Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những “bông hồng thép” với nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân

Gác việc riêng để lo việc chung

Khó ai có thể ngờ, đội ngũ nữ chiến sĩ cảnh vệ đều tốt nghiệp đại học, thậm chí nhiều người có 2 bằng đại học, hoặc thạc sĩ. Họ là những bóng hồng kỳ ảo với khả năng bắn súng trăm phát như một và khoác trên mình những hạng đai võ nghệ có hạng. Nhưng khi đi bên cạnh các nữ nguyên thủ quốc gia hay những phu nhân của các nguyên thủ thì họ lại vô cùng dịu dàng. Trên gương mặt xinh xắn là đôi mắt tinh nhanh, chỉ chớp mắt đã có thể xử lý sự kiện bất ngờ xảy ra. Đặc biệt với những tình huống hiểm nguy, họ còn lấy thân mình che chở cho những chính khách được an toàn.

 

Nữ cảnh vệ Đặng Thị Hồng Nhung (ngoài cùng bên phải) tham gia tháp tùng phu nhân Tổng thống Hàn Quốc.

Mới đây tôi có dịp gặp Trung tá Nguyễn Thanh Phương, một sĩ quan cảnh vệ đã từng có 20 năm đi sát các nữ yếu nhân. Chị kể, không ít các tình huống bất ngờ đã xảy ra. Ví dụ như Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Đoàn đã từng lấy thân mình che chở cho một yếu nhân quốc tế tại Uông Bí (Quảng Ninh) khi thị xã này bất ngờ bị Không quân Mỹ ném bom năm 1966. Khi tất cả nằm xuống tránh mảnh bom, bà đã ôm kín người đó để nhận những viên gạch đá hay mảnh đạn văng trúng thân mình. Ngày đó, Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Đoàn mới 21 tuổi. Đó là tấm gương cho những nữ chiến sĩ cảnh vệ trẻ học tập mỗi khi làm nhiệm vụ. Chính Trung tá Nguyễn Thanh Phương cũng đã rơi vào tình huống bất ngờ khi bảo vệ bà Hillary Clinton trong chuyến đi khảo sát mô hình vườn, ao, chuồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Ngỡ tưởng bà Hillary Clinton chỉ nghe báo cáo và đứng từ xa ngắm nhìn, nhưng không ngờ bà đòi xuống trại lợn. Vừa yêu cầu dứt lời bà đi ngay lập tức. Ngay cả những cận vệ Mỹ riêng của bà cũng hết sức lúng túng chưa biết xử lý thế nào vì họ đều cao lớn trong khi đó mái chuồng lợn lại thấp. Lập tức nữ chiến sĩ cảnh vệ Nguyễn Thanh Phương nở nụ cười bước tới dìu bà Hillary đi vào trại lợn. Chị Phương phải quan sát từng chi tiết phía trước mặt để dẫn bà đi một cách an toàn và sẵn sàng tâm thế sẽ phải cõng vị Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ nếu chẳng may bà bị trượt chân. Hai người đi một vòng mặc trại lợn mà chẳng sự cố nào ngáng trở họ.

Nhớ lại những năm tháng sôi nổi với hàng trăm chuyến đi bất thường phải xa chồng con, Trung tá Nguyễn Thanh Phương kể: “Có những lúc nhớ tiếng con khóc đòi bú đến thắt ruột, hay đôi khi xót xa với hình ảnh chồng ở nhà ru con ngủ. Khi ấy, tôi chỉ biết nghẹn ngào với lời ca thân thuộc của mình: “Dù sương gió tuyết rơi/ Dù vắng ngôi sao giữa trời/ Hòa trái tim với tiếng ca/ Thúc ta nhịp chân bước đường xa”. Đây là bài hát chị thường biểu diễn trên sân khấu của đơn vị. Đặc biệt, Trung tá Nguyễn Thanh Phương còn là một vũ công từng đoạt nhiều Huy chương Vàng, Bạc múa đơn và múa đôi.

 

Một pha ra đòn của nữ cảnh vệ trong bài tập bảo vệ mục tiêu.

Với Trung tá Đỗ Thị Anh Cúc - Trưởng phòng Kỹ thuật bảo vệ (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) thì lại nổi trội với tay súng điêu luyện và những bước chạy đường dài đầy đam mê. Hiện chị là Thạc sĩ Hóa học chuyên làm nhiệm vụ kiểm nghiệm thực phẩm, đồ ăn thức uống. Hỏi từ nguyên cớ nào mà Trung tá Cúc lại say mê công việc phía sau như thế này, chị trả lời giản dị rằng: “Vì mình đã yêu công việc này từ khi còn nhỏ. Bố mẹ mình cũng là những sĩ quan cảnh vệ hàng chục năm qua, mình chỉ tiếp nối con đường mà bố mẹ đã làm”. Lý tưởng thời thanh niên sôi nổi của Trung tá Cúc chính là theo đuổi ngành Hóa thực phẩm để sau này được làm những công việc của cha mẹ. Từ khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa, cô sinh viên Đỗ Thị Anh Cúc đã quyết tâm trở thành một chiến sĩ cảnh vệ.

Nếu Trung tá Nguyễn Thanh Phương có vũ điệu âm nhạc sôi động thì Trung tá Đỗ Thị Anh Cúc lại có âm sắc trầm sâu. Chị Cúc luôn nhớ tới bài hát “Điều giản dị” (Phú Quang) mà chồng mình đã hát tặng khi còn cùng cắp sách đến giảng đường. Công việc của chiến sĩ cảnh vệ thường gắn với những chuyến đi xa nhà. Việc trông nom con cái và lo toan gia đình người chồng luôn gánh đỡ. Vì thế, đi đâu chị Cúc cũng nhớ đến lời hát tặng của chồng: “Người yêu ơi dù mai này cách xa/ Mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta/ Và ta biết một điều thật giản dị/ Càng xa em ta càng thấy yêu em…”. Tình yêu của người chồng luôn đồng hành và chia sẻ khiến chị xúc động và càng hăng say với công việc.

 

Nụ cười của nữ chiến sỹ cảnh vệ khi đi cùng các yếu nhân.

Thanh kiếm và lá chắn

Đội ngũ chiến sĩ nữ tiêu biểu cho sức mạnh mềm trong lực lượng cảnh vệ công an nhân dân. Họ ngày càng đông đảo và phát huy được khả năng của mình, đó là sự nhẫn nại, tinh tế và bền vững. Chính sự nhạy cảm mang yếu tố phụ nữ trong công việc khiến họ đã có nhiều thành công. Có thể kể đến nữ xạ thủ số 1, chiến sĩ cảnh vệ Vũ Thị Hạnh Ngọc (thành viên của đội tuyển bắn súng Bộ Tư lệnh Cảnh vệ). Chị Ngọc được coi là thần tài với nòng súng bắn nhanh tốc độ cao. Khói thuốc súng đã trở nên thân quen với Hạnh Ngọc qua năm tháng luyện rèn, chị được coi là tay súng bách phát bách trúng.

Bên cạnh nghệ thuật bắn súng, Đại úy Nguyễn Thanh Nga lại có những chiêu thức võ thuật nhanh đến ngỡ ngàng. Một mình người đẹp này đã hạ thủ 3 thanh niên cùng một lúc. Chẳng thế mà võ sĩ Nguyễn Thanh Nga luôn đoạt giải cao trong những cuộc thi võ thuật toàn quân. Chưa hết, cô võ sĩ còn có khả năng nói tiếng Anh thành thạo. Chính vì vậy, Nguyễn Thanh Nga đã sớm được đơn vị cử đi bảo vệ các nữ nguyên thủ và các phu nhân của các nguyên thủ quốc gia. Nổi lên gần đây còn có người đẹp Đặng Thị Hồng Nhung với chiều cao 1,74 mét.

Ngắm cô Thượng úy này trong bộ vest với vẻ lịch lãm, sang trọng, ít người ngờ được cô lại là một tay phi dao thiện nghệ. Hồng Nhung luôn giữ gương mặt cương nghị mỗi khi làm nhiệm vụ, bởi lẽ cô cần phải tập trung đón đợi những tình huống bất ngờ khi đi bảo vệ yếu nhân. Nhưng trong luyện tập các bộ môn bắn súng, karate, võ đối kháng, Hồng Nhung lại hiện ra với một gương mặt xinh tươi, hồn nhiên. Thành tích phi dao của Hồng Nhung phải nói là tuyệt đỉnh khi vào cuộc thi đã đạt tới 99%. Cô còn giành Huy chương Bạc ở môn karate đối kháng. Vì thế, những đồng đội trong đơn vị đã ví cô là “bông hồng thép”.

Khi trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Tiệc - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc nhiệm (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) nói: “Lực lượng cảnh vệ tuyển chiến sĩ nữ rất khó. Có lần xét tuyển tới 3.000 người chỉ chọn được 20 người mà thôi. Bởi lẽ nữ cảnh vệ ngoài gương mặt khả ái, cao trên 1,65 m, còn thể hiện được cái thần thái tinh anh và ứng xử thông minh. Chưa kể đến những chuẩn cơ bản như tốt nghiệp đại học và thành thạo ngoại ngữ”. Qua tiếp xúc và có dịp theo dõi những bài tập của các nữ chiến sĩ cảnh vệ, ta có thể hình dung bình thường họ đẹp như tấm lụa mỏng manh, nhưng bỗng chốc tấm lụa ấy trở thành mũi kiếm sắc bén hay tấm khiên vững chắc tiến về phía trước che hòn tên, mũi đạn. Chân dung của các nữ chiến sĩ cảnh vệ thật bí ẩn, tương phản, đầy dữ dội và đam mê.

Nguồn: Báo ANTĐ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi