Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nhận diện hoạt động lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước

Các thế lực thù địch âm mưu biến tôn giáo thành “ngòi nổ” gây mất ổn định chính trị - xã hội hoặc thông qua vỏ bọc tôn giáo để tuyên truyền luận điệu xuyên tạc kích động, phá hoại tư tưởng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chiêu bài tôn giáo là một phần của chiến lược “diễn biến hoà bình” mà các tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam thường sử dụng nhằm kích động xu hướng chia rẽ, ly khai, từ đó phát triển thành các cuộc tuần hành, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự, tạo sự bất ổn định về chính trị - xã hội, ảnh hưởng không nhỏ sự phát triển toàn diện của xã hội. Đây cũng là cái cớ để họ công khai can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đáng chú ý, trong giai đoạn hiện nay, ngoài những hoạt động chống phá mang tính quy luật thì một trong những thủ đoạn mà số đối tượng chống đối cực đoan ở trong và ngoài nước thường tiến hành là tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số nhằm kích động tư tưởng ly khai, tự trị tại các địa bàn chiến lược về an ninh, quốc phòng. 

Thực tế cho thấy, tại các khu vực trọng yếu của đất nước như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các thế lực chống phá cực đoan ở trong và ngoài nước đã lợi dụng vấn đề dân tộc gắn với vấn đề tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, xúi giục người dân di cư tự do, biểu tình, bạo loạn gây mất ổn định chính trị nhằm tạo cớ can thiệp, phá hoại độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Nổi lên thời gian qua là các vụ việc trọng điểm xảy ra trên địa bàn Tây Bắc, trong đó tập trung ở các tỉnh như Điện Biên, Lai Châu… Dưới sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối trong nước ráo riết thực hiện mưu đồ lập ra tôn giáo riêng ở đồng bào dân tộc như lập ra “đạo Vàng Chứ” để qua đó lôi kéo, tập hợp lực lượng thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị”. Ở một số địa phương, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc, các phần tử xấu còn lợi dụng các hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo như Giê Sùa, Bà Cô Dợ, Hội thánh Đức Chúa trời, Sề Chu Hà Ly Cha và một số hiện tượng tôn giáo liên quan đến tục lễ thờ cúng các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng để tiến hành các hoạt động gây rối an ninh, trật tự. Thực tế, Giê Sùa, Bà Cô Dợ đều là tà đạo lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp phát triển lực lượng lập “Nhà nước Mông”. Thời gian qua, các đối tượng triệt để sử dụng phương thức, thủ đoạn thông qua điện thoại, mạng xã hội, các phần mềm trực tuyến để chỉ đạo số đối tượng cốt cán ở trong nước tích cực tuyên truyền, lôi kéo người Mông tại Việt Nam tham gia tà đạo nhằm kích động lập “Nhà nước Mông” với các luận điệu như: Đức Chúa trời Giê Hô Va đã chia đất cho người Mông nhưng người Mông không đoàn kết, nên đất đai đã bị các nước khác xâm chiếm; người Mông không có lãnh thổ, nhà nước riêng, suốt đời đi làm thuê cho các dân tộc khác…

Những vấn đề nêu trên đã và đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực, tạo thành những điểm nóng tôn giáo.

Hay như ở vùng Tây Nguyên trước đây, các đối tượng chống đối, cực đoan trong dân tộc cũng từng đòi thành lập đạo Tin lành Đề ga của đồng bào dân tộc bản địa để mưu đồ lập ra cái gọi là Nhà nước Đề ga độc lập. Tương tự ở Tây Nam Bộ, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chúng cũng dựng nên cái gọi là “Nhà nước Khmer Krôm” với luận điệu vu khống Nhà nước ta đàn áp sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm, trắng trợn của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại an ninh quốc gia, đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tại một số địa phương xuất hiện những mặt hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội như vấn đề đầu tư, ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa… Triệt để lợi dụng vấn đề này, các đối tượng chống đối cực đoan trong tôn giáo tìm mọi cách để ngụy tạo chứng cứ, thường xuyên tuyên truyền, xuyên tạc nhằm hạ thấp uy tín và vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các ban, ngành chức năng có liên quan. Từ đó tạo tâm lý tiêu cực, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với các cấp uỷ đảng, chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cao hơn nữa có thể kích động quần chúng tín đồ tụ tập đông người, gây rối an ninh, trật tự hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá chế độ. Không những vậy, một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo còn lợi dụng tình hình thiên tai hay đại dịch COVID-19 để tuyên truyền xuyên tạc, tạo “chiến tranh tâm lý”, gây hoang mang, lo lắng, hoài nghi trong nhân dân, nhất là việc xuyên tạc chất lượng của vaccine phòng COVID-19; xuyên tạc chính sách phòng, chống COVID-19 của Nhà nước ta; bôi nhọ các lực lượng thực thi pháp luật, hỗ trợ nhân dân chống dịch bệnh; thổi phồng những mất mát, tổn thất do dịch bệnh gây ra, quy nguyên nhân dịch bệnh do “chính quyền thờ ơ, vô cảm”, “đường lối của Đảng sai lầm”!

Mới đây, sau khi một số trang báo điện tử đưa tin về việc Mỹ tiêu hủy gần 400 triệu liều vaccine COVID-19 do vấn đề chất lượng, các đối tượng lập tức “đánh bùn sang ao”, cố tình bẻ lái sang vấn đề tiêm vaccine ở Việt Nam với luận điệu hết sức hoang đường khi ám chỉ Nhà nước ta không coi trọng sức khỏe và tính mạng của người dân, o ép người dân tiêm vaccine. Trong khi đó, thực tế đã chứng minh việc tiêm vaccine ở Việt Nam thời gian qua đã đem lại những tín hiệu tích cực, được nhân dân ủng hộ cao, qua đó đã tạo “tấm lá chắn” hữu hiệu nhất để chúng ta và nhân loại đẩy lùi dịch bệnh.

Rõ ràng, qua phân tích những vấn đề nêu trên cho thấy, chiêu bài tôn giáo được các thế lực thù địch và số đối tượng chống đối ở trong và ngoài nước triệt để lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, là vấn đề mang tính quy luật. Hiện nay, thủ đoạn lợi dụng chống phá của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, lại được che đậy bởi vỏ bọc tôn giáo nên người dân khó phát hiện. Tính chất nguy hiểm ngày càng cao khi thủ đoạn này đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng của đồng bào theo đạo. Đây sẽ là tiền đề để khi có điều kiện, có thời cơ, các đối tượng sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kích động, lôi kéo quần chúng tín đồ tham gia vào các hoạt động chống đối, vi phạm pháp luật.

Do đó, mọi chức sắc, tín đồ tôn giáo nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung hãy luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động lên án những mưu đồ xấu của kẻ địch. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh, đẩy lùi việc lợi dụng vấn đề chính trị để chống phá ra khỏi đời sống tôn giáo, góp phần làm cho các hoạt động tôn giáo trở nên thuần khiết, tốt đẹp như bản chất vốn có. Nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của người dân, phân biệt rõ hoạt động tôn giáo đúng nghĩa và hành vi lợi dụng tôn giáo để kích động chống phá của kẻ xấu. Mọi hoạt động tôn giáo phải tuân thủ giáo lý, giáo luật, tuân thủ luật pháp, đem lại đời sống đạo pháp đúng nghĩa, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho đồng bào trên cơ sở tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Nguồn: Báo Công an nhân dân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi