Yêu cầu cấp thiết
Tại dự thảo Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.
Theo Bộ Công an, việc sửa đổi Luật sẽ thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người. Ngày 16/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền phòng, chống mua bán người ở cộng đồng.
Theo đó, Kết luận đã xác định nhiệm vụ nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị là: “Tích cực tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.;… tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, tội phạm mua bán người, xâm hại trẻ em…”. Đồng thời, Kết luận cũng đã đưa ra nhiệm vụ trong công tác hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm trong đó có tội phạm mua bán người “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; kết hợp giữa cải cách tư pháp với cải cách hành chính”.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 Nhà nước ta đã ban hành nhiều bộ luật, luật có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật trợ giúp pháp lý năm 2017… Trong khi đó các văn bản điều chỉnh công tác phòng, chống mua bán người đa số được ban hành trước thời điểm ban hành các văn bản này. Đồng thời, để phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì những quy định liên quan quyền con người, quyền công dân bị hạn chế từ các văn bản dưới luật sẽ phải rà soát để quy định trong luật.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người cũng xuất phát từ lý do để giải quyết những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người. Theo Bộ Công an, Luật Phòng, chống mua bán người chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân, lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội. Thực tiễn hiện nay, những người đang trong quá trình xác định là nạn nhân chưa có quy định để hưởng các chế độ, chính sách. Trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân cũng cần được hưởng một số chế độ thiết yếu, thực tế các cơ quan chức năng đã phải tổ chức hỗ trợ những thiết yếu cơ bản như ăn, mặc, chi phí đi lại, y tế… Nhưng khi xác minh không đủ điều kiện xác định là nạn nhân dẫn đến khó khăn về chi trả kinh phí đã được thực hiện.
Chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn như: Chỉ quy định nạn nhân được hỗ trợ về tâm lý trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trong khi nhiều nạn nhân thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho Công an, Biên phòng hoặc khi trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh cũng rất cần được hỗ trợ tâm lý; chỉ có nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được xem xét hỗ trợ văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, chưa đảm bảo cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng…
Những nội dung cơ bản của dự thảo Luật
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 62 điều (tăng 4 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 5 điều, bỏ 1 điều).
Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung 1 điều (Điều 32) về đối tượng bảo vệ gồm: Người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; người thân thích của người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân là người có quan hệ với người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp nhận người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; xác định nạn nhân bị mua bán trong nước; tiếp nhận, xác minh người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân được giải cứu; tiếp nhận, xác minh người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân từ nước ngoài trở về; căn cứ để xác định nạn nhân; giải cứu, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân (Điều 33) theo hướng dẫn chiếu pháp luật có liên quan (tố tụng hình sự, tố cáo) và giữ nguyên quy định về một số biện pháp bảo vệ (giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ; giữ bí mật các thông tin về đời tư, đặc điểm nhân dạng, nơi cư trú, làm việc, học tập và các thông tin khác có liên quan đến người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ; hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ; bố trí nơi tạm lánh cho người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ); thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội, Giám đốc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân; thủ trưởng Cơ quan đại điện Việt Nam ở nước ngoài) đối với đối tượng này được quy định tại Nghị định số 62/2012/NĐ-CP.
Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về tiếp nhận, xác định, xác minh nạn nhân hiện nay, đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất của pháp luật hình sự về tội phạm mua bán người và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khi Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực thì các thông tư liên tịch hướng dẫn quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 sẽ bị bãi bỏ).
Toàn văn Dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng.
Nguồn: Báo CAND