Thứ Hai, 25/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hiểm họa từ chất tạo nạc, nguyên liệu làm bánh nhập lậu

Bột tăng trọng tạo nạc giúp vật nuôi không bị mỡ, bung đùi, mông nở, màu sắc thịt đỏ hơn; bột tạo hương liệu làm bánh có các vị như gà, bò, zăm bông để sản xuất các loại bánh, bim bim; nầm lợn chảy nhớt đang trên đường vận chuyển vào sâu trong nội địa… Nếu không được ngăn chặn kịp thời, hiểm họa này lại đổ dồn lên sức khỏe của người sử dụng.

Lý giải nguyên nhân tại sao những phản thịt lợn bày bán ở các chợ của Hà Nội luôn đẹp mắt bởi cả con lợn siêu nạc với lượng mỡ cực kỳ ít thì đến Lạng Sơn và một số tỉnh biên giới phía Bắc, chúng tôi đã tìm được câu trả lời. Đó chính là việc một số đối tượng buôn lậu tìm mọi cách vận chuyển chất cấm trong chăn nuôi để tuồn vào trong nước.

Khi sử dụng bột tăng trọng, chất tạo nạc không những vật nuôi lớn nhanh mà còn tạo ra thịt siêu nạc, mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Các loại bột tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi khi bị phát hiện thu giữ đều không có nhãn mác, hoặc hướng dẫn sử dụng là tiếng nước ngoài dẫn đến việc sử dụng bừa bãi, quá liều lượng gây mất an toàn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát mới đây đã có văn bản chỉ thị gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá La Trung Kiên, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh đã triển khai nghiêm túc các quy định về kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sử dụng các loại thức ăn gia súc, tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện, thu giữ gần 300kg bột sử dụng trong chăn nuôi có nguồn gốc nhập lậu, không có hướng dẫn sử dụng, không xác định được chủng loại, thành phần. Mặc dù trong thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát tại khu vực biên giới được thực hiện thường xuyên nhưng hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi vận chuyển các loại chất cấm trong chăn nuôi còn ở mức độ nhất định, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng. Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức phải bị cộng đồng, dư luận tố giác và tẩy chay.

1 vụ vận chuyển nầm lợn ở khu vực biên giới bị
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Lạng Sơn bắt giữ.

Theo công bố kết quả kiểm tra mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, đã phát hiện hàng loạt trang trại tại các tỉnh phía Nam có sử dụng chất cấm để tăng trọng, tạo nạc cho lợn, thậm chí còn phát hiện một số trang trại của những công ty lớn cũng có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Chất cấm gọi nôm na là chất tạo nạc, chủ yếu thuộc nhóm Beta Agonist, sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam là Salbutamol. Các chất này có tác dụng làm bung đùi, nở mông, da óng mượt cho vật nuôi. Chất này được bài tiết dần qua nước tiểu của vật nuôi nhưng vẫn tích lâu trong gan, thận, mỡ và không bị phân hủy khi nấu chín. Đây cũng là nguyên nhân khiến người ăn nội tạng bị ngộ độc, nguy cơ bị ung thư.

Để phục vụ cho dịp Trung thu, nhiều đối tượng buôn lậu đã dùng mọi thủ đoạn để nhập lậu nguyên liệu, phụ gia chế bến thực phẩm qua các khu vực cửa khẩu biên giới vào nội địa, đặc biệt là trong thời điểm này, việc nhập lậu nguyên liệu để sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu.

Từ đầu năm đến nay, Phòng PC49 Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và thu giữ trên 6 tấn nguyên liệu các loại không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được các đối tượng vận chuyển vào nội địa để sản xuất thực phẩm, gần đây nhất là phát hiện 1 vụ vận chuyển 350kg bột hương liệu vị gà nhập lậu không có nhãn mác, không xác định được chất liệu và thành phần.

Theo lời khai của đối tượng thì các loại hương liệu này sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm có hương vị gà như các loại bánh, đặc biệt là bánh trung thu, bim bim vị gà. “Lạng Sơn có 20 cơ sở sản xuất bánh trung thu gia truyền, trong đợt cao điểm kiểm tra vừa qua, 2 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Lạng Sơn đi kiểm tra đều chưa phát hiện cơ sở nào sử dụng nhân, bột, nguyên liệu nhập lậu, không có xuất xứ.

Nếu như cùng thời điểm này năm trước, tình hình nhập lậu nhân bánh trung thu đưa vào nội địa tiêu thụ diễn ra phức tạp thì năm nay mới phát hiện một vài vụ vi phạm nhỏ. Ngày 19/9, Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt phát hiện xe ôtô BKS: 12A-012.39 do Nguyễn Khắc Hiếu, SN 1971, thường trú tại thành phố Lạng Sơn điều khiển vận chuyển 60kg nhân bánh trung thu nhập lậu” – ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn cho biết.

Những ngày này, hoạt động vận chuyển các sản phẩm nội tạng động vật từ biên giới về nội địa vẫn âm thầm diễn ra trên địa bàn Lạng Sơn. Việc nhập lậu nội tạng động vật tuy có giảm so với trước nhưng vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là những thùng nầm lợn về đến nơi đã bốc mùi hôi thối, hoặc lưu giữ vài ngày vẫn giữ màu đỏ tươi.

Từ đầu năm đến nay, Phòng PC49 phối hợp cùng các đơn vị thuộc Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ hơn 52 vụ nhập lậu, tiêu hủy 19.427kg sản phẩm nội tạng gia súc. Nhiều vụ việc đã bị lực lượng Cảnh sát môi trường Lạng Sơn ngăn chặn kịp thời. Gần đây nhất, ngày 14/9, tại quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Đồng Én, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn, Phòng PC49 đã phát hiện và thu giữ 500kg nầm lợn nhập lậu do Nguyễn Anh Tú vận chuyển trái phép để đưa vào nội địa tiêu thụ.

Như vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đặc biệt là lực lượng Cảnh sát môi trường, mong rằng, hiểm họa thực phẩm “bẩn” sẽ được đẩy lùi ngay tại khu vực biên giới.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè