Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những “mẻ thép chất lượng” (bài 1)

Tuy nhiên, bằng tình yêu với ngành, với nghề họ đã bền bỉ vượt qua những khó khăn, thử thách, miệt mài đổi mới, tìm sáng kiến trong giảng dạy, say mê nghiên cứu khoa học với mong muốn truyền thụ kiến thức, cảm hứng cho các thế hệ học viên CAND. Họ luôn trăn trở về sứ mệnh của người thầy nói chung, người thầy CAND nói riêng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Kiên trì rèn học viên chắc tay nghề, thành thạo về nghiệp vụ

Đại úy Nguyễn Trí Dũng, giảng viên Khoa Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về ma túy, Trường Cao đẳng CSND I vừa vinh dự nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Bộ Công an năm 2022. Để đạt được danh hiệu này là một quá trình phấn đấu, trau dồi phương pháp sư phạm, tích lũy kiến thức. Thầy cho tôi hay, năm 2011, tốt nghiệp Khóa D32, Học viện CSND, thầy nộp hồ sơ duyệt tuyển vào Trường Trung cấp CSND I và đã trúng tuyển, được phân công về giảng dạy tại Khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy.

Dung_2-1668562364414.jpg
Thầy Nguyễn Trí Dũng luôn cập nhật kiến thức mới nhất để có bài giảng chất lượng cho người học.

Trải qua các chức danh trợ giảng, rồi được bổ nhiệm giáo viên và hiện nay chức danh giảng dạy của thầy là giảng viên chính nhưng thầy luôn xác định, để có bài giảng có chất lượng thì người thầy phải tự học, tự rèn luyện, thường xuyên cập nhật kiến thức. Thầy học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy của các giáo viên có kinh nghiệm trong đơn vị, miệt mài nghiên cứu tài liệu của Bộ Công an, của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy; đọc để hiểu, sau đó đưa vào nội dung bài giảng những ví dụ sinh động từ thực tiễn chiến đấu của lực lượng CAND, tạo ra sự hứng thú đối với người học.

“Tôi luôn tận dụng những dụng cụ, học liệu có sẵn như máy scan để scan lại các biểu mẫu thực hành của học viên đã chuẩn bị, trình chiếu trực tiếp lên bảng tương tác điện tử, tìm ra những thiếu sót của học viên trong quá trình viết biểu mẫu để yêu cầu học viên khắc phục những tồn tại, thiếu sót. Nhờ rèn giũa cho các em cẩn thận, tỉ mỉ nên khi tốt nghiệp ra trường, các em đều nắm vững quy trình nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, viết thành thạo các biểu mẫu hồ sơ nghiệp vụ, được lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương nơi các em công tác đánh giá rất cao."

Tội phạm ma túy luôn biến đổi khôn lường và hành vi phạm tội ngày càng manh động, vì thế, đấu tranh với tội phạm này vô cùng nguy hiểm, nhưng cũng đầy vinh quang. Và thầy luôn đặt ra mục tiêu, học viên của thầy sau khi tốt nghiệp, vào thực tế chiến đấu phải có lập trường tư tưởng vững vàng, có tinh thần thép, yêu ngành, mến nghề và phải có tâm huyết, say mê với nghề thì mới đáp ứng được nhiệm vụ, góp phần bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân.

“Để giúp học viên học tập tốt nhất, tôi luôn cố gắng giúp các em nắm chắc nội dung kiến thức bài học, thực hành thành thục các kỹ, chiến thuật; thuần thục kỹ năng lập các loại biểu mẫu ngay từ trong môi trường học tập tại trường, để sau khi ra trường, các em phải là “những người lính chắc tay nghề” khi trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm”, thầy Nguyễn Trí Dũng trải lòng. Hiện nhiều học trò của thầy đã về công tác tại các địa bàn, điểm nóng về ma túy, tham gia rất nhiều chuyên án lớn. Có em còn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba vì thành tích đột xuất khi tham gia các chuyên án lớn.

Kiên trì, cần mẫn trên thao trường

Có những người thầy CAND ghi dấu ấn trên bục giảng, nhưng cũng có những người thầy để lại trong lòng học viên biết bao kỷ niệm thầy trò vất vả rèn luyện trên thao trường. Tôi muốn nói đến Trung tá Phạm Văn Cường, giáo viên Khoa Quân sự Võ thuật Thể dục thể thao, Học viện ANND. Thầy Cường cũng mới vinh dự được nhận danh hiệu giáo viên dạy cấp Bộ năm 2022. Cũng giống như thầy Nguyễn Trí Dũng, để đạt được danh hiệu vinh dự này, thầy Cường phải đạt được các tiêu chí khắt khe của Bộ Công an, cả về “tay nghề”, về kỹ năng sư phạm và năng lực nghiên cứu khoa học.

Tôi gặp thầy Phạm Văn Cường khi thầy đang có buổi thực hành bắn súng ngắn cùng với các em học viên tại trường bắn. Quả là một giờ học sôi nổi. Thầy dạy học viên kỹ năng tháo lắp súng, sử dụng súng ở các tư thế đứng, quỳ, nằm, bắn các mục tiêu với tính chất khác nhau với phong cách vừa sôi nổi, hài hước, nhưng thầy lại vô cùng tỉ mỉ, dạy các em từng chi tiết nhỏ như nâng súng sao cho đúng kỹ thuật; với mục tiêu cố định thì tâm lý ra sao, với mục tiêu ẩn hiện, người cầm súng phải đạt kỹ thuật như thế nào. Những thắc mắc của học viên đều được thầy Cường giải đáp dễ hiểu, dễ nhớ, rồi thầy “thực nghiệm”, bắn ngay trên thao trường với 2 điểm 10, khiến học viên vỗ tay ròn rã.

Tôi nhớ vào tháng 5/2022, tại hội thi giảng viên dạy giỏi cấp bộ do Bộ Công an tổ chức, bài giảng “Kỹ thuật sử dụng súng tiểu liên AK” của thầy Phạm Văn Cường đã được hội đồng giám khảo đánh giá rất cao. Đó là một bài giảng được thiết kế rất khoa học, hiệu quả; phong thái người giảng viên tốt, trên lớp thầy đã làm chủ được bục giảng, xử lý các tình huống sư phạm linh hoạt.

Bắn súng là nội dung khó, không phải kết quả lần này tốt thì lần sau sẽ tốt hơn. Thêm nữa, nhiệm vụ của người thầy là dạy học viên bắn súng để chiến đấu nên đòi hỏi cả kỹ thuật và tâm lí, nhưng mấu chốt là thạo về kỹ thuật thì tâm lí mới được củng cố. Kinh nghiệm này của thầy giáo Phạm Văn Cường được thầy đúc rúc từ 5 năm thầy học Trường Sỹ quan lục quân I, cộng thêm 5 năm nữa thầy công tác ở môi trường này, đến năm 2012, thầy chuyển về Khoa Quân sự Võ thuật Thể dục thể thao của Học viện ANND. Hơn 10 năm lăn lộn trên thao trường với học viên, lúc nào thầy Cường cũng thấy thời gian trên lớp với học viên rất quý giá vì lên lớp thầy còn học hỏi các em rất nhiều. Khi lên lớp, ngoài giáo dục về chuyên môn, thầy còn giáo dục cho học viên về chính trị tư tưởng để người học ý thức được rằng vũ khí mà họ được trang bị là tài sản của nhân dân, trách nhiệm học tập ở đây chính là trách nhiệm với dân, với đất nước, từ đó có lí tưởng cao cả phụng sự nhân dân và đất nước. Khi đã giác ngộ được điều đó, người học sẽ không cảm thấy áp lực mệt mỏi trên thao trường.

“Như tôi đã chia sẻ bắn súng là nội dung khó, nếu người thầy không thường xuyên tập luyện thì kỹ thuật sẽ bị mai một. Người giảng viên bắn kết quả thấp cũng sẽ tác động trực tiếp tới tư tưởng người học. Do đó, tôi phải cố gắng từng ngày, tự học, tự rèn luyện với cường độ rất cao. Thêm nữa, học trên thao trường luôn bị tác động bởi yếu tố ngoại cảnh, thời tiết mưa nắng thất thường, có ngày nhiệt độ luôn ở mức 40 độ C, nếu không tâm huyết sẽ rất khó có buổi giảng thành công. Do đó, tôi còn phải đọc các loại tài liệu để hiểu sâu sắc về kỹ thuật bắn súng."

Với người thầy, không hạnh phúc nào bằng sự thành đạt của học trò. Thầy Phạm Văn Cường kể lại, có sinh viên qua 2, 3 lần bắn đều không vào bia, bạn ý rất chán nản. Nhưng thầy Cường đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn học viên này cả ngoài giờ, tâm sự trò chuyện để gỡ tâm lí cho họ. Cuối cùng, bạn học viên này đã bắn được vào bia với kết quả khá tốt. Khi đó, bạn học viên này đã khóc vì xúc động. Hiện em đang công tác ở Công an tỉnh Thanh Hóa, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lại có học viên, do học khuya nhiều nên thị lực của em ngày càng kém, em không thể nhìn thấy bia. Thầy Cường đã kiên trì giảng dạy, rèn luyện “ca khó” này, cuối cùng em học viên này “về đích” một cách xuất sắc.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi