Thứ Sáu, 22/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm mục tiêu đảm bảo ATGT

Chiều  14/3, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến: “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự chỉ đạo hội thảo.

Dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Khuất Việt Hùng Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia.

Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm mục tiêu đảm bảo ATGT -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Về phía đơn vị Thường trực tổ chức hội thảo, tham gia điều hành thảo luận cùng đồng chí Thứ trưởng có Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị CAND.

Hội thảo có sự tham gia của trên 100 nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý trong và ngoài CAND, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm mục tiêu đảm bảo ATGT -0
Trung tướng Trần Vi Dân tham gia điều hành thảo luận.

Tại hội trường 63 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cấp tỉnh; đại diện đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương; đại diện một số sở, ngành liên quan, các nhà khoa học; lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố..

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) trong tình hình hiện nay; trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xuất phát từ tình hình thực tiễn về TTATGT đường bộ ở nước ta trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương và chỉ đạo xây dựng 2 dự án luật liên quan đến giao thông đường bộ, bao gồm: Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ.

Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong bối cảnh đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế, các tuyến giao thông đã trở thành những tuyến, địa bàn trọng điểm về ANTT.

“Trước thực tế đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, với vai trò nòng cốt lực lượng CAND đã làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, TTATXH trong hoạt động giao thông đường bộ, như: các vi phạm pháp luật trên tuyến giao thông đường bộ đã được phát hiện, xử lý ngày càng nhiều hơn; nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm trên tuyến giao thông đường bộ đã được hình thành và đang triển khai có hiệu quả; bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của đoàn đến, đoàn ra; các hoạt động lớn trên tuyến giao thông đường bộ” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm mục tiêu đảm bảo ATGT -0
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, thực tiễn cho thấy số vụ tai nạn giao thông diễn ra trên tuyến giao thông đường bộ đã giảm nhưng chưa bền vững, các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hai nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho cả gia đình và xã hội. Các hoạt động phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, TTATXH và vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng phức tạp hơn, trong đó có những vụ, việc rất phức tạp, nghiêm trọng. Xu hướng lợi dụng việc tác động hoạt động giao thông đường bộ để chống phá Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống; phạm tội trên tuyến giao thông và nhiều loại tội phạm khác đang được các đối tượng khai thác, sử dụng gây thách thức không nhỏ đến TTATGT đường bộ. Điều này cho thấy, bảo đảm TTAT trên tuyến giao thông đường bộ là một nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay.

Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm mục tiêu đảm bảo ATGT -0
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Trước tình hình đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ: Xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai minh bạch, ổn định, với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn; đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông đồng bộ; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng.

Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm mục tiêu đảm bảo ATGT -0
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

“Để có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu bảo đảm TTATGT đường bộ thì vấn đề hoàn thiện cơ sở pháp luật góp phần bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia; phòng, chống các hoạt động xâm phạm ANQG, xâm phạm TTATXH và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT trên lĩnh vực giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, sự cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, sự phúc đáp yêu cầu thực tiễn đặt ra” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định và cho biết, với mục đích tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự án Luật TTATGT đường bộ, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học này nhằm làm rõ luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự luật; luận giải, làm rõ những vấn đề thuộc về TTATGT đường bộ, giao thông “động” trong Luật TTATGT đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay; phân tích, đánh giá thực trạng tình hình TTATGT đường bộ ở Việt Nam và sự tác động, ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng, sức khỏe đối với người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân; phân tích đánh giá sự tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới về xây dựng, ban hành Luật…

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi