Thứ Bảy, 23/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng Luật Dữ liệu nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và đơn giản hóa thủ tục hành chính

Nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: (1) Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); (2) Luật Quản trị dữ liệu của Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu; (3) Đạo luật dữ liệu Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu âu… Qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp thiết; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.

Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày Tờ trình tại Phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ở nước ta, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 07 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: (1) Một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ; (2) Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu; (3) Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; (4) Một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp; (5) Nhân lực vận hành, quản trị các hệ thống thông tin vừa thiếu, vừa yếu; (6) Các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa được xây dựng đầy đủ; (7) Nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (8) Khó khăn trong việc khai thác, liên thông, cung cấp kịp thời dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông, phân tích thống kê, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ…

Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, Bộ Công an được Quốc hội khóa XV giao chủ trì soạn thảo, xây dựng dự án Luật Dữ liệu. Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm mục đích:

Một là, tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính.

Ba là, phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

 

NỘI DUNG CHÍNH CỦA DỰ THẢO LUẬT

Dự thảo Luật gồm 07 chương, 67 điều. Cụ thể:

- Chương I. Quy định chung, gồm 09 điều (Điều 1 đến Điều 9), quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng Luật Dữ liệu; nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu; nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu; người làm công tác dữ liệu trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; hợp tác quốc tế về dữ liệu; các hành vi bị nghiêm cấm.

Dự thảo Luật đã đề cập các thuật ngữ về dữ liệu, xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu, chiến lược dữ liệu, tài nguyên dữ liệu, thị trường dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu, người dùng dữ liệu, dữ liệu quan trọng, dữ liệu cốt lõi, sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu…

- Chương II. Xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, gồm 23 điều (từ Điều 10 đến Điều 32), quy định về: Thu thập, số hóa, tạo lập dữ liệu và xác lập quyền sở hữu dữ liệu; bảo đảm chất lượng dữ liệu; phân loại dữ liệu; lưu trữ dữ liệu; kết hợp, điều chỉnh, cập nhật dữ liệu; Chiến lược dữ liệu; quản trị dữ liệu; kết nối, chia sẻ, điều phối dữ liệu; cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; phân tích, tổng hợp dữ liệu; xác nhận, xác thực dữ liệu; công khai dữ liệu; truy cập, truy xuất dữ liệu; mã hóa, giải mã dữ liệu; sao chép, truyền đưa, chuyển giao dữ liệu; chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; thu hồi, xóa, hủy dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý, quản lý, quản trị, sử dụng, khai thác dữ liệu; xác định và quản lý rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu; Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; nguyên tắc bảo vệ dữ liệu; biện pháp bảo vệ dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu.

Dự thảo Luật quy định những nội dung cơ bản cần tuân thủ trong quá trình xử lý dữ liệu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân (bao gồm hơn 20 hoạt động cụ thể); các nguyên tắc trong quản trị, xác định và quản lý rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu trong quản lý, phát triển các ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu đang là xu thế phát triển trên thế giới hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung các nguyên tắc, quy định cần tuân thủ đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện.

Dự thảo Luật quy định việc cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong trường hợp đặc biệt nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý, vận hành, kết nối, khai thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu; quy định việc tận dụng dữ liệu của các doanh nghiệp, cá nhân để xử lý kịp thời các trường hợp khẩn cấp về quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng hoặc các thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc do con người gây ra.

- Chương III. Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, gồm 07 điều (từ Điều 33 đến Điều 39), quy định về: Nguyên tắc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trách nhiệm cung cấp dữ liệu của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, tổ chức khác; mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác; phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý.

Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về dữ liệu được thu thập, cập nhật, đồng bộ về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; hoạt động xử lý, quản trị, chia sẻ dữ liệu liên quan đến Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác...

Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được Chính phủ xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu quốc gia. Dữ liệu được thu thập, cập nhật, đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia bao gồm dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung, dữ liệu dùng riêng từ nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác và dữ liệu được cung cấp bởi tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Dữ liệu.

- Chương IV. Xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, gồm 08 điều (từ Điều 40 đến Điều 47), quy định về: Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia; đăng ký, cấp tài nguyên hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia; nâng cấp, bảo trì, sửa chữa hạ tầng, thiết bị đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm nguồn lực hoạt động xây dựng, phát triển của Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo vệ dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia; mối quan hệ giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia với các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu.

Dự thảo Luật quy định cụ thể về xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; quy định về đăng ký, cấp tài nguyên hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia; nâng cấp, bảo trì, sửa chữa hạ tầng, thiết bị đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và bảo đảm nguồn lực hoạt động xây dựng, phát triển của Trung tâm dữ liệu quốc gia; nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu...

Trung tâm dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành đảm bảo thống nhất, ổn định, bền vững. Trung tâm dữ liệu quốc gia tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật và cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quản lý, quản trị, xử lý dữ liệu.

- Chương V. Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, gồm 08 điều (từ Điều 48 đến Điều 55), quy định về: Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; điều kiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ xác thực điện tử đối với thông tin không gắn với chủ thể danh tính điện tử; sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu; sàn giao dịch dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu; xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển thị trường dữ liệu, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu.

Dự thảo Luật quy định về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu và quản lý đối với tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, gồm: Dịch vụ xác thực điện tử đối với dữ liệu không gắn với chủ thể danh tính điện tử; sản phẩm, dịch vụ phân tích và tổng hợp dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; sàn giao dịch dữ liệu...

Dự thảo Luật quy định sản phẩm dữ liệu được giao dịch phải đáp ứng yêu cầu như: Không tác động đến an ninh, quốc phòng, cơ yếu hoặc xâm phạm bí mật nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân... Luật cũng quy định các loại dữ liệu không được phép giao dịch gồm: (1) Dữ liệu gây nguy hại đến an ninh quốc gia, quân sự quốc phòng, ổn định xã hội; (2) Dữ liệu không được chủ thể dữ liệu đồng ý; (3) Dữ liệu khác bị nghiêm cấm giao dịch theo quy định của luật.

Lợi ích của việc phát triển sàn giao dịch dữ liệu:

(1) Tổ chức, cá nhân được tiếp cận các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, đầu tư, phát triển các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, gia tăng hiệu quả kinh tế thông qua việc trao đổi dữ liệu.

(2) Người dân được tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu một cách thuận lợi, minh bạch; giúp đơn giản thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giao dịch điện tử thông qua việc khai thác, sử dụng dữ liệu.

Để bảo vệ dữ liệu khi tham gia giao dịch trên sàn giao dịch dữ liệu, dự thảo Luật Dữ liệu đã quy định tổ chức quản lý sàn giao dịch dữ liệu phải ban hành quy chế hoạt động và công khai niêm yết trên trang thông tin điện tử của mình; quy chế hoạt động phải bao gồm các nội dung chính sau:

(1) Về trách nhiệm các bên tham gia giao dịch;

(2) Quy trình giao dịch;

(3) Việc bảo đảm bí mật thông tin, chống hành vi gian lận;

(4) Quản lý rủi ro, xử lý khiếu nại tranh chấp, bảo vệ dữ liệu cá nhân;

(5) Điều kiện tham gia sàn giao dịch dữ liệu.

- Chương VI. Tổ chức thực hiện, gồm 10 điều (từ Điều 56 đến Điều 65), quy định về: Trách nhiệm quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của Văn phòng Trung ương Đảng; trách nhiệm của các cơ quan Đảng ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ; trách nhiệm của Bộ Nội vụ; trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có liên quan; trong đó,

(1) Văn phòng Trung ương Đảng giúp Ban Bí thư quản lý nhà nước về dữ liệu của các cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội; Chính phủ quản lý nhà nước về dữ liệu của các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân khác.

(2) Văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cơ quan Đảng trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu của cơ quan Đảng. Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu của cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân khác.

(3) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

(4) Các cơ quan Đảng ở Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng trong việc thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

- Chương VII. Điều khoản thi hành, gồm 02 Điều (Điều 66 và Điều 67), quy định về: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; hiệu lực thi hành.

Một trong những nội dung quan trọng của dự án Luật Dữ liệu là quy định về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu tập hợp, tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước và dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tác động đến tất cả các thủ tục hành chính hiện có theo hướng tích cực, cụ thể như sau:

Một là, về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống: Thay vì hệ thống của một bộ, ngành, địa phương phải kết nối với các hệ thống của các bộ, ngành khác và hệ thống thông tin các địa phương thì chỉ cần kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia. Do đó sẽ giảm được số thủ tục, số lượt phải thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa các cơ sở dữ liệu từ bộ, ngành, địa phương với các hệ thống thông tin khác; bảo đảm việc xử lý dữ liệu trong việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nhanh hơn.

Hai là, cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác thông qua việc đồng bộ, cập nhật, bổ sung với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia (Khi một dữ liệu được thay đổi bởi cơ quan chủ quản dữ liệu thì sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và đồng bộ tự động đến các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, từ đó giúp người dân không phải thực hiện các thủ tục hành chính để điều chỉnh thông tin theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước).

Ba là, cắt giảm giấy tờ, tài liệu có trong thủ tục hành chính: Đối với trường hợp giấy tờ, tài liệu được quy định phải có trong thủ tục hành chính đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thì công dân không cần phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa, không cần phải kê khai nhiều thông tin như trước.

Bốn là, nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước như giảm thủ tục, quy trình liên quan đến phân loại, điều tra thống kê, báo cáo thống kê; phân tích, tổng hợp, xây dựng kế hoạch, quy hoạch… và nhiều thủ tục hành chính nội bộ khác trong cơ quan nhà nước./.

                             Bài: Trịnh Xuân Hùng, Phòng Hành chính tổng hợp

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi