Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hơn 23 triệu học sinh bước vào năm học mới

Năm học này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, học sinh được đến trường dự lễ khai giảng trực tiếp thay vì trực tuyến như năm học 2021-2022. Nhiều địa phương đã điều chỉnh kế hoạch tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo không khí của “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, lấy học sinh làm trung tâm

Hà Nội thống nhất tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 vào sáng 5/9. Năm nay, lễ khai giảng sẽ được tổ chức gọn nhẹ với phương châm lấy học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo buổi lễ thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh. Thời lượng tổ chức tối đa 60 phút.

15B3DA21_3A60_43C7_870F_99BAB19-1662341208832.jpeg
Lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 đồng loạt diễn ra trên cả nước vào sáng 5/9.  Ảnh minh hoạ.

Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các nhà trường tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiết thực, ý nghĩa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định. Lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, lễ khai giảng năm nay được nhà trường tổ chức theo đúng tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội là gọn nhẹ. Các trường tổ chức đón học sinh đầu cấp và phần nghi lễ cơ bản gồm chào cờ và tổ chức các hoạt động cho học sinh. Sau lễ khai giảng, các lớp được tổ chức các buổi sân khấu hoá để tạo không khí phấn khởi, vui vẻ cho các em.

Lễ khai giảng năm học mới năm 2022-2023 cũng được một số địa phương trên cả nước cải tiến theo hướng gọn, nhẹ nhưng vẫn đảm bảo không khí thực sự của “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Tại Nghệ An, lễ khai giảng của tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn được thống nhất tổ chức vào 7 giờ 30 phút sáng 5/9. Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Nghệ An, trong quá trình tổ chức, các nhà trường bố trí, sắp xếp thời gian, địa điểm tổ chức hợp lý, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, cán bộ, giáo viên, tránh lãng phí thời gian, linh hoạt khi gặp thời tiết xấu.

Trong đó, phần “lễ” được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang trọng trong thời gian không quá 30 phút với các nghi thức truyền thống gồm: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường; diễn văn khai giảng năm học mới của nhà trường; đánh trống khai trường... Về phần "hội", các trường có thể tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường thực sự là một ngày trọng đại đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường.

Tại TP Hồ Chí Minh, lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 cũng được các trường trên địa bàn tổ chức đồng loạt vào sáng 5/9 đảm bảo tính an toàn, vui tươi, ý nghĩa và ngắn gọn. Lược bỏ bớt các thủ tục rườm rà, lễ khai giảng sẽ chỉ gói gọn trong các hoạt động gồm: Văn nghệ; nghi thức đón học sinh đầu cấp; nghi thức chào cờ; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước; diễn văn khai giảng của hiệu trưởng; đánh trống khai trường.

Ưu tiên các nguồn lực dành cho phát triển giáo dục, đào tạo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, bước vào năm học mới 2022-2023, một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành giáo dục phải làm là tiếp tục củng cố kiến thức, bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch, đặc biệt là các cháu chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, những cháu có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì dịch bệnh...

Năm học 2022-2023 cũng được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, 9 và 12.

Người đứng đầu ngành Giáo dục và đào tạo cũng cho rằng, đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức, phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn. Do đó, để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, vào cuộc đầy quyết tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ về phổ cập đối với mầm non, xây dựng xã hội học tập, tiếp tục thực hiện tự chủ đại học để làm sao tự chủ đại học bước vào giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, đạt tới các mục tiêu chất lượng giáo dục đại học ngày càng cao cũng được xem là những nhiệm vụ đặt ra trong năm học mới đối với ngành Giáo dục. Ngoài ra, toàn ngành cũng sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu chiến lược khác như chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và nhiều công việc khác.

Xác định rõ đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục mà cần sự phối hợp, hỗ trợ của tất cả các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội, trong Chỉ thị đầu năm học mới 2022-2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục bảo đảm phù hợp với thực tiễn; tăng cường trách nhiệm quản lí nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng; đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của địa phương.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐTvà các địa phương ưu tiên các nguồn lực dành cho phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện đúng quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu"; bố trí quỹ đất xây trường, lớp, rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, có phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi