Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị, các cơ quan rà soát, nghiên cứu bổ sung cựu CAND vào nhóm các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách Nhà nước đóng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị, các cơ quan rà soát, nghiên cứu bổ sung cựu CAND vào nhóm các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách Nhà nước đóng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị, các cơ quan rà soát, nghiên cứu bổ sung cựu CAND vào nhóm các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách Nhà nước đóng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Sáng 15/11, phát biểu tại Phiên họp thứ 39 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đánh giá cao và cơ bản tán thành với các quy định liên quan tại dự thảo luật. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, tại điểm e, khoản 3, Điều 12 sửa đổi quy định có nhiều đối tượng tham gia BHYT gồm người có công với cách mạng, cựu chiến binh… là chưa đủ và còn thiếu đối tượng cựu CAND.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, ngày 1/8/2023, Bộ Nội vụ có quyết định về việc thành lập Hội Cựu CAND; tiếp đó, ngày 5/9/2023, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có văn bản công nhận Hội Cựu CAND là thành viên MTTQ Việt Nam. Đến nay, tổ chức hội đã phát triển, hoạt động theo 4 cấp, từ Trung ương đến địa phương, tập hợp đông đảo cán bộ cựu Công an tham gia sinh hoạt ở các Hội, Chi hội Cựu CAND trong toàn quốc. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, các cơ quan rà soát, nghiên cứu bổ sung cựu CAND vào nhóm các đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng BHYT.
Trước đó, trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, các nội dung lớn của dự thảo luật đã đạt được sự đồng thuận của các cơ quan tham gia tiếp thu, chỉnh lý.
Dự thảo luật sau khi chỉnh lý gồm 3 điều, Điều 1 bổ sung 2 điều mới quy định về chậm đóng, trốn đóng BHYT và sửa đổi, bổ sung 40 điều của Luật BHYT hiện hành (trong đó bổ sung 3 khoản mới ở 2 điều); bãi bỏ khoản 2 Điều 32 của Luật số 30/2023/QH15 về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, do đã được quy định tại dự thảo luật; Điều 2 về hiệu lực thi hành; Điều 3 về quy định chuyển tiếp.
Về dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, quy định tại các Điều 12, 13 sửa đổi, bổ sung về đối tượng tham gia BHYT, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giữ nguyên các đối tượng được quy định trong luật hiện hành; bổ sung các đối tượng đã được luật khác quy định, trong đó có luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này như Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Dự thảo luật hiện cũng bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thoả đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố; chưa bổ sung thân nhân của dân quân thường trực vào quy định tại Điều 12 sửa đổi về đối tượng tham gia BHYT.
Nêu nguyên nhân chưa bổ sung thân nhân của dân quân thường trực vào các đối tượng tham gia BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, Luật Dân quân tự vệ không quy định chế độ BHYT cho đối tượng này. Do đó, sẽ giao Chính phủ quy định các đối tượng khác (sau khi báo cáo UBTVQH, sau một thời gian thực hiện ổn định và có đánh giá đầy đủ sẽ nghiên cứu bổ sung khi sửa đổi toàn diện luật).
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan CAND, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu tiếp tục hưởng mức BHYT chi trả 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh như quy định hiện hành để bảo đảm sự công bằng với các đối tượng hưu trí khác (không thuộc diện được chi trả 100% như các đối tượng đang tại ngũ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, trẻ em…).
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao tinh thần khẩn trương, tích cực, sự phối hợp của Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế cùng với Ủy ban Pháp luật, cũng như các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của UBTVQH; gửi xin ý kiến rà soát kỹ thuật văn bản và gửi đại biểu Quốc hội theo quy định, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ trước khi Quốc hội xem xét thông qua tại cuối đợt hai của kỳ họp này.
Về đề xuất bổ sung cựu CAND vào đối tượng tham gia BHYT, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong quá trình thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT chưa có điều kiện đánh giá kỹ tác động về đối tượng này. Do đó, việc bổ sung đối tượng này sẽ được thực hiện khi sửa đổi toàn diện Luật BHYT.
Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, nhất là những nội dung mới của luật, UBTVQH đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cán bộ y tế và các cơ quan, tổ chức liên quan hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của luật; thường xuyên kiểm tra, giám sát và theo dõi quá trình thực thi để có giải pháp xử lý ngay khi cần thiết; khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật và bố trí huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành luật.
Nguồn: Báo CAND