Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Cấp căn cước công dân - dấu ấn đậm nét ở địa bàn trọng điểm

Những câu chuyện, kinh nghiệm dưới đây được chúng tôi ghi lại ở Thanh Hoá - tỉnh có dân số lớn thứ 3 toàn quốc, được Bộ Công an chọn là một trong các địa phương trọng điểm về cấp căn CCCD.

Xúc động được Bộ trưởng tới thăm, động viên

Mường Lát là huyện biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có đường biên dài trên 100km, giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). 95% dân số của huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều vùng địa hình núi đồi cheo leo, giao thông đi lại rất gian nan. Tuy nhiên, “trong gian khó, tỏ lòng người”, Mường Lát trở thành điểm sáng cả về tiến độ, chỉ tiêu cấp CCCD, trong đó có những vùng sâu, vùng xa đã hoàn thành việc cấp căn cước từ sớm. 

Trong chuyến công tác trao nhà mẫu và kinh phí hỗ trợ xây dựng 600 căn nhà cho các hộ nghèo ở Mường Lát ngày 21/3, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tới thăm tổ công tác của Công an huyện Mường Lát cấp CCCD tại Nhà văn hóa bản Khằm 2, xã Trung Lý. Đây là cuộc ghé thăm khá bất ngờ vì không nằm trong kế hoạch ban đầu, tuy nhiên chính điều này đem lại những cảm xúc và góc nhìn chân thực về hoạt động cấp CCCD tại một địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Hôm đó vào sáng chủ nhật, theo lịch đã hẹn với bà con xã Trung Lý, anh em Công an Mường Lát đến từ rất sớm, chuẩn bị các thiết bị, giấy tờ, bàn đón tiếp, nước uống… phục vụ người dân. Sương mờ tan, xe của Bộ trưởng dừng lại trước lối rẽ vào sân nhà văn hoá. 

Tại đây, đồng chí Bộ trưởng bắt tay động viên cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ cấp CCCD, lắng nghe những chia sẻ, đề xuất, những kinh nghiệm, cách làm hay. Chứng kiến người dân đang xếp hàng và làm các thủ tục cấp CCCD, Bộ trưởng ân cần thăm hỏi sức khoẻ, tìm hiểu đời sống vật chất, tinh thần của bà con.

 Nói về ý nghĩa việc cấp CCCD gắn chip, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là một loại giấy tờ rất quan trọng, tích hợp nhiều loại giấy tờ khác, liên quan trực tiếp đến cuộc sống và quyền nhân thân của người dân, cũng như công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch, hộ khẩu. Do vậy, làm CCCD vừa để phục vụ cuộc sống của bà con tốt hơn, vừa giúp lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

 

Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi người dân tại điểm cấp CCCD ở nhà văn hoá bản Khằm, xã Trung Lý, Mường Lát. 

Bộ trưởng Tô Lâm hỏi chuyện một người dân ngồi cạnh, đó là ông Giàng A Vàng. Ông Vàng cho biết, năm nay 50 tuổi, là người dân tộc Mông, ở bản Khằm 2. Được cán bộ Công an giải thích về cấp căn cước gắn chip có nhiều tính năng, ông dậy sớm đến nhà văn hoá và chờ đợi đến lượt. 

Đứng bên bàn làm hồ sơ cấp CCCD cùng một số cán bộ Công an Mường Lát, bất ngờ Bộ trưởng mời ông Vàng vào bàn để CBCS tiếp nhận hồ sơ làm CCCD. Được gặp người đứng đầu Bộ Công an trong tình huống hết sức bất ngờ, ông Vàng vui mừng, xúc động. 

Ông hồ hởi: “Được nghe cán bộ giải thích cái giấy này hiện đại lắm, tôi và bà con ở bản rất phấn chấn. Chúng tôi ở vùng hẻo lánh, xa xôi, hôm nay thật không ngờ lại được đích thân Bộ trưởng tới thăm và gọi lên làm thủ tục cấp, tôi hạnh phúc và xúc động lắm”…  

Chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, tích cực, sự phấn chấn của người dân khi được làm thủ tục cấp CCCD cũng như sự chu đáo, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Công an Mường Lát, Bộ trưởng biểu dương, ghi nhận thành tích, kết quả đạt được của tổ công tác, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vất vả của CBCS. 

Trước yêu cầu, mục tiêu đặt ra, Bộ trưởng yêu cầu Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD và mong CBCS tiếp tục khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao, tận tình, chu đáo hướng dẫn, hỗ trợ người dân đến làm thủ tục cấp CCCD được nhanh chóng, thuận lợi.

 

Công an Mường Lát di chuyển qua sông, đến điểm bản cấp CCCD
Một buổi cấp CCCD cho người dân tại bản ở Mường Lát

Thượng úy Dương Văn Quỳnh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Mường Lát cho biết, do địa bàn biên giới có nhiều khó khăn, đặc biệt là đường sá đi lại, người dân thường lên nương rẫy lao động cả ngày nên việc động viên bà con dành thời gian đi làm CCCD đòi hỏi phải hết sức chu đáo. 

Đại úy Trần Danh Tam, cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Mường Lát đã hơn 3 tuần liên tục cùng đồng chí, đồng đội xuống các thôn, bản làm CCCD cho nhân dân. Để kịp thời gian, tiến độ, anh cùng tổ công tác phải tận dụng tối đa thời gian, chuẩn bị đồ ăn từ ở nhà, tranh thủ ít phút ăn trưa là lại tiếp tục bắt tay vào công việc hoặc là thay phiên nhau để ăn uống, tắm rửa xong lại có mặt ngay để thực hiện nhiệm vụ với phương châm “không để gián đoạn một phút nào”.

 Khi được Bộ trưởng đến thăm, động viên, anh Tam xúc động: “Tôi không ngờ, ở tận nơi biên giới xa xôi, đường sá khó khăn như thế mà có ngày chúng tôi lại được Bộ trưởng trực tiếp đến thăm, động viên. Đã hơn 20 ngày rồi, tôi cùng đồng đội đến các bản để làm CCCD cho bà con. Dù thức đêm nhiều mệt mỏi, xa vợ xa con nhưng chúng tôi luôn động viên nhau, xác định phải làm việc với  quyết tâm cao nhất”. 

Còn Thượng úy Lê Thanh Nga, cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Mường Lát, có con nhỏ, chồng công tác xa song chị đã phải gửi lại người thân chăm sóc, ngày đêm bám bản, nỗ lực cùng đồng đội làm nhiệm vụ. Được Bộ trưởng tới thăm hỏi, động viên, anh Tam, chị Nga và cán bộ, chiến sĩ tiếp thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

“Tôi không ngờ, ở tận nơi biên giới xa xôi, đường sá khó khăn như thế mà có ngày chúng tôi lại được Bộ trưởng trực tiếp đến thăm, động viên. Đã hơn 20 ngày rồi, tôi cùng đồng đội đến các bản để làm CCCD cho bà con"- Đại uý Trần Danh Tam. 

Theo lãnh đạo Công an Mường Lát, ngoài tổ cố định tại đây, Công an huyện còn thành lập tổ khác với 7 đồng chí lưu động xuống các thôn, các bản, phối hợp với Công an các xã, thị trấn để làm CCCD cho nhân dân. 

Kinh nghiệm quý ở huyện về đích đầu tiên trên cả nước

 Huyện Ngọc Lặc là đơn vị đầu tiên trong cả nước về cấp CCCD, trở thành điểm sáng được Bộ Công an ghi nhận, biểu dương. Đặc biệt, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại huyện nhà, theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện Ngọc Lặc đã thành lập 2 tổ công tác với 12 cán bộ chiến sĩ cùng trang thiết bị “chi viện” cho Công an huyện Yên Định và Thọ Xuân từ ngày 21/4. Cùng khởi điểm, giao nhận chỉ tiêu như các địa phương khác trên toàn quốc, vì sao Công an Ngọc Lặc cán đích đầu tiên?

 Tìm hiểu thực tiễn tại địa bàn và qua đánh giá của Phòng QLHC về TTXH Công an Thanh Hoá, chúng tôi nhận thấy những điểm hết sức nổi bật. Huyện Ngọc Lặc có gần 70.000 công dân từ 14 tuổi trở lên có nhu cầu cấp CCCD gắn chíp điện tử. Thượng tá Đỗ Xuân Sơn, Trưởng Công an huyện Ngọc Lặc cho biết, sau khi triển khai cấp thẻ CCCD gắn chíp trên địa bàn huyện, với quyết tâm chính trị cao, Công an huyện đã tăng cường lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sỹ, chia tổ, phân ca tiếp nhận và thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chíp liên tục 24/24h để đảm bảo tiến độ với khẩu hiệu “Không về nhà nếu không có việc đột xuất”.

 Công an huyện đã thành lập 5 tổ cấp CCCD, trong đó 1 tổ cấp thẻ CCCD tại trụ sở Công an huyện, 4 tổ lưu động cấp tại trụ sở UBND các xã, thị trấn và các trường học trên địa bàn, mỗi tổ chia thành 3 ca luân phiên. Không những vậy, Công an huyện đã tổ chức thuê xe khách chở người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa đến các điểm làm CCCD. Đến ngày 19/4, đã hoàn thành việc cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho 70.000 người, đạt 100% kế hoạch.

 

Công an Ngọc Lặc lựa chọn cán bộ có kinh nghiệm về công nghệ thông tin tăng cường các tổ cấp CCCD

Về phương pháp, yếu tố đầu tiên là lựa chọn, sử dụng con người. Công an huyện sau khi nhận chủ trương triển khai dự án cấp CCCD đã tính toán ưu tiên điều động các đồng chí trẻ trong đơn vị. Xác định việc thành công của dự án là phải chủ động trong sử dụng các thiết bị kỹ thuật, sáng tạo và thành thạo trong việc áp dụng CNTT khi làm việc, khắc phục được ngay các sự cố của thiết bị trong quá trình vận dụng nên lãnh đạo đơn vị tận dụng số cán bộ vừa được phân công nhận công tác từ cuối năm 2020.

 Trong tổng 15 đồng chí tăng cường đợt 1 có 4 đồng chí công tác tại đội QLHC lâu năm có kinh nghiệm và 4 đồng chí được đào tạo tại Đại học Kỹ thuật hậu cần CAND làm nòng cốt. Cùng với 12 sinh viên vừa nhận quyết định công tác tại Công an huyện, trước mắt chưa phân công về các xã mà trực tiếp tham gia dự án đến khi kết thúc. Khi thực hiện cao điểm về cấp CCCD, phải điều động tăng cường tối đa nhân lực, từ các đội, Công an xã, thị trấn, chọn những đồng chí có kiến thức về CNTT, tiếp thu nhanh.

 Về phương pháp làm việc, phải chuẩn chỉnh, xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến hành tập huấn bài bản. Huyện giao các xã rà soát lập danh sách cụ thể, chính xác số lượng công dân đến tuổi làm CCCD trên địa bàn mình quản lí; tổ chức tuyên truyền đến nơi đến chốn, giải thích, hướng dẫn công dân cụ thể việc đi làm CCCD là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Xã nào mà đến ngày 19/4/2021 vẫn còn công dân chưa đi làm thẻ CCCD thì Chủ tịch, Bí thư phải chịu trách nhiệm. Công an huyện bố trí 2 xe giường nằm để đưa công dân đến địa điểm làm thẻ, xong lại đưa công dân về nhà.

 Công an huyện Ngọc Lặc cũng là đơn vị hoàn thành sớm việc nhập liệu DC02, kiểm tra dữ liệu trong Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được làm một cách chuẩn chỉnh, chính xác thì sẽ góp phần rút ngắn thời gian hoàn thành việc cấp thẻ CCCD gắp chíp điện tử, bởi khi tích hợp 2 cơ sở dữ liệu lại với nhau sẽ không có sai sót, không mất nhiều thời gian cho việc chỉnh sửa.

Về kỹ thuật, đây là khâu rất quan trọng nhưng nếu đơn vị nào không chuẩn bị tốt có thể gây gián đoạn, lỗi… rất mất thời gian khắc phục. Do đã chuẩn nguồn dự phòng chu đáo gồm máy ảnh, máy tính, các linh kiện dễ hỏng như ram, chíp, dây nguồn, dây kết nối, nếu hỏng hóc hay trục trặc là có bộ thay thế ngay, không bị gián đoạn. Bộ chia mạng đều trang bị dự phòng thêm 1 đến 2 bộ. Đối với các máy tính và các thiết bị sau 12 tiếng đều được tiến hành khởi động lại, cho nghỉ 15-30 phút và lau chùi, vệ sinh thiết bị.

Do địa hình là vùng miền núi, đường sá khó đi lại, vì vậy khi cấp lưu động, Công an huyện chọn điểm cấp lưu động là khu vực trung tâm nhất, có hội trường rộng rãi và các điều kiện tốt nhất, sau đó phân công từ 2 -3 xã tập trung lại 1 điểm; chuẩn bị xe đưa đón phục vụ nhân dân, tăng cường tuyên truyền, tạo hiệu ứng ủng hộ trong nhân dân. Vì vậy, ít nhất từ 3-5 ngày tổ CCCD mới phải di chuyển, máy móc ổn định và không mất thời gian di chuyển nên công suất thu nhận đạt 24/24h.

Xác định việc làm CCCD kéo dài với tần suất 24/24h sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của CBCS, Công an huyện bố trí nghỉ “gối đầu”. Cùng chủ trương tập trung nhân dân tại một điểm và thu nhận công suất tối đa, tổ CCCD đã kết nối các trạm máy với nhau (2 trạm máy thành 1 trạm lớn), trong đó chỉ sử dụng một máy chủ, xác định khâu lấy vân tay là mấu chốt nên tập trung CBCS làm tốt công tác vân tay và  bố trí tiết kiệm các thiết bị thu nhận ảnh, in phiếu thu nhận…

Hoãn cưới để phục vụ chiến dịch, chân chống nạng vẫn “tham chiến”!

Quá trình làm việc, thực sự xúc động khi nhiều cán bộ, chiến sĩ đã gác lại việc riêng để gánh vác việc chung cùng đơn vị. Thiếu úy Lê Đình Hoàng và Thiếu úy Bùi Thị Bình Triệu là sinh viên cùng tốt nghiệp Học viện ANND nhận công tác tại Công an huyện đúng thời điểm triển khai dự án. Do cả hai đã “thuận lòng” và chờ đợi ngày ra trường để nên duyên nên ngay sau khi về huyện, hai bên gia đình thống nhất ấn định ngày cưới và làm xong các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, ngày về huyện cũng là lúc cả hai nhận nhiệm vụ tham gia dự án với chuỗi thời gian khá dài, khối lượng công việc và tinh thần của chiến dịch không chậm trễ nên cả hai quyết định thống nhất với gia đình, tổ chức gác lại việc riêng để lo việc chung cùng đơn vị.

Hay trường hợp một đồng chí bị gãy một chân phải đóng đinh nhưng vẫn tình nguyện báo cáo lãnh đạo đơn vị, xin tham gia chiến dịch. Đó là Thiếu úy Đặng Châu Oanh, cán bộ làm bộ phận cấp CCCD – Đội Cảnh sát QLHC về TTXH có kinh nghiệm 4 năm công tác tại đơn vị, được đánh giá là cán bộ có chuyên môn tốt, kinh nghiệm và thành thạo trong công tác cấp CCCD, là số CBCS nòng cốt khi triển khai dự án. 

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2021, Oanh không may bị ngã xe gãy 1 chân, phải đóng đinh và phải sử dụng nạng để di chuyển. Tuy nhiên, chỉ ít ngày nằm điều trị, Oanh báo với chỉ huy rằng “thấy anh em làm việc cần mẫn suốt ngày đêm, mình có kinh nghiệm về làm CCCD mà ôm chân nằm điều trị thế này lòng nóng như lửa đốt”. Thế rồi, Oanh đề nghị lãnh đạo đơn vị cho phép mình tham gia cùng đồng đội, làm các phần việc sử dụng phần mềm vi tính, ít di chuyển. 

Vậy là, với sự trợ giúp của đồng đội, lúc đưa đón bằng ô tô, lúc xe máy, người cán bộ lọc cọc nạng gỗ vẫn tham gia đầy đủ các ca làm việc và phát huy tối đa sở trường kinh nghiệm công tác của mình. Tiếng nạng gỗ lọc cọc mỗi sáng mai ở khu làm căn cước lâu dần nên quen, có đồng đội thấy vậy đùa vui “có ngày chưa nghe tiếng nạng lại thấy hình như thiếu thiếu điều gì đó”!  

Thực là, trong gian nan, thử thách, trong vất vả càng toát lên sự sáng tạo, sự cần mẫn, sự gánh vác chia sẻ khó khăn. Ngày nay, trong guồng quay đời sống mới với bao mối lo toan, người ta từng nghĩ phải chăng đã qua rồi cái thời “con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, qua rồi cái thời thanh niên nắn nót viết những châm ngôn sống vì nghĩa lớn, việc chung mà gác lại việc nhà, việc tư. Nhưng thực tiễn trong công tác, chiến đấu của lực lượng CAND mà chiến dịch cấp CCCD là một điển hình, đã toát lên biết bao câu chuyện xúc động, nhân văn từ những con người chân thực, dung dị giữa đời thường. 

Gác lại việc cưới để thức đêm cùng căn cước, chống nạng gỗ đi cùng chiến dịch, ở đó có mồi hôi, có vất vả, có lo toan, cả sự căng thẳng… Giải mã cho các “hằng đẳng thức” đó là gì, chỉ có những con người trong cuộc, chỉ có những người kinh qua môi trường giáo dục, luyện rèn mới khẳng định, toát lộ bản chất, làm ngời sáng màu áo CAND vốn giản dị, chân phương…

 

Công an Ngọc Lặc đến nhà cấp CCCD cho người già
và đến nhà cấp CCCD cho người đau yếu


Sử dụng facebook, zalo để tuyên truyền

Thanh Hoá được Bộ Công an chọn là 1 trong 10 tỉnh trọng điểm về cấp CCCD gắn chíp điện tử, toàn tỉnh có hơn 2,9 triệu công dân trong diện cấp CCCD.

Trung tá Lê Thị Quỳnh Hương, Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh cho biết: Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, Công an Thanh Hoá đã triển khai đồng bộ tới 27/27 đơn vị công an các địa phương trên toàn tỉnh với rất nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, được nhân rộng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và đẩy nhanh tiến độ cấp, đổi CCCD gắn chíp điện tử, lực lượng công an đã tăng cường lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sỹ, chia tổ, phân ca tiếp nhận và thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chíp cho công dân liên tục từ 6h đến 2-3h ngày hôm sau, kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ với phương châm “Làm hết việc chứ không hết giờ”. Trong đó, có một số đơn vị có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác tổ chức, vận động người dân như Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh với khẩu hiệu hành động “Nghiêm túc lắng nghe, nhiệt tình chia sẻ, tận tâm phục vụ, khôn khéo xử lý”.

 Công an TP Thanh Hóa đã phân công lực lượng chịu trách nhiệm từng khu phố; thường xuyên tổ chức họp “nóng” giữa các lực lượng để rút kinh nghiệm; giao cảnh sát khu vực thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng cơ sở, đến từng hộ dân để vận động, phát phiếu, hẹn giờ. Công an các huyện Ngọc Lặc, Mường Lát, Thường Xuân, Quảng Xương, Lang Chánh, Thọ Xuân… đã tranh thủ sự vào cuộc của Bí thư chi bộ, Chủ tịch xã, thị trấn huy động nguồn lực, bố trí phương tiện đề nghị chính quyền xã, thôn, bản cùng lực lượng Công an đưa người dân đến nơi cấp CCCD vào thời gian đêm muộn, phân loại đặc điểm dân cư dễ làm trước, khó làm sau…

“Nơi nào các đồng chí Giám đốc Công an địa phương chỉ đạo quyết liệt thì nơi đó đạt được kết quả tích cực. Công tác chỉ huy chỉ đạo phải thực sự quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm. Qua thực hiện hai dự án cũng cho thấy, nếu biết nâng cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ thì nhiệm vụ dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng có thể hoàn thành. Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ và Công an địa phương là điểm nổi bật góp phần tạo nên thành công trong thực hiện hai dự án” (Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết đợt 1 chiến dịch cấp CCCD).

Để hoàn thành chỉ tiêu cấp hơn 2,9 triệu thẻ CCCD xong trước ngày 28/5, theo chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Công an tỉnh sẽ tập trung phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, sử dụng mạng xã hội facebook, zalo, thiết lập các trang Fanpage riêng của các đơn vị để thông báo về thời gian, địa điểm cấp CCCD; đăng tải những hình ảnh đẹp về cán bộ chiến sĩ làm công tác cấp CCCD. Rà soát các nội dung, kế hoạch đã đề ra; nắm chắc tình hình triển khai trên thực tế theo tiến độ từng ngày để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.                                                                      

 

Người dân được hướng dẫn kỹ lưỡng khi cấp CCCD

Chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở tiếp tục thu thập, rà soát, làm sạch dữ liệu thông tin của công dân, đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” để khi đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân thông tin chính xác tuyệt đối. Xây dựng phương pháp dân vận; tổ chức phân công lực lượng chịu trách nhiệm từng khu dân cư; thường xuyên tổ chức họp “nóng” giữa các lực lượng để rút kinh nghiệm. Đồng thời giao cho Cảnh sát khu vực, Công an xã, thị trấn thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng cơ sở, đến từng hộ dân để vận động. Tổ chức xe đưa đón công dân đến nơi đặt trạm cấp CCCD, tranh thủ sự vào cuộc của bí thư, chủ tịch xã, thị trấn; có phương án dồn dân khi đã hoàn thành cấp cuốn chiếu ở từng địa bàn. Rà soát nhân khẩu trong diện cấp CCCD vắng mặt khỏi nơi cư trú để phối hợp, xác minh, trao đổi thông tin, xây dựng phương án tổ chức cấp CCCD để thu nhận triệt để…          

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi