Thứ Hai, 29/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nhà tù bí mật của CIA ở Litva

Một nhà kho tưởng chừng rất bình thường, với hành lang dài và các phòng không cửa sổ, bên trong trải thảm và gắn cửa cách âm, lại từng là một trung tâm giam giữ khét tiếng của CIA ở Litva. Nhưng giờ đây, nó đang được chính quyền sở tại rao bán.

Nơi bị chối bỏ

Sau vụ tấn công khủng bố 11-9, CIA đã ráo riết truy bắt các thủ lĩnh hàng đầu của al-Qaeda, đồng thời xây dựng một chương trình thẩm vấn những kẻ khủng bố nhằm thu thập thông tin về vụ tấn công tiếp theo.

1.jpg -0
Bên ngoài nhà tù ở Litva.

Ngày 14-12-2014, một Ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ về tình báo đã công bố một bản tóm tắt điều tra dài 500 trang có nhan đề “Nghiên cứu về chương trình bắt giữ và thẩm vấn của Cơ quan Tình báo Trung ương”. Văn bản này dài hơn 6.700 trang và vẫn được phân loại tuyệt mật không được tiết lộ chi tiết ra bên ngoài. Tuy nhiên, việc phát hành Bản tóm tắt điều tra đã tiết lộ các tình tiết mới và cung cấp một lượng lớn thông tin cho Tòa án Nhân quyền châu Âu. Tòa án Nhân quyền châu Âu quan tâm rất nhiều đến các thông tin của CIA như các hoạt động giam giữ bí mật điều tra bất thường, các tổ chức đối tác hay người hợp tác ở ngoài lãnh thổ Mỹ, cũng như hoàn cảnh của một số người bị giam giữ, bao gồm cả “tù nhân vĩnh viễn” nổi tiếng Abu-Zubaydah.

Khi đó có nhiều nguồn tin điều tra cho biết, chính phủ Mỹ đã giam giữ khoảng 100 nghi phạm khủng bố tại những nhà tù bí mật bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ như Afghanistan, Ba Lan, Romania, Litva, Thái Lan...

Nhà tù tại Litva được đặt tên là “Vùng tím” và “Dự án số 2”, giam giữ các chiến binh Hồi giáo bị bắt giữ trong các cuộc xung đột quân sự ở Afghanistan và Iraq. Có hàng chục phòng giam trong các tòa nhà không có cửa sổ và được gia cố cách âm đặc biệt. Tuy nhiên, hiện giờ chúng đang bị bỏ trống và sẽ sớm được rao bán. Quỹ bất động sản của Chính phủ Litva, nơi xử lý các tài sản nhà nước không còn dùng đến, đang chuẩn bị rao bán nhà tù này ra thị trường, nhưng vẫn chưa quyết định mức giá.

Cho đến nay, Washington vẫn che giấu thông tin về chương trình đặc biệt nhằm đưa những người bị nghi là phiến quân Hồi giáo bắt được ở Afghanistan và Iraq vào những nhà tù không thuộc quyền tài phán của Mỹ. Chính phủ Litva cũng chưa từng thừa nhận tòa nhà này là nhà tù bí mật của CIA. Họ nói với truyền thông rằng đây là một “trung tâm thu thập tin tình báo” cộng tác cùng CIA.

Vụ việc của Abu-Zubaydah

Những gì được miêu tả trong bản báo cáo về CIA kể trên có thể khiến nhiều người rùng mình.

Bắt đầu với tù nhân Al-Qaeda cấp cao đầu tiên của CIA là Abu Zubaydah. Zubaydah bị bắt ở Pakistan 6 tháng sau vụ khủng bố 11-9-2001. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các luật sư của chính quyền Tổng thống Bush đã cố gắng biện minh cho hành vi bắt giam bằng việc tuyên bố Zubaydah là một nhân vật cấp cao trong tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Tuy nhiên, có thông tin cho rằng Zubaydah không phải là thành viên của tổ chức này và chưa bao giờ bị buộc tội liên quan đến vụ khủng bố 11-9-2001. Trong phần lớn thời gian kể từ khi bị bắt, Zubaydah đã bị giam riêng, một phần do CIA muốn ngăn chặn các chi tiết về việc tra tấn bị công khai. Sau đó Zubaydah được xác định là bị giam giữ tại nhà tù bí mật ở Litva. Các tù nhân khác bị giam giữ tại địa điểm này bao gồm Khalid Sheikh Mohammed, kẻ tự nhận là chủ mưu của vụ tấn công ngày 11-9-2001.

Nhà tù này đã bị đóng cửa vào năm 2006 sau khi Litva từ chối tiếp nhận tù nhân thứ ba, Mustafa al-Hawsawi, vào bệnh viện. Cả ba người đàn ông vẫn đang bị giam giữ tại nhà tù ở Vịnh Guantanamo.

Nhiều nhà nghiên cứu gọi Zubaydah là “tù nhân vĩnh viễn” của Mỹ do trong 20 năm bị giam giữ đã qua, tù nhân này không hề được chính phủ Mỹ buộc tội chính thức nhưng vẫn bị giam giữ.

Abu Zubaydah đã bị giam trong một căn phòng toàn màu trắng và được thắp điện sáng 24/24 giờ. Đôi khi người này cũng không được ngủ bằng cách bị thẩm vấn liên tục. Ít nhất năm nghi can đã bị lâm vào tình trạng “ảo giác nhiễu loạn”, nhưng ít nhất hai trường hợp trong số này bị CIA tiếp tục dùng phương pháp kể trên.

Vào ngày 14-7-2011, Abu Zubaydah đã nộp đơn chống lại Cộng hòa Litva theo Điều 34 của Công ước Bảo vệ Nhân quyền và Quyền tự do Cơ bản lên Tòa án Nhân quyền châu Âu, do bị ngược đãi và tra tấn trong khi bị giam giữ. Phiên điều trần tại tòa được tiến hành vào tháng 6-2016. Bản án chính thức với nhà chức trách Litva được đưa ra vào tháng 5-2018 dù nước này liên tục phủ nhận việc cho phép Mỹ giam giữ tù nhân bí mật trên lãnh thổ của mình. Tòa án nhân quyền châu Âu không thể ra phán quyết với Mỹ nhưng đã yêu cầu Litva bồi thường 100.000 Euro cho Abu Zubaydah.

Mãi tới gần đây, vào tháng 1 vừa qua, Chính phủ Litva mới chấp nhận thi hành bản án của Tòa án Nhân quyền châu Âu. Động thái bồi thường của chính phủ Litva đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cách đối xử với Zubaydah. Các luật sư của Zubaydah tin rằng có rất ít khả năng Litva thực hiện việc chi trả tiền bồi thường mà không có sự chấp thuận của Mỹ.

“Động thái này phù hợp với ý kiến cho rằng Mỹ đang “mềm hóa” quan điểm của mình đối với việc giam giữ các tù nhân vĩnh viễn”, Mark Denbeaux, một trong những luật sư của Zubaydah, cho biết.

Tin tức về khoản thanh toán của Litva được đưa ra chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm 20 năm của nhà tù quân sự tại Guantanamo, nơi tiếp nhận những người bị giam giữ đầu tiên vào ngày 11-1-2002.

Số tiền mà Litva chuyển đến hiện đã nằm trong tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên Zubaydah không thể nhận số tiền trên do đang bị giam giữ ở Guantanamo và tài sản của tù nhân đã bị Mỹ đóng băng.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi