Thứ Sáu, 22/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Sức mạnh của “đội quân” bí mật

Tại Hội nghị về những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố cho thí điểm xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống hơn 400 camera trên các tuyến đường của thành phố. Với thực trạng giao thông ở Hà Nội hiện nay, biện pháp này được cho là sẽ phát huy hiệu quả trong việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

“Mắt thần” trên đường phố

Không giống như các đội quản lý địa bàn, không khí tại Trung tâm chỉ huy tín hiệu đèn giao thông của Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội khá yên ắng. Các CBCS tại đây hầu như không phải tiếp xúc với hồ sơ xử lý vi phạm, tiếp, giải quyết những trường hợp vi phạm Luật Giao thông nhưng tính chất công việc lại căng thẳng không kém so với những CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ ở ngoài đường tại các đội quản lý địa bàn khác. “Địa bàn” quản lý của đơn vị không phải là giao thông của một hay hai quận, huyện mà là cả thành phố. Bất cứ ngã tư, nút giao thông nào có đèn tín hiệu giao thông, ở nơi đó đều có trách nhiệm, sự quản lý, điều hành của những CBCS đang làm việc tại trung tâm.

Đứng trước dãy màn hình lớn, chỉ huy Đội tín hiệu đèn cho hay, lúc nào cũng phải có CBCS ứng trực 24/24h trong ngày để kịp thời phát hiện những bất ổn về giao thông để điều tiết, giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Qua những màn hình trên, toàn bộ hình ảnh về tình hình giao thông ở các tuyến phố lớn, nút giao thông huyết mạch, ngã tư trọng điểm trên địa bàn thành phố đều được cập nhật, truyền trực tiếp về trung tâm. Ở vị trí này, CBCS làm công tác ứng trực dễ dàng nhận thấy tại những nút giao thông, tuyến đường tình hình giao thông có xảy ra sự cố nào hay không. Nhiệm vụ của CBCS ứng trực là kịp thời phát hiện, thông báo những sự cố về giao thông trên các nút, tuyến đường giao thông này đến chỉ huy và bộ phận trực ban của các đội nghiệp vụ. Từ đó, thông tin sẽ nhanh chóng được chỉ huy các đơn vị thông báo, chỉ đạo CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường kịp thời xử lý.

Ngoài ra qua những màn hình camera giao thông ghi lại, truyền về trực tiếp này, CBCS trong trung tâm sẽ kịp thời điều chỉnh tín hiệu, chu kỳ đèn tín hiệu giao thông sao cho phù hợp với tình huống cụ thể. Thông thường, chu kỳ đèn ở các nút giao thông hầu như đã được lập trình sẵn, dựa trên những tính toán cụ thể, chi tiết về mật độ, thời gian, quy luật các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong những tình huống cụ thể, những chu kỳ này sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình giao thông tại từng thời điểm. Muốn làm được điều này, người chỉ huy và CBCS phải trực tiếp nắm được tình hình, diễn biến giao thông ở các điểm, nút này.

Từ “giám sát” đến “xử phạt”

Đại diện Trung tâm chỉ huy đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cho hay, hiện toàn bộ camera giao thông tại trung tâm đều là camera giám sát chứ không có chức năng xử phạt vi phạm. Điều đó có nghĩa là, tình hình giao thông trên những nút, tuyến giao thông đang hiển thị trên màn hình người CSGT chỉ có thể quan sát được tình hình giao thông tại đó, chứ không thể “xử phạt” được những phương tiện vi phạm. Chỉ huy đơn vị phân tích, hiện nay, cơ bản có 2 loại camera giao thông. Loại thứ nhất là camera giám sát và loại thứ 2 có tính năng vượt trội đó là vừa giám sát nhưng đồng thời còn có chức năng nhận diện và xử phạt đối với các trường hợp phương tiện vi phạm Luật Giao thông. Đây là loại camera rất hiện đại, không chỉ đưa hình ảnh đường truyền rõ nét về trung tâm mà còn kịp thời phát hiện, lưu giữ hình ảnh phương tiện vi phạm.

Mặc dù biết rất rõ về tính năng, hiệu quả của loại camera này, song đến nay, trên những tuyến phố ở các quận nội đô vẫn chưa có bất cứ một camera xử phạt giao thông nào được lắp đặt. Trao đổi về vấn đề này, chỉ huy Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cho biết, không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước đó, ý tưởng phải lắp đặt những camera xử phạt vi phạm giao thông bên cạnh hệ thống camera giám sát giao thông đã được Ban Giám đốc CATP và Ban chỉ huy đơn vị ấp ủ từ lâu. Một khi những chiếc camera xử phạt này được lắp đặt, nó sẽ giúp giảm bớt áp lực, khó khăn cho lực lượng CSGT trong khi thực thi nhiệm vụ.

Lấy ví dụ về vi phạm vượt đèn đỏ, chỉ huy Phòng CSGT phân tích, hiện nay khi người vi phạm bị CSGT dừng xe kiểm tra xử lý lỗi trên, nhiều người vẫn “cãi chày cãi cối” và yêu cầu CSGT phải chứng minh được rằng họ sai. Mặc dù người vi phạm “mười mươi vi phạm” song trên thực tế, những trường hợp này cũng đã gây cho CSGT không ít khó khăn, ức chế khi xử lý. Chưa hết, với tình hình giao thông hiện nay, mặc dù lực lượng CSGT đã phải căng hết sức ra nhưng cũng không thể có lực lượng bám chốt, bám tuyến 24/24h được. Nhiều người tham gia giao thông ý thức chấp hành pháp luật, Luật Giao thông vẫn còn rất kém. Khi có CSGT làm nhiệm vụ, ứng trực ngoài đường, ở chốt thì họ tuân thủ, không vi phạm, song mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng, vi phạm này lại tái diễn. Việc lắp đặt, triển khai hệ thống camera xử phạt sẽ giúp cho CSGT giải được “bài toán” khó khăn trên.

Biên tập: Hồng Thắm - Trung tâm TTKH & TLGK
Trích nguồn: Báo An ninh Thủ đô

Gửi cho bạn bè