Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hành trình gian truân đi tìm công lý của người phụ nữ gốc Việt

Theo Hãng tin AFP, Tòa Evry cho biết họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời chiến của Chính phủ Mỹ. Các công ty bị kiện đã hành động do yêu cầu của Chính phủ Mỹ, một pháp nhân "có chủ quyền". Dù kết quả không như mong đợi, nhưng bà Nga cho biết bà và các luật sư sẽ tiếp tục kháng án. Với người phụ nữ nhỏ bé này, hơn 10 năm qua đã trải qua hành trình nhọc nhằn để đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc dioxin.

Những người ủng hộ bà Trần Tố Nga tại quảng trường Trocadero, Paris ngày 30-1-2021.

Vụ kiện lịch sử

Bà Trần Tố Nga đã trải qua hành trình gian nan chuẩn bị và theo đuổi vụ kiện từ năm 2009. Sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, bà Nga từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và bị nhiễm chất độc dioxin trong chiến tranh. Giám định y tế cho thấy sức khỏe của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng với nồng độ dioxin trong máu cao hơn tiêu chuẩn quy định.

Tháng 5-2009, bà Nga đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam (dioxin) Việt Nam ở Paris. Sau đó, với sự ủng hộ và đồng hành của luật sư William Bourdon và ông André Bouny, nhà hoạt động xã hội người Pháp ủng hộ nạn nhân da cam (dioxin) Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ.

Phải chờ đến năm 2013, Quốc hội Pháp mới khôi phục lại quyền xét xử các vụ án quốc tế của tòa án Pháp. Và bà Trần Tố Nga có đủ ba điều kiện để khởi kiện: là công dân có quốc tịch Pháp, sống tại quốc gia duy nhất có luật cho phép luật sư mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân chống lại một nước khác làm tổn hại mình và là nạn nhân chất độc dioxin.

Điều kiện tiên quyết để khởi kiện phải là nạn nhân chất độc da cam và còn sống. Rồi kết quả xét nghiệm của một phòng thí nghiệm đặc biệt ở Đức đã xác nghiệm độc tố dioxin trong cơ thể của bà.

Lúc đầu có 26 công ty hóa chất bị kiện, sau đó có một công ty trong số này đã bị bán hoặc ngừng hoạt động. Tại phiên tòa, 20 luật sư của các công ty hóa chất như Dow Chemical, Bayer-Monsanto, Harcros Chemical, Uniroyal Chemical, Thompson Hayward Chemical... có bốn giờ tranh luận, còn ba luật sư biện hộ cho bà Nga gồm William Bourdon, Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt chỉ có 1 giờ 30 phút. Ba luật sư này đã tình nguyện giúp bà Nga theo đuổi vụ kiện từ nhiều năm qua.

Tờ Le Parisien của Pháp đưa tin về vụ kiện.

Tháng 5-2013, Tòa đại hình Évry đã chấp thuận đơn của bà Tố Nga khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ. Đây là một quyết định quan trọng cho phép vụ kiện chuyển sang giai đoạn mới sau nhiều tháng bị trì hoãn vì những thủ tục tố tụng kéo dài do luật sư đại diện cho các công ty Mỹ yêu cầu tiến hành nhằm kéo dài thời gian.

Tháng 4-2014, bà Nga nhận được thông báo Tòa mở phiên đầu tiên với danh sách ra tòa của 19 công ty hóa chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Sau 19 phiên thủ tục, thẩm phán đã quyết định mở phiên xét xử vào ngày 12-10, rồi hoãn tới ngày 25-1-2021.

Đưa tin về sự kiện này, các báo đều dẫn tư liệu của các nhà khoa học Mỹ, của Hội Nạn nhân chất độc da cam (dioxin) Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhắc lại tội ác của Mỹ trong việc tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam. Hầu hết các báo đều coi đây là một vụ kiện "lịch sử" và nhấn mạnh, lần đầu tiên các công ty hóa chất của Mỹ sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam "bị ra tòa", lần đầu tiên tội hủy diệt sinh thái (Ecocide) bị xét xử, lần đầu tiên tòa án Pháp xử các công ty hóa chất Mỹ về hành động gây hại cho công dân Pháp ở nước thứ ba…

Tờ Le Nouvel Observateur của Pháp ngày 25-1-2021 viết: "Đây là vụ kiện đầu tiên trong lịch sử về tội hủy diệt sinh thái", vụ kiện "chất độc da cam", một loại "thuốc diệt cỏ" đã làm cho hàng triệu người bị nhiễm độc trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam… "Nếu thắng lợi, vụ kiện sẽ là án lệ để xem xét trách nhiệm của các công ty hóa chất Mỹ trong việc gây ra tổn hại cho sinh mạng con người và môi trường".

Tờ Libération đăng bài của tổ chức "Tập hợp vì nạn nhân dioxin Việt Nam" đã nhấn mạnh, 45 năm qua, cả Chính phủ và các công ty hóa chất của Mỹ đều không chịu thừa nhận trách nhiệm của họ đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Trong khi các cựu chiến binh Mỹ đã được bồi thường 180 triệu USD thì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chưa hề được thừa nhận theo pháp lý; đơn kiện của họ thậm chí đã bị Tòa án Tối cao của Mỹ bác bỏ, không thụ lý từ năm 2009.

Bà Trần Tố Nga và những người ủng hộ tại buổi họp báo ở Paris trước khi diễn ra phiên tòa ngày 25-1-2021.

Các báo dẫn lời bà Trần Tố Nga nói: "Tôi không đấu tranh cho bản thân tôi, mà là cho các con tôi và hàng triệu nạn nhân". Đài BBC của Anh, tờ Japan Times của Nhật Bản, tờ Bangkok Post của Thái Lan, tờ Taipeh của Đài Loan và nhiều tờ báo của Mỹ, Anh, Canada đã dẫn lời bà Valérie Cabanes, chuyên gia về luật quốc tế của Pháp cho biết, mỗi năm có tới 6.000 trẻ em ở Việt Nam bị chẩn đoán là "dị tật bẩm sinh" và "việc thừa nhận các nạn nhân thường dân ở Việt Nam sẽ tạo thành một tiền lệ pháp lý".

Triển lãm "Một nguyên đơn - Triệu nạn nhân" tại đường sách thành phố Hồ Chí Minh trưng bày tư liệu liên quan vụ kiện của bà Trần Tố Nga.

Còn đó những khó khăn

Phản ánh về cuộc tranh luận giữa các luật sư của hai bên từ ngày 25-1-2021, hãng thông tấn AFP của Pháp cho biết, tiếp xúc với hãng tin này trước khi diễn ra phiên tòa, đại diện Công ty Bayer, công ty hóa chất của Đức mới mua lại Monsanto, đã nói: "Chất da cam được sản xuất dưới sự quản lý duy nhất của Mỹ và hoàn toàn cho mục đích quân sự".

Về cuộc tranh tụng tại phiên xét xử, các báo nhắc lại luận điểm của các luật sư bào chữa cho các công ty hóa chất Mỹ nói rằng, tòa án của Pháp "không có thẩm quyền" xét xử các công ty hóa chất của Mỹ vì các công ty này "hành động theo lệnh của Nhà nước". Jean-Daniel Bretzner, luật sư của Monsanto, còn ngang ngược nói: "Chúng tôi làm theo lệnh của Chính phủ Mỹ và nhân danh Chính phủ Mỹ", và "Không thể bắt Chính phủ Mỹ ra trả lời trước tòa của nước ngoài nên các công ty chúng tôi cũng phải được miễn trừ truy tố". Còn Laurent Martinet, luật sư của Công ty Dow Chemical thì nói: "Tòa án Pháp không có quyền kiểm soát hành vi của một quốc gia khác có chủ quyền". Laurent Martinet đe dọa bà Thẩm phán Chủ tịch phiên tòa: "Đừng phạm vào cái mà tòa Giám đốc thẩm gọi là "lạm quyền".

Đáp lại các luận điểm trên, theo Le Point, Bertrand Repolt, một trong 3 luật sư bảo vệ bà Trần Tố Nga nói: Các công ty hóa chất đã nhận "mời thầu" của Chính phủ Mỹ chứ không phải là "làm theo lệnh của Chính phủ Mỹ". Trong khi đó, Amélie Lefèbrve, một luật sư khác của Văn phòng Luật sư William Bourdon và các cộng sự đưa ra bằng chứng chứng minh rằng, các công ty hóa chất Mỹ đã biết rất sớm dioxin là một chất cực độc nhưng vẫn cố sản xuất và bán loại chất độc này vì "bán loại sản phẩm này cho Chính phủ Mỹ kiếm được rất nhiều lợi nhuận".

Luật sư của Occidental Chemical Corporation cho rằng, các công ty hóa chất không thể không sản xuất theo lệnh của Chính phủ Mỹ vì có một điều luật của Mỹ bắt buộc các công ty tư nhân phải tham gia phục vụ chiến tranh nếu không sẽ bị "xử về tội hình sự". Luật sư William Bourdon đáp lại rằng, vẫn có thể bất tuân lệnh chính phủ nếu mệnh lệnh đó có tội và là một mệnh lệnh bất hợp pháp theo nguyên tắc đã được Tòa án quốc tế Nuremberg thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Máy bay Mỹ rải chất độc da cam (dioxin) tại miền Nam Việt Nam trong chiến tranh.

Các luật sư bên bị đơn còn phủ nhận mối liên hệ nhân quả giữa các bệnh mà bà Trần Tố Nga kể ra với việc phơi nhiễm chất độc hóa học. Luật sư bênh vực bà Trần Tố Nga đề nghị Tòa cho bà Nga đi kiểm tra lại sức khỏe, nhưng luật sư của các công ty đề nghị tòa không chấp nhận đề nghị đó và yêu cầu tòa kết thúc vụ kiện.

Ngày 10-5-2021, Tòa đại hình Evry (ngoại ô Paris) đã nghiêng về luận điểm của nhóm luật sư bên bị đơn, bác bỏ vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga với các công ty hóa chất đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Theo Hãng tin AFP, tòa Evry cho biết họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời chiến của Chính phủ Mỹ. Các công ty bị kiện đã hành động do yêu cầu của Chính phủ Mỹ, một pháp nhân "có chủ quyền".

Đây là một phán quyết bất lợi đối với vụ kiện của bà Nga và nhóm luật sư. Chia sẻ trước khi có phán quyết chính thức, bà Nga cho biết bà và các luật sư sẽ tiếp tục kháng án. Hành trình đi tìm công lý của bà và những nạn nhân da cam Việt Nam sẽ còn tiếp tục.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi