1. Hành trình ra đi tìm đường cứu nước
Bắt đầu từ Huế, tháng 5 năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định. Tháng 9 năm 1909, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (dạy tại Trường tiểu học Pháp - bản xứ Quy Nhơn) theo chương trình lớp cao đẳng. Tháng 8 năm 1910, Nguyễn Tất Thành rời Quy Nhơn, đi vào Sài Gòn. Ngày 02 tháng 6 năm 1911, trong lúc tàu Đô đốc Latouche-Tréville của hãng vận tải Hợp Nhất (thường được gọi là hãng Nǎm Sao) đang cập cảng Sài Gòn chuẩn bị đi Marseille, Pháp. Nguyễn Tất Thành xuống tàu và gặp viên thuyền trưởng để xin làm việc trên Tàu và được thuyền trưởng nhận vào làm phụ bếp.
Ngày 03 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Đô đốc Latouche-Tréville, nhận thẻ nhân viên của Tàu với tên mới là Văn Ba.
Anh Văn Ba - Nguyễn Tất Thành và trang sổ lương của tàu Amiral Latouche Tréville.(Ảnh: Tư liệu)
Ngày 05 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành trong công việc là người phụ bếp chính thức lên đường sang Pháp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình với cuộc hành trình 30 năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc để tìm “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi”.
2. Bước chuyển từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin
Từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành đã đi qua Singapore, Colombo, vượt Hồng hải, qua Suez Pháp. Vòng quanh châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á qua các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Algerie, Tunisie, cửa biển Đông Phi, qua Công gô, Dahomey, Guinée, Sénégal, vượt Đại Tây Dương đến Hoa Kỳ, xuống Nam Mỹ, tới Argentina…Tiếp đó, trở lại Anh, đến Pháp qua Đức, tới Liên Xô, Trung Quốc, sang Thái Lan… tất cả hành trình hơn 30 nước.
Cuối năm 1917 Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp, lúc này cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã nổ ra và giành được thắng lợi, mở ra cho con đường mới giải phóng dân tộc, giành độc lập cho nhân loại. Năm 1919, tại Hội nghị hòa bình tổ chức tại Véc Xây, Nguyễn Tất Thành đã chuyển đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm, trong đó sử dụng hình thức đấu tranh pháp lý của giai cấp tư sản để đòi các quyền bình đẳng, tự do, dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Mặc dù Bản yêu sách không được chấp thuận, song nó cũng đã gây tiếng vang lớn cho các nước đế quốc và nhân dân An Nam, đồng thời lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện một cách trang trọng trên những báo chí của Pháp cũng như báo cáo của Chính phủ thực dân.
Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một tổ chức chính trị duy nhất ở Pháp tỏ ý quan tâm đến số phận các dân tộc thuộc địa.
Tháng 7 - 1920, sau nhiều năm kiếm tìm, Nguyễn Ái Quốc được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I Lênin và tìm thấy ở đây chiếc “cẩm nang thần kỳ” cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mình. Người đã phải mất gần 10 năm lao động vất vả, cực nhọc, học tập, nghiên cứu, đấu tranh không ngừng nghỉ, cốt mong chọn lấy một con đường duy nhất đúng đắn giữa muôn vàn con đường không hiệu quả, không đến nơi. Con đường đó chính con đường cách mạng vô sản, là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp
ở Tours, Pháp, tháng 12 - 1920. (Ảnh: Tư liệu)
Tháng 12 - 2020, Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của nhân dân Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tua (Tours). Tại Đại hội này, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin, từ người yêu nước thành người cộng sản.
3. Quá trình hoạt động thực tiễn, lý luận, cụ thể hóa và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam
Trong quá trình tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã đi qua các châu lục, khảo sát nhiều nước thuộc địa và những nước tư bản thời bấy giờ. Người đã tham gia nhiều hoạt động thực tiễn và lý luận rất sôi nổi như: tham gia Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa, viết bài và tham gia xuất bản báo (tờ Le Paria), viết bài tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam và các nước thuộc địa. Người đã tiếp xúc nhiều nhà tư tưởng nhưng tất cả chưa mang lại lời giải cho cách mạng Việt Nam, chỉ có V.I.Lênin và Quốc tế III là ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.
Và kết quả Chính cương, Sách lược vắn tắt, các văn kiện hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, đã đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam, trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguồn gốc tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Hành trình buôn ba đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.(Ảnh: Tư liệu)
4. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Sự kiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời đất nước (ngày 05/6/1911) trên con tàu Amiral Latouche Tréville của Pháp, bôn ba qua ba đại dương, bốn châu lục, đi qua hơn 30 nước trên thế giới để đem chân lý của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lênin về với dân tộc Việt Nam, là một mốc son có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại. Nó chính là điểm khời đầu cho quá trình chuyển biến từ người thanh niên yêu nước nhiệt thành trở thành người chiến sĩ cộng sản quốc tế, đồng thời cũng là quá trình kiên trì, chủ động, sáng tạo, bền gan, vững trí của Nguyễn Tất Thành vượt qua mọi khó khăn, chông gai để tìm ra con đường cứu nước, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Thứ nhất, sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ngày 05/6/1911 mở ra quá trình Người tiếp thu chân lý thời đại - chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam. Với lòng yêu nước nồng nàn, sự cảm thông sâu sắc với cuộc sống đọa đày đau khổ của nhân dân, Người đi với tâm thế và dự định ấp ủ xem các nước họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào. Chính nhờ sự đổi mới, sáng tạo về cách làm so với những người trước đó mà Nguyễn Tất Thành đã sớm thấu hiểu nỗi thống khổ của người lao động, lại càng hiểu hơn nỗi cơ cực của người dân mất nước. Gần 10 năm sau ngày bước chân xuống tàu để sang phương Tây, tài sản lớn nhất Người đã có được, đó chính là con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đã giúp Người giải đáp con đường đấu tranh giành độc lập, tự do: Cách mạng vô sản. Sự lựa chọn đúng đắn của Người càng có giá trị to lớn trong thế bế tắc về đường lối của cách mạng Việt Nam, mở ra bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.
Thứ hai, sự khởi đầu hành trình tìm đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành ngày 05/6/1911 đã đặt nền móng cho quá trình Người tiếp nhận, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào cách mạng Việt Nam. Trải qua những năm bôn ba, Người học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại và từng bước nghiên cứu, tiếp nhận thế giới quan khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đến với học thuyết Mác - Lênin khi nhìn thấy ở đó ánh sáng soi đường, chỉ lối cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, để rồi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, sáng lập chính đảng Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản. Ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử của đất nước, chấm dứt khủng hoảng về đường lối cứu nước, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thứ ba, sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ngày 05/6/1911 đã thể hiện tấm gương lớn về quyết định chủ động, sáng tạo, độc lập, ý chí, quyết tâm, nghị lực phi thường trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nguyễn Tất Thành ra đi trong bối cảnh đất nước bị xâm lược, nhân dân lầm than, hành trang là hai bàn tay trắng, động cơ trong sáng, cao cả: Vì nước, vì dân. Với trái tim nhiệt thành yêu nước, thương dân, Người làm nhiều công việc vất vả để sống và hoạt động cách mạng. Người vừa lao động, vừa học hỏi, vừa đấu tranh trong những hoàn cảnh nhiều khó khăn, nguy hiểm để tích lũy tri thức, kinh nghiệm thực tiễn, tìm kiếm câu trả lời lịch sử cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.
Thứ tư, sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ngày 05/6/1911 đã mở ra thời kỳ định hình của con đường xây dựng, phát triển đất nước: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu nhất quán của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài ngày 05/6/1911 là tìm đường cứu nước. Sau khi tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, Người xác định: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Đặt cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới, Người nhận thấy rằng, cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn.
Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam bước vào một thời đại mới, một kỷ nguyên mới, khoác trên mình diện mạo mới, đổi thay, hội nhập và ngày càng phát triển, bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu. Sự kiện ngày 05/6/1911 không chỉ là dấu mốc khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh mà còn là một dấu ấn đặc biệt trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây là sự kiện mang giá trị lịch sử, thể hiện cống hiến của Người đối với công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3. Bùi Đình Phong (2011), Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Nxb. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
4. Trần Dân Tiên (2012), Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
Bài: Phòng Chính trị