Tham luận nổi bật trong buổi tọa đàm là “Ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý nhà nước về an toàn PCCC và CNCH; những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ứng dụng công nghệ số vào công tác kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Dương” của Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, thành viên nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số quốc gia. Hiện Công an tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu triển khai và sẽ là đơn vị tiên phong trong cả nước áp dụng chuyển đổi số (CĐS) trong công tác PCCC và CNCH.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, qua 4 năm triển khai chương trình CĐS quốc gia đã đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên, trong hơn 4 năm đó, mục tiêu của CĐS mới chỉ dừng lại ở mức độ ứng dụng công nghệ số nhằm tận dụng sức mạnh của công nghệ số để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế xã hội của đất nước. Từ tháng 9/2024, Bộ Chính trị, đại diện là Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra quan niệm hoàn toàn mới về CĐS. Đó là CĐS mang một trọng trách vô cùng quan trọng là làm thay đổi phương thức sản xuất của xã hội từ phương thức sản xuất truyền thống mang nặng tính thủ công bán tự động sang phương thức sản xuất số, hướng đến phương thức sản xuất thông minh. Nhận định trên của Tổng Bí thư Tô Lâm như một chỉ thị đến tất cả hệ thống chính trị, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong cả nước cùng chung tay góp phần xây dựng phương thức sản xuất số nhằm đưa nước ta vươn lên mạnh mẽ trở thành một quốc gia phát triển trong kỷ nguyên số trong thời gian ngắn nhất.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về xây dựng phương thức sản xuất số, thì việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực PCCC và CNCH không dừng lại ở mức độ hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động PCCC và CNCH theo phương thức hoạt động hiện nay mà cao hơn nhiều, đó là xây dựng phương thức PCCC và CNCH số.
Hoạt động PCCC và CNCH theo phương số sẽ phát hiện và chủ động phòng ngừa vụ cháy xảy ra. Việc ứng dụng công nghệ số và các công nghệ cao khác (công nghệ vật liệu mới, công nghệ in 3D, công nghệ nano, AI, Robot và tự động hóa,…) trước tiên là phục vụ phòng cháy: Xác định chính xác những nguy cơ có thể xảy ra cháy, nổ theo thời gian thực bằng hệ thống cảm biến (IoT) và các thiết bị hỗ trợ khác, cập nhật bản đồ cảnh báo cháy, nổ toàn khu vực (khu phố, thành phố hay cả tỉnh). Những dữ liệu này là đầu vào cho các quy trình phòng cháy thông minh có khả năng ngăn ngừa một cách chủ động những nguy cơ cháy có thể xảy ra.
Hệ thống cảnh báo (theo 4Fair), nhanh chóng phát hiện vụ cháy xảy ra theo thời gian thực. Nếu không may xảy ra vụ cháy thì vụ cháy lập tức được phát hiện (theo thời gian thực) nhờ hệ thống giám sát nguy cơ cháy, nổ ứng dụng kỹ thuật số. Thông tin chi tiết về vụ cháy: địa điểm, tính chất, quy mô, nguy cơ lan rộng,… được cung cấp cho lãnh đạo cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH và các quy trình PCCC và CNCH số.
Sau khi tiếp nhận thông tin, các quy trình PCCC và CNCH số nhanh chóng xử lý dữ liệu và cung cấp cho lãnh đạo cơ quan phương án chữa cháy tối ưu nhất. Khi lãnh đạo đồng ý cho phép hệ thống tự động triển khai hoạt động chữa cháy theo phương án đã phê duyệt thì hệ thống sẽ tự động điều khiển các thiết bị chữa cháy (drone, robot chữa cháy, thang cuốn,..) và sử dụng các vật liệu chữa cháy phù hợp (chất bột ABC, BC, khí CO2, bọt Foam,…) để dập tắt đám cháy. Như thế, mục tiêu hướng đến của lực lượng PCCC và CNCH số là chủ động phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh cháy, nổ và trong trường hợp xảy ra, luôn có phương án tối ưu xử lý vụ cháy ngay lập tức, trong thời gian ngắn nhất có thể.
Để làm được điều này thì phải xây dựng hạ tầng số ngành PCCC và CNCH gồm: Hạ tầng IoT, hạ tầng kỹ thuật (kết nối, lưu trữ), hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng an ninh an toàn. Trong đó, hạ tầng dữ liệu là quan trọng nhất. Bởi hạ tầng dữ liệu có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ quá trình CĐS vì chỉ có thể CĐS thành công khi có dữ liệu. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng được hành lang pháp lý cho PCCC và CNCH số, phát triển lực lượng PCCC và CNCH số và từng bước xây dựng văn hóa PCCC và CNCH số trong toàn xã hội. “Phương thức PCCC và CNCH số cần có đội ngũ cán bộ tinh nhuệ, hiện đại, có kỹ năng sử dụng các phương tiện công nghệ tiên tiến, có sức khỏe và được đào tạo bài bản về PCCC số. Có 3 nhóm nhân lực số gồm nhóm lãnh đạo, nhóm chuyên gia và nhóm cán bộ, chiến sĩ.
Về tiến độ thực hiện, theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, thời gian đầu (2025 - 2026), Bình Dương nên những ứng dụng công nghệ số đơn giản mang tính hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ (chủ yếu tập trung vào thu thập dữ liệu và hướng dẫn tuyên truyền), giai đoạn tiếp theo (2027 - 2030) là các cơ chế tự động thông minh được phát triển trên nền tảng số (các CPS) được ứng dụng ngày càng nhiều và tạo ra sự chuyển đổi rõ rệt trong hoạt động PCCC và CNCH của tỉnh.
“Về xây dựng phương thức hoạt động số nói chung và xây dựng phương thức PCCC và CNCH số nói riêng là những việc rất mới, chưa địa phương nào triển khai. Vì vậy, đây là cơ hội để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Dương vươn lên mở đường. Hiện nay, cả về lý luận lẫn giải pháp công nghệ đều đã hội đủ cho việc bắt tay vào xây dựng phương thức sản xuất số. Việc quan trọng nhất và cũng khó nhất lúc này là tổ chức triển khai vì mọi thứ đều bỡ ngỡ, mới mẻ từ khái niệm đến cách thức triển khai. Vì thế, chúng tôi sẽ tham mưu lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Dương nên bắt đầu từ việc xây dựng mô hình mẩu với quy mô nhỏ nhằm thuận tiện tiếp cận vấn đề và dễ thực hiện”-Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa nhấn mạnh.
Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương khẳng định, với những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể mà Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa đã chia sẻ, trong thời gian sắp tới Công an tỉnh Bình Dương sẽ tập trung nghiên cứu, có kế hoạch để triển khai thực hiện nhiệm vụ này gắn với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá đối với việc ứng dụng công nghệ số trong các mặt công tác Công an, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Dương thật sự trong sạch, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại từ nay đến năm 2030 theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Nguồn: Báo CAND