Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Báo chí quốc tế chỉ trích việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam

Không thể chấp nhận và đứng yên nhìn cảnh những chiếc tàu cá của Việt Nam liên tục bị tàu Trung Quốc gây hấn, tấn công và đâm chìm, ngày 27/5, hàng loạt tờ báo lớn trên thế giới đã có những bài viết phân tích cặn kẽ hành động vô nhân đạo, vi phạm pháp luật của Trung Quốc và khẳng định, bằng những động thái mang tính “tiểu nhân”, Trung Quốc đang tự bôi xấu hình ảnh về nước mình và trở thành quốc gia ngăn chặn sự hòa bình, an ninh trên toàn thế giới.

Từ những bài báo phản ánh sự thật

Phải nói rằng, vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam và liên tục có những hành động gây hấn đã khiến cho cộng đồng quốc tế thực sự thất vọng về hành vi của một “quốc gia đang nổi”. Nó cũng cho thấy, Trung Quốc hành xử như một quốc gia không có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh khu vực, là một đối tác không có trách nhiệm với các cam kết đã ký…

Những bình luận như vậy liên tục xuất hiện trên các tờ báo lớn hàng đầu thế giới. Như trang tin Bloomberg chẳng hạn. Đánh giá sự kiện Trung Quốc đâm chìm tàu cá sẽ làm tăng căng thẳng với Việt Nam và là màn “đối đầu nghiêm trọng nhất của hai nước kể từ năm 2007”, bình luận viên của hãng Bloomberg khẳng định, Trung Quốc đang thực sự khiến thế giới quan ngại.

Dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, bài báo còn khẳng định: “Các hành động này hết sức nguy hiểm đe dọa mạng sống con người” và điều quan trọng nhất lúc này là “tất cả các quốc gia cần khôi phục sự ổn định trong khu vực, hành động điềm tĩnh, thận trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế và không hành động đơn phương để làm tăng căng thẳng".

Cùng chung quan điểm với trang tin Bloomberg, tờ The New York Times đã dẫn lời cựu quan chức quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, ông Dennis J.Blasko rằng, Trung Quốc nên xem xét lại những động thái của mình và cũng chấm dứt việc “tiến hành kiểm duyệt các phản ứng của người dân nước này trên các mạng xã hội về vụ việc trên” mà để cho người dân tự thể hiện chính kiến của mình. Lý do mà ông Dennis J.Blasko đưa ra là vì tại Trung Quốc, rất nhiều tờ báo nước ngoài, như trang web của The New York Times chẳng hạn, đều bị chặn và vì thế người dân nước này không được quyền tiếp cận sự thật về vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 cũng như các hành động khác của Trung Quốc…

Các hãng tin khác như AP, BBC, AFP đều thông tin cụ thể về việc 40 tàu cá Trung Quốc bao vây các tàu cá Việt Nam và sau đó, một trong các tàu cá Trung Quốc đã đâm trúng tàu cá Việt Nam, hất các cư dân xuống biển. Giới quan sát nhận định, việc thông báo với thế giới về các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc là bước đi quan trọng, nhằm giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình biển Đông. Bằng sự thật khách quan, cộng đồng báo chí quốc tế đang giúp Việt Nam có thêm tiếng nói công luận để bảo vệ chủ quyền của mình.

Bài báo đăng tải trên tờ The New York Time phản ánh những hành động gây hấn của Trung Quốc.

Đến phong trào phản đối của các ngoại giao đoàn

Về mặt truyền thông là vậy, còn trên lĩnh vực ngoại giao, cho đến nay, Việt Nam cũng liên tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Cảm động nhất là hôm 26/5, khi Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ tổ chức gặp mặt các Đại sứ thuộc đoàn ngoại giao tại Brussel, các đại sứ đại diện cho Nhật Bản, Liban, Pháp, Đức, Italy, Thụy Sĩ, Monaco, Na Uy, Brazil, Uruguay, Malawi và Đại sứ Tòa thánh Vatican tại Bỉ… đều đồng tình cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động sai trái, cần phải lên án.

Các đại sứ cũng khẳng định, hành vi này xâm phạm nghiêm trọng thềm lục địa Việt Nam, đi ngược lại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực. Hiện tại, phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) cũng đã gửi công hàm và thông cáo báo chí đến các cơ quan thuộc hệ thống của EU gồm Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và Cơ quan phụ trách đối ngoại châu Âu (EEAS), Phái đoàn các nước thành viên EU, các Đoàn ngoại giao tại Bỉ, các viện nghiên cứu và cơ quan báo chí quốc tế tại Brussels về việc này.

Trong khi đó, tại Australia, một cuộc mít tinh đã được tổ chức tại toà thị chính thành phố Sydney hôm 25/5. Đoàn biểu tình với sự tham gia của người Việt Nam đang sinh sống tại Australia, bạn bè quốc tế và  những người cũng yêu chuộng hoà bình và sẵn sàng đấu tranh vì công lý đã mặc áo cờ đỏ sao vàng, cầm cờ và giơ cao những tấm biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam được thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Và phản ứng của các nước

Theo tin từ hãng Kyodo, ngày 27/5, Nhật Bản đã hối thúc Trung Quốc kiềm chế trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, sau khi xuất hiện các thông tin cho biết một tàu cá của Việt Nam đã bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển này hôm 26/5. Còn Tổng thống Philippines Benigno Aquino thì bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể lập lại chiến thuật thăm dò dầu tại vùng biển gần bờ biển nước này. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times của Anh, ông Benigno Aquino nhận định, Trung Quốc đang "chơi trò chơi nguy hiểm" và thực hiện "chính sách ngoại giao pháo hạm", có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Nhưng có lẽ những phản ứng mạnh mẽ nhất thời điểm này chính là bản kiến nghị tại Mỹ. Tính đến chiều 27/5, đã có hơn 100.000 người đã ký vào bản kiến nghị Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông. Theo hãng AP, số người kiến nghị trên trang web của Nhà Trắng đang tăng lên nhanh chóng từng phút. Hãng AP cũng cho hay, bản kiến nghị này do một người có tên là T.D ở San Diego, California (Mỹ) đưa lên trang web của Nhà Trắng nhằm kêu gọi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam bằng việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.

Được biết, theo quy định của Nhà Trắng, một bản kiến nghị nếu muốn xuất hiện trên trang web Nhà Trắng phải có ít nhất 150 chữ ký và cần ít nhất 100.000 chữ ký để Nhà Trắng phản hồi.

Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online

Gửi cho bạn bè