Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bộ Công an lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Tội phạm có độ ẩn cao, phương thức thủ đoạn tinh vi

Theo Bộ Công an, tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trên các lĩnh vực như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân….

t2.jpg -0
Lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong cộng đồng.

Nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba. Mua bán người ở nước ta xảy ra dưới hai dạng là mua bán trong nước, đã phát hiện, điều tra các vụ lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, bán vào nhà hàng, quán karaoke, cafe trá hình hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động trên tàu cá hoạt động trên biển....

Song chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài chiếm trên 85% số vụ mua bán người và tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó sang Trung Quốc chiếm trên 75%, sang Lào và Campuchia chiếm khoảng 11%, còn lại là mua bán người sang một số nước khác như Thái Lan, Malaysia, Nga… bằng đường bộ, đường không và đường biển.

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhiều trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Tuy nhiên, khác với trước đây, khâu tiếp cận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay xu hướng ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Từ ngày 01/01/2012 đến ngày 30/8/2020, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố 1.461 vụ với 2.501 bị can; số vụ án về mua bán người Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 1.323 vụ với 2.316 bị can. Từ năm 2011 đến tháng 6/2020 lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh 7.356 nạn nhân. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%) và đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (chiếm hơn 80%), chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm (chiếm hơn 70%), gặp những chuyện éo le về gia đình, tình cảm, trình độ học vấn thấp (không biết chữ chiếm 37,2%), thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, tâm lý nhẹ dạ cả tin; hoặc một số cô gái trẻ, học sinh, sinh viên (chiếm khoảng 6,8%) thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, thiếu cảnh giác nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán. Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 98%, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc chiếm trên 90%. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động...

Hình thức trở về là tự trở về chiếm 48,11%, qua giải cứu hoặc trao trả song phương chiếm 51,88%. Nạn nhân trở về lần đầu chiếm gần 90%.

Cần sửa đổi luật

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012.Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập như việc các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã lâu nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay như các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện như chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội.

Cơ quan được giao quyết định hỗ trợ văn hóa, học nghề theo quy định của Luật và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người còn khác nhau; quy định thời gian được hỗ trợ khác nhau giữa các văn bản… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi luật. Việc nghiên cứu để sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Theo Bộ Công an, mục tiêu của việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và phù hợp pháp luật có liên quan; bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu của thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống mua bán người; tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người.

Bộ Công an đã dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Toàn văn dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi