Thiết thực với thực tiễn cuộc sống
Tạm gác lại việc nhà, ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) vui vẻ cho biết: “Hôm nay chúng tôi đại diện cho người dân trong thôn đến dự Hội nghị Công an lắng nghe ý kiến nhân dân do Công an TP Hải Phòng tổ chức. Đây là dịp để chúng tôi được phản ánh, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Công an TP về những vấn đề liên quan đến ANTT địa phương theo nhận thức của người dân”.
Ông Dũng cho biết thêm, được tin đoàn công tác do Đại tá Lê Nguyên Trường, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng dẫn đầu sẽ tham dự hội nghị lần này, những người được cử đại diện đã gặp gỡ, trao đổi và thống nhất với bà con trong thôn, lựa chọn những nội dung tiêu biểu nhất để phản ánh. Cụ thể là vấn đề an ninh nông thôn, về giáo dục lớp trẻ nông thôn trước sự xâm nhập của lối sống tiêu cực khi điều kiện kinh tế ngày càng gia tăng, việc quản lý vũ khí – vật liệu nổ, đặc biệt là kiểm soát pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, về chuyện lừa đảo trên không gian mạng… với kỳ vọng sẽ góp phần tham gia hiệu quả vào công tác bảo đảm ANTT tại địa phương.
Cùng chung tâm trạng, ông Vũ Quốc Trung ở tổ dân phố số 10, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) rất hồ hởi khi nằm trong nhóm những người dân của tổ dân phố lên hội trường UBND phường dự Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”. Ông Trung tâm sự, đây là lần thứ hai ông tham gia diễn đàn này, sau lần dự trước ông nhận thấy lãnh đạo Công an TP, Công an quận và phường đều tiếp thu phản ánh của người dân với tinh thần rất cầu thị. Riêng đối với với những ý kiến của ông Trung về địa bàn cơ sở, hầu hết đã được giải quyết, khắc phục, vì vậy lần này ông cảm thấy việc tham gia diễn đàn của mình vừa là niềm tin, là trách nhiệm của công dân, không chỉ đối với tổ dân phố mà còn với cộng đồng.
Ông Trung kể lại, không khí tại hội trường UBND phường Đằng Giang ngày 10/12 vừa qua rất cởi mở, người dân thẳng thắn nêu ý kiến của mình. Đó là những ý kiến rất gần gũi với đời sống, từ thủ tục hành chính nhất là việc triển khai thực hiện đề án 06/CP, cho đến những vấn đề bất cập như một số người chiếm dụng đất công đậu đỗ ôtô trong các ngõ ngách gây cản trở sinh hoạt của người dân, việc bán hàng ăn đêm gây ồn ào, thậm chí cả việc tập kết rác thải bừa bãi cũng được nêu ra, hay việc thời điểm học sinh tan trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất TTATGT…
“Tại hội nghị này, Đại tá Đào Quang Trường, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT thay mặt lãnh đạo Công an TP đã giải đáp tại chỗ nhiều ý kiến, rất chân thành và thỏa đáng, khiến chúng tôi mong muốn được tham gia diễn đàn nhiều lần hơn nữa…” – ông Trung tâm đắc.
Lắng nghe để tự sửa mình
Được triển khai từ năm 2007 trên địa bàn 7 quận của TP Hải Phòng thời điểm đó, ban đầu là “Diễn đàn Công an phường lắng nghe ý kiến nhân dân”, trên cơ sở những kết quả thiết thực, hiệu quả, mô hình này đã được Công an TP Hải Phòng triển khai tới cấp cơ sở trên toàn TP, với tiêu chí chung là “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”. Đây là một trong những biện pháp thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, được tham mưu và phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, tổ chức thường xuyên, thường kỳ trong suốt gần 20 năm qua.
Mỗi ý kiến đóng góp của người dân được công khai, dân chủ, những điều còn chưa tốt, chưa hay được người dân thẳng thắn góp ý đều có ý nghĩa để mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND tự soi tự sửa. Từ diễn đàn này, trên từng lĩnh vực công tác, nhận thức về “gần dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với dân, dựa vào dân để công tác chiến đấu, rèn luyện” trong mỗi CBCS Công an được nâng cao hơn.
Đó là xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực ở mọi lúc, mọi nơi, chống thái độ hách dịch, thờ ơ, vô cảm và những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, nhằm xây dựng lực lượng Công an ngày càng trong sáng về đạo đức, giỏi về nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hình thức tổ chức hội nghị cũng không đòi hỏi sự cầu kỳ, câu lệ hay đề cập những nội dung lớn lao, mà chủ trương gợi mở những vấn đề gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân, về chất lượng công tác của CBSC Công an trong giao tiếp, ứng xử, phục vụ nhân dân. Cụ thể là những câu hỏi, ý kiến, kiến nghị, chất vấn của người dân đối với lực lượng Công an. Những vấn đề có thể trả lời ngay sẽ được phản hồi tại chỗ, những khúc mắc được nghiêm túc tiếp thu để giải quyết hoặc chuyển tới cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, khắc phục...
Nhắc lại buổi tiếp xúc lắng nghe ý kiến người dân tại xã Nam Hưng vào ngày 17/12 mới đây, Đại tá Lê Nguyên Trường đánh giá, tất cả ý kiến của người dân đều hết sức tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện sự quan tâm tới lực lượng Công an cũng như nhiệm vụ giữ gìn ANTT. Người dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao tinh thần “Vì nhân dân phục vụ” của lực lượng Công an xã Nam Hưng nói riêng và lực lượng Công an nói chung.
Sự quan tâm cũng thể hiện rất rõ như những kiến nghị, đề xuất về quyền lợi và nghĩa vụ của lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở; cơ sở hạ tầng công tác và trang thiết bị của Công an phục vụ nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm; việc xây dựng Hải Phòng trở thành TP không có tội phạm về ma túy…
Cũng theo Đại tá Lê Nguyên Trường, trong bối cảnh phát triển đột phá, những năm qua kinh tế - xã hội khu vực nông thôn Hải Phòng có bước tiến ngoạn mục, nhưng bên cạnh đó việc xâm nhập của lối sống vật chất tiêu cực cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT. Qua những buổi tiếp xúc trực tiếp lắng nghe ý kiến nhân dân, lãnh đạo Công an TP sẽ đánh giá đúng hơn, nắm bắt chính xác hơn tình hình thực thi nhiệm vụ của lực lượng Công an cơ sở, từ đó có sự điều chỉnh thích ứng để nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng, đồng thời tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa lực lượng Công an và nhân dân, để “dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ Công an nhiều hơn” như lời Bác Hồ đã dạy”.
Nguồn: Báo CAND