nghề nghiệp. Hội đồng Chức danh GS Nhà nước công nhận GS và Bộ hoặc Hội đồng Quản trị trường tư bổ nhiệm ngạch GS với các GS đã được công nhận. Năm 2014 Bộ Nội vụ chính thức ban hành trở lại ngạch “GS-giảng viên cao cấp” và ngạch “PGS-giảng viên chính” (Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 3/11/2004 của Bộ Nội vụ).
Năm 2008, quy định mới (Quyết định 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng) bắt đầu đề cao vai trò của các trường đại học trong việc bổ nhiệm: Hội đồng Chức danh GS Nhà nước công nhận GS, và Bộ GD&ĐT bổ nhiệm GS dựa trên cơ sở đề nghị của các trường đại học với các GS đã được công nhận.
Đến năm 2012 sửa lại (Quyết định 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 27/4/2012) cho phép các trường đại học bổ nhiệm GS trên cơ sở công nhận của Hội đồng Chức danh GS Nhà nước. Trong giai đoạn này chức danh GS vẫn gắn với ngạch nghề nghiệp. Quyết định 20 ghi rõ nhà giáo được bổ nhiệm chức danh GS thì được bổ nhiệm vào ngạch GS - giảng viên cao cấp, nhà giáo được bổ nhiệm chức danh PGS thì được bổ nhiệm vào ngạch PGS - giảng viên chính.
Cuối năm 2014, ngạch nghề nghiệp giảng viên lại một lần nữa bỏ chữ "Giáo sư". Thông tư liên bộ số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ ngày 18/11/2014 quy định lại chức danh nghề nghiệp của giảng viên đại học, chỉ gồm giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp, giống như năm 1995.
Trong 20 năm qua, GS lúc là học hàm, lúc lại là chức danh nghề nghiệp và từ cuối năm 2014 đến nay trở thành chức danh phi nghề nghiệp, khi mà trong quy định pháp lý vẫn ghi là “chức danh GS” và trong danh mục nghề nghiệp thì không còn chữ GS nữa.
Phương án phù hợp nhất có lẽ chúng ta nên trở lại như trước năm 1995: GS là một chức danh nghề nghiệp gắn với nghề nhà giáo. Việc bổ nhiệm GS do các trường đại học quyết định. Để đảm bảo chất lượng, nhà nước sẽ quy định các tiêu chí về đào tạo-nghiên cứu tối thiểu mà một PGS/GS cần đáp ứng, trong quy trình bổ nhiệm cần có đánh giá bên ngoài từ các GS đồng nghiệp khác (peer review). Như vậy thì giống như mô hình của nhiều nước, lại thêm được phần quy định “sàn chất lượng” đặc thù Việt Nam.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT): Hiện tại, Bộ GD&ĐT cũng đã có những đổi mới nhất định khi Hội đồng Chức danh GS Nhà nước chỉ xét duyệt các nhà giáo đủ tiêu chuẩn GS, PGS. Quyết định công nhận, bổ nhiệm GS, PGS được giao về cho trường đại học.
Đó đã là một bước tiến. Nhưng nên tiến cao hơn, Bộ cần cho phép các trường đại học được đặt ra tiêu chuẩn công nhận GS, PGS của trường đại học. Tiêu chuẩn này phải cao hơn quy định tiêu chuẩn tối thiểu do Bộ đưa ra.
Việc phong GS phải do Hội đồng trường thực hiện mà không phải là Hiệu trưởng. Việc làm này để tránh dùng quan hệ cá nhân ảnh hưởng đến việc phong GS, PGS.
Về lâu dài, Nhà nước nên đưa ra hướng dẫn cho Hội đồng trường đại học để nhà trường xây dựng tiêu chuẩn về phong chức danh GS, PGS của trường.
Trường đẳng cấp cao thì tiêu chí phải cao, trường TOP dưới tiêu chí vừa phải nhưng không phải quá thấp. Bộ GD&ĐT chỉ cần đưa ra bộ tiêu chí tối thiểu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng cần cảnh báo các nếu phong GS, PGS có trình độ thấp là tự trường đang hạ thấp uy tín của mình.
Tiêu chí để phong GS, PGS cũng cần được xem xét khi kiểm định, xếp hạng các trường đại học.
Chúng ta cũng nên bỏ chế độ GS, PGS được hưởng tiêu chuẩn, chế độ của Nhà nước mà chỉ được hưởng chế độ của trường đại học. Những trường đại học khác nhau sẽ có chế độ, tiêu chuẩn cho các GS, PGS khác nhau. Khi GS không còn công tác ở trường đại học thì những chế độ của họ cũng không còn.
Nếu quy định các trường đại học phải lo chi trả chế độ, tiêu chuẩn cho các GS, PGS của trường thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của trường. Vì vậy, các trường sẽ không "dại gì mà phong quá nhiều GS, PGS khi không có nhu cầu".
Bên cạnh đó, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng quy định của nhiều nước khi chức danh GS, PGS cũng phải có nhiệm kỳ. Sau 5 năm, trường đại học có thể bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm người đó làm GS, PGS.
Việc này nhằm làm cho các GS, PGS vẫn phải phấn đấu liên tục để xứng đáng với danh hiệu đó chứ không chỉ ngồi một chỗ mà hưởng quyền lợi.
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK