Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Dự thảo Thông tư quy định về xây dựng, ban hành, quản lý và sử dụng biểu trưng trong Công an nhân dân

Biểu trưng là dấu hiệu nhận biết, phản ánh đặc trưng riêng biệt thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Biểu trưng trong CAND là hệ thống biểu trưng của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an. Các biểu trưng này là ký hiệu riêng, phản ánh đặc trưng riêng biệt của mỗi đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an.

Đơn vị xây dựng biểu trưng là chủ sở hữu quyền tác giả đối với biểu trưng, có quyền sử dụng biểu trưng phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của đơn vị.

Đơn vị xây dựng biểu trưng là chủ sở hữu quyền tác giả đối với biểu trưng, có quyền sử dụng biểu trưng phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của đơn vị.

 

Theo đó, dự thảo Thông tư này quy định việc xây dựng, ban hành, quản lý và sử dụng biểu trưng của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an. Áp dụng đối với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, nguyên tắc chung trong việc xây dựng, ban hành biểu trưng do các đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ Công an xây dựng trình Bộ trưởng ký ban hành Quyết định phải thực hiện đúng theo Thông tư này và quy định của pháp luật hiện hành. Việc sửa đổi, thay thế Quyết định ban hành biểu trưng của Bộ trưởng thực hiện theo quy định xây dựng, ban hành biểu trưng của Thông tư này.

Đồng thời, biểu trưng phải mang tính chất khái quát cao, bảo đảm ý nghĩa chính trị, tính thẩm mỹ chung của lực lượng Công an nhân dân và đặc thù của đơn vị xây dựng biểu trưng. Và việc ban hành, quản lý, sử dụng biểu trưng phải được tiến hành nghiêm túc, kịp thời, sáng tạo, khoa học; có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu và các quy định của pháp luật hiện hành.

Để lập đề nghị, kế hoạch xây dựng, ban hành biểu trưng, đơn vị xây dựng biểu trưng soạn thảo tờ trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an (Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách) gồm các nội dung sau: Sự cần thiết ban hành biểu trưng; các tiêu chí nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật; dự kiến thời gian xây dựng, trình ban hành biểu trưng; tổ chức thực hiện. Sau khi được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt đồng ý, đơn vị xây dựng biểu trưng lập kế hoạch xây dựng, ban hành biểu trưng.

Về tiến hành xây dựng biểu trưng, đơn vị xây dựng biểu trưng tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng hoặc tổ chức xét chọn mẫu biểu trưng (mời từ 3 - 5 tác giả tham gia sáng tác). Sau đó, đơn vị xây dựng biểu trưng phải thông báo bằng văn bản đến Cục Công tác đảng và công tác chính trị. Hồ sơ gồm: Kế hoạch tổ chức, Thể lệ cuộc thi…

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định khi sử dụng biểu trưng trên các ấn phẩm tuyên truyền, cổ động trực quan, quà tặng; trang trí hội nghị, khánh tiết lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo phải được đặt ở vị trí trang trọng có độ hiển thị cao.

Việc sử dụng, quảng bá biểu trưng trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, các phần mềm của đơn vị xây dựng biểu trưng phải đảm bảo chính xác, trung thực, hiệu quả, hiển thị đầy đủ biểu trưng; sử dụng trong các trường hợp khác phục vụ công tác chuyên môn của đơn vị theo đúng quy định của Ngành và pháp luật.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

 

Nguồn: Cổng TTĐT BCA

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi