Thứ Hai, 29/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tìm giải pháp đấu tranh với tội phạm ma túy khu vực biên giới trên biển

Hội thảo do Đại tá, TS. Bùi Quang Vũ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND I chủ trì. Hội thảo này nằm trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc đề tài khoa học cấp Bộ do Thượng tá, TS. Trần Quang Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND I làm chủ nhiệm. Dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị của Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đánh giá thực trạng mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy khu vực trên biển.

Theo Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, thời gian gần đây, lợi dụng sự thông thương trong xuất nhập khẩu hàng hóa trên biển, tội phạm ma túy đã sử dụng các phương tiện vận chuyển biển để vận chuyển ma túy với số lượng lớn, gây ra những khó khăn, thách thức cho các lực lượng chức năng.


Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Mặt khác, đường biên giới trên biển rất dài (hơn 3.000km), số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm rất lớn, việc cất giấu ma túy lẫn với hàng hóa rất khó kiểm soát, bắt giữ. Công tác nắm tình hình và trao đổi thông tin tội phạm ma túy giữa các lực lượng đã được quan tâm, chú trọng, nhưng hiệu quả còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh.

Lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan triển khai điều tra cơ bản một số tuyến, địa bàn trọng điểm như: Các cảng biển Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, nhưng kết quả bắt giữ còn rất thấp.

Nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phối hợp giữa bốn lực lượng được các đại biểu chỉ ra là do việc xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp của các lực lượng ở cơ sở còn chậm, thiếu cụ thể, chưa phù hợp với tình hình; bốn lực lượng chưa tổ chức giao ban định kỳ thường xuyên; hành lang pháp lý còn nhiều chồng chéo, trùng dẫm, chậm được bổ sung, hoàn thiện, nhất là ở địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển. Biên chế lực lượng, kinh phí, phương tiện nghiệp vụ, chế độ, chính sách cho các lực lượng còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Để công tác phối hợp giữa bốn lực lượng nói trên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, nhiều giải pháp đã được các đại biểu đề xuất tại hội thảo, trong đó giải pháp trọng tâm là bốn lực lượng phải tiếp tục thống nhất nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các lực lượng trong đấu tranh phòng, chống ma túy trên biển. Đây là vấn đề quan trọng nhất, quyết định tới chất lượng, hiệu quả của hoạt động phối hợp.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh phối hợp toàn diện giữa các lực lượng trong nắm tình hình hình và triển khai công tác nghiệp vụ cơ bản; tăng cường cán bộ cho lực lượng phòng chống tội phạm ma túy và tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng các loại vũ khí, chiến thuật truy bắt đối tượng cho cán bộ chiến sỹ trực tiếp làm công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy của các lực lượng…

Trích nguồn: Báo CAND
Biên tập: Hoàng Lương (T2)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi