Xuyên Tết phá án
Khi Xuân Quý Mão đang cận kề cũng là thời điểm các điều tra viên Phòng 5, Cục An ninh điều tra bước sang cái Tết thứ hai điều tra vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và các tỉnh, thành phố có liên quan.
Sau gần một năm khởi tố vụ án liên quan đến “chuyến bay giải cứu”, tính đến 22/12/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 37 bị can và vẫn tiếp tục điều tra mở rộng. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây tác động, ảnh hưởng đặc biệt xấu đến dư luận, làm giảm lòng tin của nhân dân vào các cơ quan Nhà nước ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là cơ quan ngoại giao, y tế. Trong vụ án này, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chủ trương, chính sách nhân đạo, chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch để câu kết với các doanh nghiệp nhằm trục lợi, với số tiền thu lời bất chính rất lớn, gây bức xúc dư luận. Trong số đó, có nhiều cán bộ đảm trách vị trí cao tại Bộ Ngoại giao, hàm thứ trưởng, cục trưởng; cán bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và nhiều giám đốc doanh nghiệp.
Vào thời điểm năm 2021, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức các chuyến bay giải cứu đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta với công dân Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, ghi một dấu ấn ngoại giao điển hình về việc bảo hộ công dân. Vậy nhưng, mục đích và ý nghĩa tốt đẹp của những chuyến bay giải cứu công dân đã bị một số người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng để trục lợi với số tiền đặc biệt lớn. Vì thế, việc điều tra vụ án rất được người dân đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, kết quả phát hiện và xử lý vụ án trong thời gian qua đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ; không để “những con sâu bỏ rầu nồi canh”.
Cho đến bây giờ, lãnh đạo Cục An ninh điều tra trực tiếp cùng lãnh đạo Phòng 5 và các điều tra viên tham gia vụ án vẫn còn nhớ như in cái cảm xúc của buổi chiều muộn hôm đó. Khoảng 18h ngày 27 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, khi những phần việc cuối cùng đã hoàn tất, lãnh đạo đơn vị nhận chỉ đạo tham gia một cuộc họp, thành phần là các điều tra viên Phòng 5, Cục An ninh điều tra và Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an… Vào thời điểm đó, yêu cầu đặt ra là tập trung mọi lực lượng, phương tiện, bố trí cán bộ, điều tra viên dày dạn kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn tham gia điều tra vụ án; củng cố chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng nghi vấn liên quan… Khi những dòng chữ cuối cùng trong bản báo cáo phục vụ cho việc củng cố chứng cứ hoàn tất thì trời cũng rạng sáng. Ngay trong ngày 28 Tết, sau khi báo cáo và nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo Cục, các tổ công tác đã đồng loạt thực hiện việc bắt giữ 4 đối tượng.
Quá trình điều tra vụ án này, lãnh đạo và điều tra viên Phòng 5, Cục An ninh điều tra đã thể hiện được năng lực nhạy bén, chuẩn xác khi phân tích hồ sơ, tổng hợp, đánh giá chứng cứ; nhanh chóng xác định hành vi phạm tội để đưa ra giả thuyết điều tra đúng đắn, làm căn cứ pháp lý cho việc đề xuất, áp dụng các biện pháp điều tra, tố tụng; biện pháp nghiệp vụ bổ trợ để bắt giữ các đối tượng, thu thập được tài liệu và vật chứng có liên quan.
Trắng đêm “cân não” với tội phạm
Nhìn vào các số liệu thống kê mới thấy cường độ và áp lực công việc của cán bộ Phòng Điều tra tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh (Phòng 6), một đơn vị mũi nhọn của Cục An ninh điều tra ở phía Nam. Chỉ trong năm 2022, tập thể lãnh đạo Phòng 6 cùng đội ngũ điều tra viên đã tiếp nhận điều tra 8 vụ án, 34 bị can. Những vụ án do Phòng 6 thụ lý điều tra thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh thuận lợi là luôn được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Đảng ủy - lãnh đạo Cục và sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan, đơn vị thì quá trình điều tra các vụ án, các điều tra viên cũng phải “đối mặt” với không ít khó khăn như: Các vụ án xảy ra cùng lúc, đều thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; khối lượng công việc cần triển khai thực hiện quá lớn, địa bàn xảy ra tội phạm ở nhiều tỉnh, thành. Trong khi đó, có những thời điểm yêu cầu truy xét gấp, trong khi lực lượng điều tra viên còn mỏng, nhiều điều tra viên bị nhiễm COVID-19 phải cách ly điều trị… Tuy nhiên, với quyết tâm cao, tinh thần “thép”; sự nhiệt huyết với nghề, tập thể Phòng 6 đã đoàn kết, động viên nhau đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục tin tưởng giao phó. Đến nay đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 4 vụ với 23 bị can đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ và đối ngoại, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm..
Trong các vụ án đó, các điều tra viên Phòng 6 ấn tượng nhất là việc điều tra đường dây “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; đưa hối lộ; nhận hội lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành phố.
Hồ sơ tiếp nhận ban đầu, vụ án chỉ liên quan đến một doanh nghiệp “ma” bảo lãnh xin cấp giấy phép lao động và xin cấp thẻ tạm trú, thị thực cho 44 người nước ngoài ở lại Việt Nam. Thông tin, tài liệu của các đối tượng liên quan thể hiện trong các hồ sơ thì họ tên, địa chỉ, số điện thoại đều là giả mạo…, điều này đã gây khó khăn cho công tác điều tra, truy xét đường dây.
Một điều tra viên nhớ lại: Chỉ trong 3 ngày từ 15/3 đến 18/3/2022, trên tinh thần đối tượng khai đến đâu, phải xác minh thu thập được tài liệu để củng cố chứng cứ, kịp thời khởi tố, bắt giữ các đối tượng liên quan, khám xét thu giữ vật chứng, lãnh đạo Cục trực tiếp cùng lãnh đạo Phòng 6, các điều tra viên thực hiện liên hoàn các hoạt động điều tra đối với các đối tượng Vũ Hoài Thanh, Nguyễn Xuân Lâm, Vương Hoàng Phúc và Nguyễn Kiên Cường. Trong quá trình này, điều tra viên phát hiện thông tin về tài khoản ngân hàng mang tên “Ly Chan Hung” nhưng Cường không khai nhận. Nhận định đây là chứng cứ quan trọng, các điều tra viên đã tập trung xác minh. Trong quá trình đấu tranh với Vũ Hoài Thanh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến 22h ngày 18/3, Thanh đã thừa nhận hành vi đưa hối lộ cho Nguyễn Kiên Cường bằng cách sử dụng tài khoản của Vương Hoàng Phúc chuyển tiền vào tài khoản “Ly Chan Hung”. Với các tài liệu thu thập được, Phòng 6 không chỉ điều tra làm rõ hành vi đưa hối lộ của Vũ Hoài Thanh đối với Nguyễn Kiên Cường mà phát hiện nhiều đầu mối mới ở nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều tỉnh, thành.
Từ kết quả phát hiện, đấu tranh khai thác đối với Vũ Hoài Thanh, các bị can, đối tượng liên quan và thu thập chứng cứ, đến nay Phòng 6 không chỉ làm rõ toàn bộ đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để tổ chức cho 43 người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép liên quan chi nhánh Công ty Tuấn Lộc Phát, mà còn mở rộng điều tra, khám phá nhiều đường dây làm giả tài liệu liên quan hơn 1.500 hồ sơ trong gần 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Bình Phước xin cấp giấy phép lao động (GPLĐ) tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước. Đồng thời, khám phá ra nhiều đường dây tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép bằng thủ đoạn sử dụng GPLĐ được cấp để tiếp tục xin cấp visa, thị thực, thẻ tạm trú cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép; khám phá các đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan việc cấp GPLĐ tại Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước.
Có thể nói rằng, các vụ án do Cục An ninh điều tra thụ lý đều là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, xâm phạm an ninh quốc gia; các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Quá trình điều tra, các điều tra viên phải chịu sự tác động, chi phối từ nhiều phía, các đối tượng tìm mọi cách để mua chuộc, dụ dỗ. Đứng trước sự tác động, cám dỗ, lãnh đạo Cục, lãnh đạo Phòng và các điều tra viên Cục An ninh điều tra đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, kiên quyết đấu tranh, điều tra làm rõ vụ án và hành vi phạm tội của các đối tượng; đảm bảo phương châm “rõ đến đâu, xử lý đến đó”, “không có vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý, động viên CBCS phòng ngừa sai phạm nên đã không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong quá trình điều tra.
Với những kết quả, thành tích đạt được, trong năm 2022, Cục An ninh điều tra đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; 4 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công các hạng, 1 tập thể và 4 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 4 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND; 6 tập thể và 34 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen…
Nguồn: Báo CAND