Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Công an các tỉnh miền Trung giúp dân trước nguy cơ "lũ chồng lũ"

Như Báo CAND đã dẫn nguồn tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia từ sáng sớm nay, trong 24 giờ qua, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa nhiều nơi trên 70mm như: thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) 94.8mm, Sông Hinh (Phú Yên) 72.2mm…

Dự báo, trong 24 giờ đến 48 giờ tới, mưa to và giông tiếp tục diễn ra từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rất to.

Tổng lượng mưa theo dự báo từ Bình Định đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk vào khoảng 100-250mm, có nơi trên 300mm. Khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi tổng lượng mưa từ 300-500mm, có nơi trên 700mm. Khu vực Quảng Bình, Khánh Hòa lượng mưa ở mức 80-150mm, có nơi trên 200mm.

Mưa lớn ở khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng còn kéo dài đến hết ngày 16/10. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng thấp.

Trước thực tế vừa kể, từ sáng 14/10, Công an huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu lực lượng CSGT, Công an các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các phương án để ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, sẵn sàng di dời số hộ dân ở vùng xung yếu, thấp trũng.

CSGT Công an huyện Quảng Điền rào chắn, cấm người dân lưu thông trên tuyến tỉnh lộ 19.

Là vùng “rốn lũ” của tỉnh, hàng chục ngàn hộ dân ở huyện vùng trũng Quảng Điền đang đứng ngồi không yên trước dự báo nguy cơ lũ lớn. Từ sáng sớm 14/10, trên địa bàn tỉnh bắt đầu có mưa to trên diện rộng.

Công an xã Quảng Lợi giúp ngư dân kéo các loại ghe nhỏ vào bờ.

Người dân vùng trũng Quảng Điền đã khẩn trương sơ tán tài sản, ghe thuyền, ngư lưới cụ vào bờ. Hàng ngàn hộ dân nuôi trồng thủy sản đã giằng chống ao hồ để hạn chế thấp thiệt hại khi lũ lớn.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, trưa 14/10, Công an huyện Quảng Điền đã tỏa ra nhiều hướng để giúp ngư dân đưa ngư lưới cụ, kéo các ghe thuyền nhỏ vào bờ neo đậu an toàn, di chuyển các kho lương thực, lúa, gạo…

Nhiều trụ sở cơ quan, trường học trên địa bàn xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền đã ngập nước.

Trung tá Võ Tiến Thảo, Trưởng Công an xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 500 hộ dân làm nghề ngư nghiệp tập trung ở các thôn: Ngư Mỹ Thạnh, Hà Sơn, Hà Công và Cư Lạc. Hiện, Công an xã phối hợp với người dân giúp neo đậu 121 ghe thuyền đánh bắt thủy sản, 171 đò rô le.

Theo ghi nhận, hiện 3 tuyến tỉnh lộ từ Thừa Thiên-Huế về huyện Quảng Điền đã có 2 tuyến tỉnh lộ (tỉnh lộ 4 và tỉnh lộ 19) bị cắt đường do nhiều nơi nước ngập sâu từ 0,5m đến 0,8m. Đặc biệt, đoạn qua xã Quảng Thành, nhiều khu vực bị chia cắt hoàn toàn.

Hướng dẫn người dân quay đầu xe, lưu thông tuyến đường khác để đảm bảo an toàn.

Hiện, chỉ còn tuyến tỉnh lộ 11 vẫn đang lưu thông được. Để đảm bảo ATGT, hiện CSGT Công an huyện Quảng Điền cũng đã rào chắn, canh gác và cấm người dân, phương tiện không lưu thông trên các tuyến tỉnh lộ bị chia cắt.

Theo chính quyền huyện Quảng Điền, để ứng phó với nguy cơ ngập sâu do mưa lớn và các thủy điện điều tiết xả lũ, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó ưu tiên giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về tài sản và con người. Do mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ, trên địa bàn huyện Quảng Điền đã có nhiều nơi ngập sâu từ 0,5-1m.


Công an huyện Quảng Điền giúp ngư dân chằng chống ghe thuyền.

Thượng tá Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết, từ sáng 14/10, Công an huyện đã yêu cầu lực lượng CSGT, Công an các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các phương án để ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ; sẵn sàng di dời số hộ dân ở vùng xung yếu, thấp trũng; di dời, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân...

Lực lượng Công an đã vận động, cấm tất cả người dân không được chèo ghe thuyền ra phá Tam Giang để đánh bắt thủy sản và vớt củi từ trên thượng nguồn đổ về, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Ngày 14/10, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, theo số liệu thống kê chính thức, bão số 4 (tên quốc tế là Noru) từ ngày 27 đến 29/9 đã làm 1 người dân xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc tử vong; 149 người bị thương. Về nhà ở, toàn tỉnh Quảng Nam có 119 nhà bị thiệt hại trên 70%; 282 nhà bị thiệt hại từ 50-70%; 751 nhà bị thiệt hại từ 30-50%. Ước tính, tổng thiệt hại do bão số 4 gây ra là 3.395 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện khắc phục thiệt hại do bão số 4 gây ra, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Chính phủ và các Bộ liên quan tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ 3 tấn hạt giống cây rau các loại; 30 tấn hạt giống ngô nếp để sản xuất trên diện tích cây màu và cây trồng khác; gần 26 tỷ đồng để hỗ trợ thiệt hại về dân sinh; hơn 62,5 tỷ đồng để khôi phục sản xuất nông nghiệp; 608 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại về kết cấu hạ tầng.

Nguồn: Báo Công an nhân dân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi