Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Công tác nhân sự "làm đến đâu chắc đến đó", đạt thống nhất cao

Chiều 22/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã chủ trì buổi họp báo trước khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đồng chủ trì họp báo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XIII Lê Mạnh Hùng; Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Trương Quang Hoài Nam; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...

Số lượng đại biểu đông nhất từ trước đến nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức trong 9 ngày, từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Trong đó, phiên trù bị tổ chức vào ngày 25/1, khai mạc chính thức vào ngày 26/1; dự kiến bế mạc sáng 2/2. Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại họp báo.

Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỉ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỉ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%; đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang chiếm tỷ lệ 0,19%; đại biểu là Nhà giáo ưu tú chiếm tỷ lệ 0,82%; đại biểu là Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú chiếm tỷ lệ 0,95%.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại biểu là giáo sư, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 4,47%; tiến sĩ chiếm tỷ lệ 12,54%; thạc sỹ chiếm tỷ lệ 54,69%; đại học chiếm tỷ lệ 32,77%. Về trình độ lý luận chính trị: Đại biểu có trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp chiếm tỷ lệ 99,49%; Trung cấp chiếm tỷ lệ 0,38%; Sơ cấp chiếm tỷ lệ 0,13%. Về độ tuổi, đại biểu dưới 40 tuổi chiếm 3,59%, trên 70 tuổi chiếm 0,19%, độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,18 tuổi; đại biểu cao tuổi nhất là 77 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất là 34 tuổi. Về thời gian vào Đảng: Đại biểu kết nạp Đảng từ tháng 8/1954 đến tháng 4/1975 chiếm tỷ lệ 0,38%; từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1986 chiếm tỷ lệ 13,36%; từ tháng 1/1987 đến nay chiếm tỷ lệ 86,26%.

Bộ Chính trị đã quyết định thành lập 67 đoàn đại biểu và cử trưởng đoàn đại biểu; phân công 191 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (cả chính thức và dự khuyết) tham gia sinh hoạt tại 67 đoàn đại biểu; đồng thời chỉ định 15 đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.

Trung ương sẽ có cơ chế khuyến khích người dám đổi mới, sáng tạo

Với cương vị là Tổ trưởng Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã thông tin với báo chí về những điểm mới, điểm nổi bật, mang tính đột phá của Văn kiện. Theo đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh xây dựng Đảng là trung tâm, công tác cán bộ là then chốt. Công tác xây dựng Đảng gắn liền việc học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ thực tế vừa qua chúng ta tổng kết, nhấn mạnh hơn tinh thần này, xây dựng Đảng toàn diện về mọi mặt, cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức. 

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trả lời tại họp báo.

Gắn công tác xây dựng Đảng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải dựa vào Nhân dân, lấy dân làm gốc. Khi đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển cho đất nước thì không chỉ đặt ra cho 5 năm tới mà chúng ta đưa ra tầm nhìn và định hướng đến giữa thế kỷ, với khát vọng phát huy ý chí sức mạnh của người Việt Nam để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới.

"Rất nhiều nội dung mới nhưng mà phải đồng bộ. Đặc biệt trong 5 khâu của công tác cán bộ cần chú ý công tác đánh giá cán bộ. Tới đây Trung ương sẽ cụ thể hóa nội dung này để có được cơ chế vừa khuyến khích vừa bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám sáng tạo, dám chịu trách nhiệm về hành động của mình. Điều này là rất mới, nếu không có cơ chế như vậy thì chúng ta sẽ không khuyến khích được đổi mới, sáng tạo theo tinh thần mới của Văn kiện lần này" - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thông tin thêm.

Đông đảo phóng viên báo chí đưa tin về họp báo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, nhiệm kỳ này công tác phòng, chống tham nhũng đã được khẳng định tại Văn kiện, thực tế đây là cuộc đấu tranh không có ngừng nghỉ. Sắp tới phải tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa, và bên cạnh đó là chú trọng công tác phòng ngừa. Đây là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, cần huy động sức mạnh của toàn dân, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để cho những người trong hệ thống không thể, không dám và không cần tham nhũng. "Văn kiện nhấn rất mạnh điều này, phương hướng rất rõ ràng", Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã tiếp thu những ý kiến đóng góp rất cụ thể, là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có cả đồng bào ta ở nước ngoài.

Luôn có phương án phản ứng nhanh, ứng phó với thông tin xấu, độc

Tại cuộc họp báo, phóng viên báo chí đặt câu hỏi, gần đến đại hội trên không gian mạng có nhiều luận điệu xuyên tạc, sai trái, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận định ra sao về điều này và sẽ ứng phó như thế nào? 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, càng tiến gần đại hội, số lượng thông tin sai sự thật, xấu độc càng tăng lên, trong đó những tháng gần đây tăng lên 50% so với đầu năm 2019. Tuy nhiên, việc xử lý các thông tin sai sự thật trên không gian mạng khi tiến vào Đại hội XIII lại tốt hơn 5 năm gần đây. 

"Tốt hơn vì không gian mạng cũng mới, và 5 năm vừa qua chúng ta có hệ thống pháp luật tốt hơn, hoàn thiện hơn. Nhận thức của chúng ta về các nền tảng mạng xã hội, trong đó có các nền tảng xuyên biên giới tốt hơn. Các công cụ kỹ thuật cũng tốt hơn..." - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí.

Theo đồng chí Bộ trưởng Bộ TT&TT trong thời gian vừa qua, chính xác là từ khoảng 2,5 năm trước đã xây dựng được một Trung tâm Giám sát an toàn mạng quốc gia, có năng lực xử lý khá mạnh, nhiều trăm triệu tin/ngày. Do đó đã giám sát, phát hiện, xử lý được những thông tin và dữ liệu sai trái. "Mình thực thi nghiêm minh hơn, dù các nền tảng trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Thực tế từ năm 2019 đến nay các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội trong và ngoài nước tuân thủ luật pháp hơn một cách đáng kể", Bộ trưởng Bộ TT&TT đánh giá.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định, sự phối hợp giữa các lực lượng: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhuần nhuyễn và tốt hơn. Bởi vậy nên trong giai đoạn tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xử lý 35.000 tin bài xấu, độc trên các nền tảng. 

"Không gian mạng chúng ta nhìn thấy và cảm nhận được lành mạnh hơn. Tiến đến Đại hội Đảng XIII chắc chắn có nhiều diễn biến mới. Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều có các phương án, trực 24/24h và phản ứng nhanh để ứng phó với vấn đề này" - đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Danh sách nhân sự sẽ được thông tin vào thời điểm thích hợp

Thông tin với báo chí về điểm khác biệt trong công tác chuẩn bị nhân sự lần này so với các khóa trước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết:  Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị bài bản, thận trọng, chặt chẽ, khoa học, dân chủ, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó và đạt sự thống nhất cao trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Về cách làm thì kế thừa những kinh nghiệm quý báu và những cách làm hiệu quả của các kỳ đại hội trước, đồng thời bổ sung thêm một số biện pháp cho phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.

"Phải nói rằng, đến thời điểm này chúng tôi chuẩn bị khá chu đáo. Ví dụ, lần này Trung ương chuẩn bị các nhóm đối tượng rất chặt chẽ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương làm trước, tái cử làm trước, ứng cử lần đầu làm sau. Sau đó mới tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng tái cử làm trước, ứng cử lần đầu tiếp tục, sau đó mới tới lãnh đạo chủ chốt. Có trường hợp đặc biệt mà không phải đặc biệt về độ tuổi, sau đó mới đến nhân sự đặc biệt về độ tuổi ứng cử ban Chấp hành Trung ương. Còn cụ thể danh sách nhân sự đó là ai, chúng tôi sẽ thông báo đến báo chí vào thời điểm thích hợp", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ.

 

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi