Thứ Sáu, 22/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Biến thể mới của tội phạm

Những vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở Nghệ An, Bình Phước rồi Yên Bái gần đây có một điểm chung. Đó là đối tượng phạm tội không phải “anh chị” hay lưu manh chuyên nghiệp; thậm chí, ở một vài vụ việc, hung thủ còn được nhận xét là có nhân thân tốt, hiền lành! Những vụ án nghiêm trọng này xảy ra chỉ vì thù tức cá nhân, từ những va chạm, mâu thuẫn nhỏ tích tụ trong đời sống. Tùy mức độ phức tạp, mỗi vụ án nghiêm trọng rồi cũng được phá, những kẻ phạm tội sẽ phải đền tội, tuy nhiên, làm thế nào để ngăn chặn sớm những hành vi bạo lực bộc phát dẫn đến án mạng lại là điều không đơn giản.

Nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý, ông Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển nhìn nhận về hiện tượng này: “Là do cá nhân không thể kiểm soát được tâm lý hung hãn, thú tính trỗi dậy theo bản năng. Họ giống như những kẻ “điên” không sợ gì, không biết mình đang làm gì và sẽ gây ra hậu quả như thế nào...”.

Còn TS. Lê Nguyên Thanh - Trưởng Bộ môn Tội phạm học, khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM phân tích: “Trong mỗi con người đều có sẵn những điều không vừa lòng, có chút đố kỵ, bực tức đối với một người nào đó, một vấn đề nào đó xung quanh mình. Có người bộc lộ ra, có người cất kín, có người tự tìm cách hóa giải bằng những việc khác. Đặc biệt, có người biến nó thành hành động vi phạm pháp luật”.

Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, hành vi bạo lực trong những vụ án trên xuất phát từ những yếu tố khách quan như hoàn cảnh gia đình, môi trường sống hay chính các mối quan hệ xã hội giữa kẻ phạm tội với nạn nhân. Từ thói quen ưa sử dụng bạo lực hoặc do thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật, đối tượng đã chọn cách thức gây ra hậu quả nghiêm trọng mà không nhận thức đầy đủ về tính chất, hậu quả hành vi của mình.

Công tác điều tra những vụ án bắt nguồn từ hành vi bạo lực bộc phát do mâu thuẫn trong đời sống hết sức phức tạp. Bởi mỗi cá nhân bao giờ cũng tồn tại đầy rẫy những mối quan hệ, sự mâu thuẫn. Chưa kể những toan tính để cố tình che giấu, chối bỏ hành vi phạm tội của tội phạm. Độ “khó” của các vụ án dạng này càng gia tăng ở những địa bàn trung tâm, đông đúc dân cư hoặc với những cá nhân liên quan có mối quan hệ xã hội phức tạp.

Điều quan trọng hơn cả là việc phát hiện sớm, phòng ngừa và giải quyết triệt để những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư dẫn tới cái ác, cái xấu có cơ hội hình thành. Thực tế cho thấy, vấn đề này dường như ít được quan tâm, chia sẻ, giải quyết kịp thời ở cấp cơ sở. Đây là kẽ hở cần sớm được khắc phục trong thời gian tới. Hơn ai hết, cộng đồng chính là “hàng rào” quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm phát sinh từ những mâu thuẫn trong đời sống xã hội.  Sự quan tâm, chia sẻ chính là liều thuốc trị biến thể mới của tội phạm.

Trích nguồn: Báo điện tử ANTĐ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè