Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Siết chặt quản lý trong phát triển thủy điện

Tiếp tục chương trình phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thông tin, thông tin mạng; việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã hội hóa y tế; chăm sóc người cao tuổi; đầu tư phát triển văn hóa; đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai và tái thiết sau thiên tai; bảo đảm an toàn hồ đập; bảo vệ phát triển rừng; đầu tư nâng cấp đội tàu đánh bắt xa bờ, hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền; phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao; vấn đề sáp nhập, sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị hành chính...

 

Sạt lở đất gắn chặt với yếu tố dị thường, cực đoan của thời tiết

 

Phát biểu giải trình các vấn đề liên quan đến công tác vận hành các đập thủy điện và an toàn hồ đập, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, chúng ta có hàng loạt các công cụ pháp lý từ Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước cũng như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Điện lực và Luật Phòng, chống thiên tai, bão lũ để điều chỉnh các hoạt động của thủy điện gắn với bảo vệ và phòng, chống thiên tai cũng như bảo vệ an toàn đập, hồ thủy điện, trong đó có Nghị định 114 mới được Chính phủ thông qua. Các bộ, ngành đều đã có thông tư hướng dẫn để đảm bảo an toàn của đập điện cũng như hồ thủy lợi thì đã có phân cấp và xác định rõ trách nhiệm cũng như quy trình để đảm bảo. Mặc dù các công cụ, cơ sở pháp lý đã tương đối đầy đủ nhưng cũng không tránh khỏi có những câu chuyện tại một số địa phương thực thi không nghiêm. Ví dụ như tại thủy điện Hố Hô, năm 2016 đã xảy ra câu chuyện xả lũ vượt quá mức về hồ và gây ra ngập lụt hạ du. 

“Những việc này đã được các cơ quan chức năng xử lý rất kiên quyết, đã thu giấy phép thực hiện hoạt động tham gia hoạt động điện của dự án này, tiến hành phạt, yêu cầu khắc phục rồi mới tiếp tục cho phép cho ra thị trường điện”, Bộ trưởng thông tin.

 

Các đại biểu tại phiên thảo luận

Việc thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến lũ, bão lụt, ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, qua khảo sát thực tế nghe báo cáo của các địa phương và đánh giá của các nhà chuyên môn và của cơ quan chức năng, thì trước mắt, phải khẳng định những câu chuyện sạt lở đất mà gây ra những tổn hại rất nghiêm trọng về người và của tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam gắn chặt với những yếu tố dị thường và cực đoan của thời tiết.

 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng dẫn chứng: Theo con số từ các báo cáo của cơ quan chức năng, lượng mưa tại Quảng Bình, Quảng Trị cũng như của Quảng Nam, Quảng Ngãi vào thời điểm này là rất lớn, đến mức độ hàng nghìn mét khối giây.

 

Ví dụ như tại Trà My, lượng mưa lên tới hơn 2.500 m3 của cả thời kỳ; thời gian hoàn lưu bão của cơn bão số 9 kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ. Đây là những nguy cơ rất lớn và đã tạo ra tác động đến cấu tạo địa chất cũng như các điều kiện đất đai và các địa phương và gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Đối phó với thời tiết cực đoan là một câu chuyện mới

 

“Tất nhiên, những câu chuyện liên quan đến tác động của vấn đề mất rừng đầu nguồn và thảm thực vật rồi mất độ kết dính của đất là những vấn đề do tác động của con người thông qua các dự án thủy điện, cũng như các dự án khác là những vấn đề chúng ta không thể phủ nhận trong một mức độ chừng mực nhất định.

 

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và những yếu tố rất cực đoan của thời tiết, chúng tôi cho rằng, câu chuyện để đối phó với ứng phó với thiên tai, bão, lũ là một câu chuyện mới.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến

Chúng ta phải đặt công tác nghiên cứu khoa học và đưa ra những cảnh báo một cách cụ thể hơn nữa. Đặc biệt là bản đồ của các khu vực sụt lún cũng như các nguy cơ biến đổi cực đoan của khí hậu là vấn đề rất lớn mà chúng ta phải dự báo cho công tác phòng, chống thiên tai cũng như là về phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết tới đây, Bộ Công thương sẽ làm việc với các địa phương và các bộ, ngành để nghiên cứu cụ thể, đánh giá về những mặt còn hạn chế, những mặt tích cực, để từ đó sẽ có tham mưu chính sách với Chính phủ để tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển thủy điện, làm sao để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có và đồng thời tiếp tục khai thác tốt những cái nguồn tài nguyên của đất nước.

 

Dành 104 nghìn tỷ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 

Giải trình ý kiến của các địa biểu về thực trạng, những khó khăn trong đời sống và bất cập của chính sách cũng như một số giải pháp được đại biểu đề xuất liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, mới đây, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2021 đã ghi rõ: tổ chức thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, nhấn đậm nét về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh - tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, chúng ta cũng có thể chia sẻ giai đoạn này Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo rất đồng bộ về các văn bản, quan điểm, chủ trương, đường lối, dự án của chúng ta đã có bề dày giờ chỉ có triển khai thực hiện thôi.

 

“Tôi cũng chia sẻ, tôi hiểu cái này cũng sốt ruột nhưng mà những quy định này phải tuân thủ theo quy định nhà nước và chúng ta phải có một thời gian chứ “dục tốc thì bất đạt. Tất cả chúng ta cũng mong là triển khai có hiệu quả. Các giải pháp mà đại biểu Quốc hội đã nêu được thể hiện rất rõ, cụ thể trong nghị quyết của Quốc hội. Chúng tôi hứa là sẽ thực hiện nghiêm túc và cầu thị nhất về chương trình mục tiêu của chúng ta đạt được kết quả mong muốn”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nói.

 

Về nguồn lực, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết thêm, trong lúc đất nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, đại dịch COVID-19 khiến nhiều chỉ tiêu thu không đạt nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn dành gần 5 tỷ USD, tức 104 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn này. Đây là một sự quan tâm rất đặc biệt chứ không phải là con số nhỏ.

Trích nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi