Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Kỳ 1: Rõ nhiệm vụ, rạch ròi trách nhiệm

Đã giảm nguồn “cung” và “cầu”

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: Trong những năm qua, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nguồn ma túy vẫn chủ yếu từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam. Tội phạm ma túy rất manh động, chúng sử dụng triệt để thành tựu của khoa học, công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội nhằm đối phó lại sự phát hiện của các cơ quan chức năng, nhất là việc dùng các mạng xã hội để trao đổi thông tin, mua bán trái phép, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

cai nghien 3.jpg -0
Nhiều ổ nhóm, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia đã bị lực lượng Công an bắt giữ, triệt xóa.

Trên các tuyến trọng điểm như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam, các đối tượng trong nước câu kết với những đối tượng ở nước ngoài hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy lớn, xuyên quốc gia. Tuyến đường hàng không, bưu điện nổi lên tình trạng đối tượng lợi dụng chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa, phi mậu dịch để vận chuyển trái phép chất ma túy từ một số nước về Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển đi nước thứ 3.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo xây dựng các Phương án nghiệp vụ đấu tranh tội phạm ma túy trên các tuyến, xuyên suốt từ Trung ương tới các địa phương với phương châm chỉ đạo "phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát; đánh cả đường dây, không đánh khúc giữa, bắt được đối tượng chủ mưu cầm đầu".

Do vậy, nhiều chuyên án lớn đã được Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương triển khai bắt giữ đối tượng, thu hồi số lượng lớn ma túy tại các sân bay, cửa khẩu quốc tế. Qua những chuyên án lớn được xác lập, đấu tranh triệt xóa, đã chủ động ngăn chặn tội phạm ma túy từ bên kia biên giới, góp phần quan trọng giảm "nguồn cung" về ma túy.

Hiện nay, theo đánh giá của Bộ Công an, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy phức tạp trở lại, nhất là các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Trước kia, thay vì chỉ tập trung chọn các quán karaoke, bar để sử dụng ma túy, bay lắc, thì nay những đối tượng nghiện đã thuê các căn hộ chung cư cao cấp, khách sạn, nhà nghỉ, resort… để hoạt động. Hay như mới đây, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện tại 26 phòng của một khách sạn trên địa bàn TP Từ Sơn, có 186 đối tượng dương tính với ma túy, qua đó khởi tố 66 đối tượng. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy trái phép ở tại nhà nghỉ sinh thái trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng bị bắt giữ.

Theo đánh giá của Bộ Công an, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập liên quan đến công tác phòng, chống ma túy. Từ khi luật có hiệu lực, đã đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Kết quả đã góp phần quan trọng vào mục tiêu “giảm cầu” về ma túy. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương cần cùng chung tay tháo gỡ để công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy hiệu quả, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở.

Tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy trong nước vẫn còn lớn, đây là "nguồn cầu" về ma túy. Song song với việc giải quyết tốt “nguồn cung” thì cũng cần phải giải quyết tốt “nguồn cầu”. Việc quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy không những góp phần chủ động phòng ngừa tội phạm về ma túy mà còn làm giảm các loại tội phạm hình sự khác như trộm cắp, cướp giật, giết người…

Những khó khăn, vướng mắc trong  công tác cai nghiện

Theo thống kê, qua một năm sơ kết thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, hiện cả nước có khoảng 50.962 người sử dụng trái phép chất ma túy; 196.110 người nghiện ma túy, 15.455  người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện là 262.527 người.

Bộ Công an khẳng định, để quản lý tốt số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện, cần phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, quản lý của chính quyền, trong đó ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế giữ vai trò nòng cốt.

Trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện, đối với ngành Công an có nhiệm vụ phát hiện đầu vào, giúp cho Chủ tịch UBND cấp xã lập hồ sơ cai nghiện, lập danh sách quản lý từng đối tượng ngay từ địa bàn cơ sở. Ngành Y tế có trách nhiệm thực hiện công tác xác định tình trạng nghiện, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện toàn diện công tác cai nghiện và quản lý sau cai.

Đối với công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, qua tìm hiểu của PV, hiện nay cả nước có 8.831 bác sĩ, y sĩ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện; 4.422 số cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, cấp tỉnh 157 cơ sở, cấp huyện 627 cơ sở, cấp xã 3.638 cơ sở (chiếm 35% số xã trong toàn quốc).

Hiện, cả nước mới có 93 tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng thuộc 20 tỉnh, thành phố, còn 43 địa phương chưa tổ chức được hoạt động cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Có 97 cơ sở cai nghiện công lập, với công suất chứa trên 57.000 học viên.

Trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết, thì công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện, người bị quản lý sau cai nghiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các địa phương thiếu cơ chế vận hành, công tác tổ chức thực hiện thiếu sự kiểm tra đôn đốc, giám sát thực hiện của các ngành.

Vẫn còn tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Công an, chưa phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 138 và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng. Còn nhớ tại Hội nghị về phòng, chống ma túy toàn quốc mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được có tư tưởng “khoán trắng” công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, cai nghiện cho lực lượng Công an. Tuy nhiên, đến nay, những suy nghĩ này vẫn còn tồn tại ở một số nơi, khiến công tác quản lý người nghiện, công tác cai nghiện gặp khó khăn, kết quả chưa như mong muốn.

Bộ Công an cũng chỉ ra, hiện nay, công tác rà soát, cập nhật danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy chưa đạt hiệu quả. Sự phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến người sử dụng trái phép chất ma tuý thực hiện chưa đúng theo quy định, như việc thông báo thay đổi nơi cư trú, thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.

Nhiều địa phương cấp xã chưa có cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện do thiếu về nguồn nhân lực bác sĩ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện và cơ sở vật chất tại trạm y tế cấp xã, sự quan tâm vào cuộc của ngành Y tế địa phương chưa thực sự quyết liệt. Công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa hiệu quả do số lượng tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng còn ít.

Trong khi đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện chưa chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi