Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hợp tác điều tra chống trốn thuế trong vụ Hồ sơ Panama

Kế hoạch chống gian lận thuế của EU

Chủ trì cuộc họp tại Paris, người đứng đầu cơ quan thuế quốc tế của Australia Mark Konza cho biết, các quốc gia cử đại diện tới tham dự với mục đích chính là hợp tác điều tra vụ bê bối Hồ sơ Panama vừa được công bố. Thông qua cuộc họp này, giới chức các nước hy vọng sẽ đạt được đồng thuận về một cuộc điều tra chưa từng có trong tiền lệ.

Một ngày trước khi cuộc họp này diễn ra (12-4), các nước thành viên lớn trong Liên minh Châu Âu (EU) gồm Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan đã nhất trí tham gia nhóm các nước cùng phối hợp chống tình trạng gian lận thuế đang làm thất thoát hàng ngàn tỷ Euro mỗi năm.

Theo đó, EU buộc mỗi nước thành viên công bố dữ liệu kế toán và thuế của các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh thu, lợi nhuận, ngưỡng trần tính thuế mà tập đoàn đa quốc gia phải nộp tại mỗi thành viên EU. 

Cụ thể, tập đoàn đa quốc gia hoạt động kinh doanh tại EU, bất kể đến từ quốc gia nào, nếu doanh thu toàn cầu trên mức 750 triệu Euro (tương đương 850 triệu USD), sẽ phải công bố các thông tin về doanh số, kế toán và tỷ lệ đóng thuế tại mỗi nước thành viên EU cũng như ngoài khu vực này. Hiện Áo chưa đồng tình với kế hoạch này và các nước đang nỗ lực thuyết phục để chính quyền Vienna đổi luật giữ bí mật một cách nghiêm ngặt đối với hệ thống ngân hàng.

Ủy viên đặc trách về thuế của EU Pierre Moscovici và Ủy viên bình ổn tài chính EU Jonathan Hill tiết lộ, các biện pháp này đã được Ủy ban Châu Âu (EC) trình Nghị viện Châu Âu (EP) tại Strasbourg, Pháp hôm 12-4 sau nhiều tuần chuẩn bị. 

Nếu được thông qua và đi vào thực hiện, các quy định mới về thuế này sẽ tác động đến khoảng 6.000 doanh nghiệp và sẽ giúp EU lấy lại được ít nhất 80 tỷ USD tiền thuế. Tuy nhiên, để công bằng, các nước thuộc EU cũng đề nghị cho phép đại diện các công ty đa quốc gia như Amazon, Google, Facebook, Coca-Cola trình bày ý kiến của họ về các đề xuất mới này trước Nghị viện Châu Âu.

 

Cảnh sát Panama ngày 13-4 đã tiến hành khám xét trụ sở và văn phòng của Công ty Luật Mossack Fonseca để truy tìm chứng cứ làm ăn bất hợp pháp của công ty này. Ảnh: AP.

Biện pháp mạnh của các quốc gia

Trong khi đó, tại Panama, quốc gia đang trở thành tâm điểm chú ý và vừa bị đưa vào danh sách “thiên đường trốn thuế”, Tổng chưởng lý đã cho tiến hành khám xét trụ sở và văn phòng của Công ty Luật Mossack Fonseca để truy tìm chứng cứ làm ăn bất hợp pháp của công ty này.

Công ty Luật Mossack Fonseca là cái tên được nhắc nhiều đến trong vụ Hồ sơ Panama với việc thành lập 210.000 công ty ma tại 21 quốc gia để giúp khách hàng trốn thuế. Hãng BBC cho biết, cuộc lục soát được thực hiện bởi các thành viên trong đơn vị chống tội phạm có tổ chức của lực lượng cảnh sát Panama. 

Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, các dữ liệu máy tính quan trọng bị tịch thu sau đó đã được chuyển cho các công tố viên đang theo đuổi cuộc điều tra về trốn thuế và rửa tiền liên quan đến Công ty Luật Mossack Fonseca.

Trước đó, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela cũng hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước để điều tra về hoạt động rửa tiền, trốn thuế ở nước này, đặc biệt là việc Mossack Fonseca đã thành lập ít nhất 2 quỹ riêng để ngụy tạo việc chuyển tiền cho một số tổ chức quốc tế. Các tên tuổi bị lợi dụng bao gồm Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, và Quỹ Quốc tê ëbảo vệ thiên nhiên…

Hiện Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cũng đang kêu gọi giới truyền thông bàn giao Hồ sơ Panama gốc để hỗ trợ các nhà chức trách điều tra nghi án trốn thuế. Trước đó có nguồn tin cho hay Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đang lên một kế hoạch hành động 10 điểm nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế và rửa tiền.

Cùng với kế hoạch này, ông Wolfgang Schauble cũng đề xuất thực hiện một cơ chế trao đổi thông tin tự động để có thể tìm ra những người trốn thuế và ủng hộ việc “minh bạch hoàn toàn“ thay vì cách cấm các công ty ma hoạt động. Ngoài ra, chính quyền Berlin cũng có ý định trừng phạt nặng các doanh nghiệp hay ngân hàng có hành vi trốn thuế, cũng như ủng hộ việc thiết lập một “danh sách đen“ này.

Israel thì điều tra các thông tin liên quan đến 600 công ty và 2 ngân hàng lớn của nước này có tên trong Hồ sơ Panama. Còn các nhà chức trách cơ quan quản lý thuế và cảnh sát Peru hôm 11-4 đã khám xét văn phòng đại diện của Công ty Luật Mossack Fonseca, nhà riêng của người đại diện Công ty Mossack Fonseca tại Lima để tìm các bằng chứng tình nghi có liên quan tới việc trốn thuế của các công ty hay công dân Peru là khách hàng của tổ chức này...

Tổng cục Thuế Canada thì đang tìm mọi cách truy thu 2 tỷ USD, tiền thuế thất thoát trong 5 năm qua, chủ yếu từ các nguồn tiền được cất giấu ở nước ngoài để trốn thuế trong nước.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi