Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bao phủ vaccine phòng Covid-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch, ngăn chặn đại dịch bùng phát

* Đã có 49/63 tỉnh/thành phố tiếp nhận vaccine Covid-19 đợt 2

Bao phủ vaccine phòng Covid-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch, ngăn chặn đại dịch bùng phát ảnh 1

Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho hơn 70.000 người là các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố

Đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả của vaccine Covid-19

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là một chiến dịch tiêm chủng đại trà lớn chưa từng có trước đây trên thế giới và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai chiến dịch này theo các nhóm đối tượng ưu tiên. Do các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay được nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng trong tình huống khấn cấp, phục vụ cấp bách cho phòng, chống dịch, nên khi triển khai tiêm chủng đại trà trên nhiều nhóm đối tượng, địa bàn rộng lớn có thể xuất hiện nhiều trường hợp có phản ứng thông thường sau khi tiêm; thậm chí sẽ có một số rất ít các trường hợp xuất hiện phản ứng quá mẫn nặng hoặc nghiêm trọng sau khi tiêm.

Mặt khác, tiêm phòng Covid-19 cũng như các loại vaccine khác và thuốc đều có thể gây ra các phản ứng sau tiêm ở các mức độ khác nhau. Do vậy, Bộ Y tế, WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên xác thực và cung cấp đầy đủ các thông tin khoa học, chính xác về hiệu quả, tính an toàn của vaccine phòng Covid-19, sự liên quan giữa vaccine và những phản ứng nặng sau tiêm chủng, nhất là những trường hợp xuất hiện tình trạng đông máu và huyết khối sau tiêm; cung cấp các khuyến cáo đến người dân và cộng đồng…

Tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán và nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19

Sau 1 một tháng, Việt Nam thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho hơn 70.000 người là các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố, đảm bảo an toàn tối đa theo phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”.

Theo WHO, để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tích cực bao gồm: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn…, việc sử dụng vaccine phòng ngừa chủ động càng ngày càng trở nên cấp bách tại từng quốc gia và toàn cầu. Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá hiện nay về hiệu quả, tính an toàn của vaccine phòng Covid-19, WHO khuyến cáo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, các nước cần đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng chống Covid-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng Covid-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, đặc biệt là với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng virus SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới, đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất. Xác định hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 cùng với tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch tích cực, ngay từ giữa năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh, Bộ Y tế Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước. Bộ Y tế cũng yêu cầu các nhà sản xuất trong nước khẩn trương tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 để chủ động nguồn cung.

Tiêm nhanh, không để vaccine hết hạn mà không tiêm

Ngoài hơn 117.000 liều vaccine phòng Covid-19 của Hãng AstraZeneca về Việt Nam vào cuối tháng 2-2021, ngày 1-4-2021, 811.200 liều vaccine AstraZeneca do COVAX Facility tài trợ đã về tới Việt Nam. Bộ Y tế đã phân bổ số vaccine này về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21. PGS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, đến nay đã có 49/63 tỉnh/thành phố tiếp nhận vaccine đợt 2, 14 tỉnh sẽ tiếp tục được cấp trong thời gian tới. Trong số đó, 28 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc đã tiếp nhận; tại miền Trung có 9 tỉnh (còn 2 tỉnh chưa nhận là Bình Thuận và Ninh Thuận); khu vực Tây Nguyên có 4 tỉnh đã nhận; riêng với khu vực miền Nam có 8 tỉnh đã được cấp, còn 12 tỉnh sẽ được cấp thời gian tới.

 

Tại cuộc họp Chính phủ ngày 15-4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương và Bộ Y tế “không được phép để bất cứ liều vaccine nào phải hủy do không tổ chức tiêm được”. Do đó, các địa phương không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi vaccine và thông báo rộng rãi. Về vấn đề an toàn tiêm chủng, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Việt Nam tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 theo đúng kế hoạch và hiện nay đã tiêm chủng cho hơn 73.000 người.

Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế. Ngoài ra, thời gian qua Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng.

Ngày 15-4, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng. Hiện nay, ngành Y tế đã có mạng lưới 1.500 đểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu. Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc.

Với quan điểm “tiêm đến đâu an toàn đến đó” và đảm bảo an toàn ở mức độ rất cao, thậm chí cao hơn so với yêu cầu, các chuyên gia đã phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo đó có những trường hợp phản ứng không đến mức nặng nhưng vẫn được xử lý như phản ứng nặng sau tiêm… Theo Bộ Y tế, tuy nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của WHO nhưng không vì lý do đó mà triển khai tiêm chủng chậm do thời hạn sử dụng vaccine Covid-19 của COVAX chỉ đến ngày 31-5-2021. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai tiêm nhanh, không để vaccine hết hạn mà không tiêm…

Đại diện WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vaccine là một trong những biện pháp phòng chống Covid-19. Những lợi ích mà vaccine mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, vị đại diện WHO cũng cho rằng vaccine không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện từ trước đến nay.

Bao phủ vaccine phòng Covid-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch, ngăn chặn đại dịch bùng phát ảnh 2

“Việc đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của vaccine Covid-19 tại Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của WHO. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng quốc gia để đảm bảo rằng các quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn cầu được thực hiện để đánh giá và giám sát chất lượng, an toàn và hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 đang được triển khai tại Việt Nam”.

Tiến sĩ Kidong Park (Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam)

Bao phủ vaccine phòng Covid-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch, ngăn chặn đại dịch bùng phát ảnh 3

“Đại dịch Covid-19 đã cho thấy không ai trong chúng ta được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Hiện nay, đại dịch đang bùng phát ở các nước láng giềng. Vì vậy, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới”.

Bà Rana Flowers (Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam)

Nguồn: Báo an ninh thủ đô

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi