Thứ Sáu, 22/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đằng sau quyết định đóng cửa nhà máy điện hạt nhân của Iran

Ông Gholamali Rakhshanimehr, một quan chức thuộc Công ty điện quốc gia Tavanir, cho biết nhà máy điện hạt nhân Bushehr đã bắt đầu đóng cửa hôm 19-6 và tình trạng này sẽ kéo dài "3 tới 4 ngày". Ông cảnh báo vụ việc này có thể dẫn đến tình trạng cúp điện, nhưng không nêu chi tiết.

Quyết định bắt buộc

Đây là lần đầu tiên Iran đóng cửa khẩn cấp nhà máy điện hạt nhân trên. Nhà máy này nằm ở thành phố cảngBushehr, miền Nam Iran, bắt đầu hoạt động vào năm 2011 với sự hỗ trợ từ Nga.

Hồi tháng 3, ông Mahmoud Jafari, một quan chức về hạt nhân của Iran, cho biết nhà máy trên có thể ngừng hoạt động vì Iran không thể mua được các linh kiện và thiết bị từ Nga. Nguyên nhân là các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực ngân hàng của Iran từ năm 2018.

Trao đổi với Đài Al Jazeera, nhà nghiên cứu Abas Aslani tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Trung Đông ở Tehran cho biết việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Bushehr có thể giáng một đòn vào nguồn cung điện của Iran, vốn đã căng thẳng do vấn đề đào tiền điện tử (cryptocurrency mining). 

"Trong vụ đóng cửa này, tình trạng mất điện quan trọng hơn khía cạnh hạt nhân của nhà máy. Vì những ngày này, chúng tôi thấy được việc đào tiền điện tử đang tiêu thụ điện ở Iran và điều này trước đây từng làm cúp điện", ông Abas Aslani giải thích.

Dù giới chức Iran không thông báo rõ ràng nhưng nhiều cơ quan, tổ chức truyền thông nhận định việc vận hành nhà máy gặp khó khăn do lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Từ năm 2018, nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các biện pháp hạn chế giao dịch ngân hàng đối với một số cá nhân, tổ chức nhà nước Iran. Điều này khiến nước Cộng hòa Hồi giáo gặp khó khăn trong việc chuyển tiền và các thủ tục cần thiết để mua thiết bị vận hành nhà máy. 

Các vấn đề khó khăn do các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực ngân hàng đã làm phức tạp thêm các nỗ lực vận hành lò phản ứng cũng như chi phí duy tu phải trả cho nhà thầu Nga. Vì vậy quyết định đóng cửa nhà máy điện hạt nhân tại Iran gần như là quyết định mang tính bắt buộc của nước này.

Quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Bushehr.

Nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden rất tích cực đàm phán lại Thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA)

JCPOA được cho là một thành công lớn của chính quyền Tổng thống Obama vì nó tạo điều kiện cho một cuộc đàm phán chính thức giữa các thành viên nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) và Iran nhằm ngăn chặn một quốc gia khác có vũ khí hạt nhân. 

Mối quan tâm này càng bức bách trong bối cảnh của Iran. Vì sau cuộc cách mạng năm 1979, người ta cho rằng Iran không thể là thành viên “câu lạc bộ hạt nhân”. 

Và nữa, mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và các đối thủ trong khu vực như Saudi Arabia và các đồng minh của họ, đặc biệt là Israel. Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã quyết rút khỏi JCPOA vì cho rằn Thỏa thuận không đề cập đến giải pháp lâu dài để loại bỏ các thiết kế hạt nhân của Iran và cũng không đề cập đến việc phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ các nhóm dân quân ở Trung Đông. Việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran đã gây ra áp lực nội bộ đối với nước này.

Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, dù đã tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp nhằm cứu vãn JCPOA, song cho đến nay, Mỹ và Iran vẫn đang hoài nghi lẫn nhau. Theo AFP, ngày 7-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington vẫn chưa chắc chắn liệu Tehran có thực sự muốn trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không. 

Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông Blinken nêu rõ: "Chúng tôi đã tham gia vào các cuộc đối thoại gián tiếp và vẫn chưa rõ liệu Iran có sẵn sàng thực hiện những gì nước này cần làm để trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không".

Phản ứng ngay lập tức trước tuyên bố này của người đồng cấp Mỹ, trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nêu rõ: "Iran vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có sẵn sàng hủy bỏ chính sách gây sức ép tối đa của cựu Tổng thống Donald Trump và ngừng gây áp lực kinh tế đối với Tehran nhằm làm đòn bẩy thương lượng hay không".

Đây không phải lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ thể hiện sự hoài nghi đối với Iran liên quan đến việc tuân thủ JCPOA. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, trả lời phỏng vấn kênh ABC News, ông Blinken cho biết: "Tôi nghĩ Iran biết điều họ cần làm để tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy liệu Iran có sẵn sàng và mong muốn đưa ra một quyết định để thực hiện điều đó. Đây là một phép thử và chúng tôi chưa nhận thấy câu trả lời".

Dù muốn đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân này nhưng Tổng thống Biden nhiều lần khẳng định, việc Washington trở lại tham gia JCPOA cần đi kèm với điều kiện Tehran phải tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận. 

Trong khi đó, phía Iran đề nghị Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này trước khi muốn Tehran tuân thủ trở lại các điều khoản của JCPOA. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh lưu ý, Tehran muốn Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt và không chấp nhận việc Washington gỡ bỏ lệnh trừng phạt từng phần. Cho đến nay, chưa bên nào chịu nhượng bộ trước.

Ngày 20-6 vừa qua, vòng đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna, Áo đã phải dừng lại để các bên về nước tham vấn và có thể là lần cuối để đưa ra quyết định cuối cùng. Với Iran, đây là thời điểm khá nhạy cảm, khi người dân nước này vừa mới bầu được Tổng thống mới, theo đường lối cứng rắn.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi