Căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đang ngày một leo thang liên quan tới hoạt động trái phép của tàu cá Trung Quốc trong bối cảnh lực lượng Cảnh sát baaển Hàn Quốc quyết tâm trấn áp.â
Cảnh sát biển Hàn Quốc gọi loa, bắn cảnh cáo nhưng những chiếc tàu cá Trung Quốc tới giải vây đồng nghiệp không chịu thoái lui, thậm chí còn định đâm va. Tình huống nguy hiểm xuất hiện và phía Hàn Quốc lần đầu sử dụng vũ khí để giải tán tàu cá Trung Quốc.
Vụ việc trên thực sự đã khiến Trung Quốc giận dữ và hồi cuối tuần qua, Bắc Kinh đã triệu một nhà ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc để trao công hàm phản đối việc Seoul sử dụng súng máy trấn áp tàu cá nước này.
Tàu cá Trung Quốc bị Cảnh sát biển Hàn Quốc bắt giữ, neo đậu ở Incheon
hồi tháng 10-2016. Ảnh: Reuters.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: “Việc sử dụng các loại vũ khí sát thương cao có thể dễ dàng gây thương vong và tổn thất tài sản lớn. Phía Trung Quốc một lần nữa yêu cầu phía Hàn Quốc kiềm chế trong quá trình chấp pháp, quy phạm hành vi chấp pháp, không được sử dụng bất kì biện pháp nào quá khích gây nguy hại cho ngư dân Trung Quốc” và rằng, hoạt động đánh cá bất hợp pháp không nên là lý do để chính quyền Hàn Quốc, trong đó có tuần duyên, sử dụng vũ khí.
Bên cạnh đó, để trả đũa lại hành động của Hàn Quốc, tại cuộc đối thoại lãnh đạo doanh nghiệp và cựu quan chức chính phủ cấp cao Trung Quốc – Nhật Bản lần thứ 2 được tổ chức ở Thủ đô Bắc Kinh trong hai ngày đầu tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi thúc đẩy sự ủng hộ của người dân đối với việc cải thiện quan hệ song phương Trung – Nhật.
Trước đó, sau vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cảnh sát biển Hàn Quốc hôm 7-10, Chính phủ Hàn Quốc đã ra quy định nếu tàu cá Trung Quốc cản trở việc thi hành nhiệm vụ chính đáng, trong tình huống cần thiết, cảnh sát biển nước này có thể sử dụng vũ khí và quy định này lần đầu tiên được áp dụng trong một trường hợp cụ thể ngày 1-11.
Đội tác chiến cơ động thuộc lực lượng Cảnh sát biển miền Trung Hàn Quốc đã bắn từ 600 – 700 phát đạn súng máy trong khi lực lượng này tổ chức bắt 2 chiếc tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt phi pháp và hơn 30 chiếc tàu cá khác của Trung Quốc ở xung quanh tiến tới đe dọa.
Cảnh sát biển Hàn Quốc cho biết, trong vụ việc này không có tàu cá Trung Quốc nào bị chìm, nhưng không rõ tình trạng tổn hại của tàu cá và ngư dân Trung Quốc có bị thương vong hay không. Tới khoảng 16h ngày 2-10, hai chiếc tàu cá Trung Quốc bị bắt đã được áp giải về cảng của cảnh sát biển ở Incheon.
Bên cạnh việc đánh bắt cá trái phép thì quyết định của Hàn Quốc hồi tháng 7-2016 về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở nước này cũng đang làm cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul xấu đi. Quyết định của phía Hàn Quốc đã dẫn đến việc ngừng tất cả các cuộc hội đàm quốc phòng cấp cao Hàn-Trung.
Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ rằng, cuộc gặp dự kiến giữa Bộ trưởng Quốc phòng nước này Han Min-koo và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã bị hoãn lại.
Ngoài ra, cuộc hội đàm chính sách chiến lược quân sự cấp Thứ trưởng Quốc phòng giữa hai nước, vốn được tổ chức hằng năm kể từ năm 2011, về các chủ đề như trao đổi nhân sự, liên lạc thông qua các đường dây nóng quân sự trong trường hợp nổ ra khủng hoảng bất ngờ và thảo luận về các vùng nhận dạng phòng không của hai bên, cũng đã bị hoãn.
Các quan chức cấp cao của Trung Quốc vẫn luôn cảnh báo rằng, THAAD sẽ làm hại mối quan hệ giữa hai chính phủ và hai quân đội, vốn đang phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trong những năm gần đây.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, việc các mối quan hệ quân sự giữa hai nước trở nên xấu đi có thể ảnh hưởng không tốt đến khả năng của Hàn Quốc trong việc đối phó với các hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên trong thời gian tới.
Trích nguồn: Báo CAND
Biên tập: Hoàng Lương (T2)