Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Palermo - Từ “thủ phủ mafia” đến thành phố văn hóa

Nhắc đến đảo Sicily và thành phố Palermo, người ta sẽ nhớ ngay tới lãnh địa của các ông trùm mafia. Dù nơi đây có sự tồn tại của nhiều tập đoàn mafia khác nhau, nhưng Cosa Nostra - băng đảng từng chiếm vị trí số một trong “thế giới ngầm” tại Italia vẫn luôn được nhắc đến như “nỗi xấu hổ” của người dân nơi này.

Theo các nhà dân tộc học, Cosa Nostra chính thức được biết đến từ những năm 60 của thế kỷ XIX, trùng vào thời điểm ra đời của vương quốc Italia. Ban đầu, các thành viên của băng đảng này thuộc nhóm những người quản lý đất đai cho giới quý tộc. Sau đó, hệ thống phong kiến châu Âu sụp đổ, đảo Sicily rơi vào tình trạng vô luật pháp, những người này đã ngấm ngầm thiết lập một hệ thống liên minh quyền lực bí mật, tích hợp kiểm soát từng khu vực đất đai, thu thuế bảo kê từ người dân và giới kinh doanh.

Tuy nhiên, phải đến giai đoạn 1943-1969, Cosa Nostra mới hợp thức hóa và có cơ hội vùng lên. Chúng được Mỹ và quân đồng minh trưng dụng cho việc chỉ điểm cũng như thu thập thông tin tình báo trong nước. Ngoài ra, chúng còn được trang bị các loại vũ khí tối tân để canh phòng các bến cảng và doanh trại của Mỹ khỏi sự phá hoại của quân phát xít. Khi đã “đủ lông đủ cánh”, Cosa Nostra lại lao vào mở rộng các hoạt động bất hợp pháp khác như mại dâm, buôn bán hàng cấm, heroin...

Đặc biệt, băng đảng này bắt đầu cấu kết với các chính trị gia và lợi dụng cơ hội để tiếp tục vươn vòi bạch tuộc vào thị trường bất động sản. Năm 1961, ông trùm Stefano Bontade của Cosa Nostra dưới sự bảo trợ của Thị trưởng Palermo lúc bấy giờ là Salvo Lima, đã gây ra sự bùng nổ về hạ tầng và phá hủy vành đai xanh của thành phố.


Hiện trường vụ nổ bom xe trả thù thẩm phán Borsellino của tên trùm Totò.

Khi nắm được thông tin về đề án quy hoạch tôn tạo các tòa nhà, khu di tích bị hư hại sau chiến tranh, Cosa Nostra sử dụng chiến thuật “quân xanh quân đỏ”, khiến các nhà thầu xây dựng lớn đều bị gạt phăng. Kết quả là chỉ trong vòng 5 năm, chúng đã thắng gần 3.000 dự án đấu thầu về hạ tầng, xây nên những “khối bê tông xám xịt” và xuống cấp chóng mặt, làm cuộc sống người dân Palermo trở nên khốn đốn.

Nhưng, thời kỳ lộng hành của Stefano Bontade và đồng bọn đã chấm dứt sau vụ thanh trừng lực lượng, cầm đầu bởi ông trùm khét tiếng Salvatore (Totò) Riina năm 1981. Hắn cùng đồng bọn tiếp quản cơ ngơi ở Palermo và thao túng Siciliy về mọi mặt. Động chạm đến các phi vụ của chúng thì dù có là chính trị gia hay dân thường đều sẽ bị kết liễu, bởi Salvatore Riina xuất thân là kẻ giết người thuê từ năm 19 tuổi.

Tuy nhiên, mỗi khu vực trên thế giới, ở một giai đoạn nào đó trong lịch sử, sự phẫn nộ của chính quyền và người dân sẽ đạt tới đỉnh điểm khi bị các thế lực khác đe dọa tới đời sống, tính mạng. Và giới hạn đó của Palermo chính là ngày 24-7-1992, cuộc chiến tranh chống lại mafia chính thức ở giai đoạn cao trào sau khi hàng loạt chánh án và cảnh sát trong các chiến dịch điều tra trước đó bị giết.

Điển hình là hồi tháng 5-1992, chiếc ô tô của thẩm phán Giovanni Falcone - kẻ thù số một của tên trùm mafia Totò đã phát nổ. Hơn 300kg thuốc nổ được Totò ra lệnh cho đàn em sử dụng, đã lấy đi tính mạng của hai vợ chồng thẩm phán cùng 3 sĩ quan hộ tống và nhiều người dân vô tội khác. Hai tháng sau, bạn thân của ông là thẩm phán Paolo Borsellino - chánh án trong nhóm điều tra vụ tinh chế ma túy của Totò cũng bị giết, tương tự theo cách mà chúng đã áp dụng với ông Giovanni Falcone. 5 sĩ quan cảnh sát hộ tống cũng đã thiệt mạng.

Thời điểm đó, "Palermo - một Beirut thứ hai" chính là tiêu đề ăn khách trên trang nhất của một loạt tờ báo hàng đầu Italia và thế giới, bàn về các vụ trả thù rúng động của tên trùm "khát máu" Totò. Sau đợt cao điểm này, Totò đã bị bắt hồi tháng 1- 1993 và bị kết án tù chung thân vì nhiều tội danh, trong đó có tội giết người.

Là một tổ chức ngầm quy mô và quy củ, Cosa Nostra đã ngay lập tức bầu ra thủ lĩnh mới là Bernardo Provenzano - tay chân thân cận nhất của Totò Riina. Tên này đã từng nổi danh qua tiểu thuyết “Bố già” của tác giả Mario Puzo với những "luật rừng" đẫm máu và vô nhân tính.

Dù phải điều hành Cosa Nostra trong tình trạng lẩn trốn truy nã, nhưng tổ chức này vẫn rất phất và vươn sang tận thị trường Mỹ. Mãi đến năm 2006 hắn mới sa lưới và bị tống giam chung thân với chế độ giám sát đặc biệt 24/24 tại một nhà tù ở Terni, miền Trung Italia. Vụ việc trên cùng những bộ luật hà khắc được ban hành sau này để ngăn chặn sự vươn vòi của “bạch tuộc” mafia đã khiến Cosa Nostra suy yếu dần.

Một Palermo được UNESCO đề cử

Attilio Bolzoni, một nhà báo của tờ La Repubblica (Italia) - người sống ở Palermo suốt 25 năm chia sẻ: "Tôi đã từng tới Afghanistan, Balkans hay kể cả Iraq, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi đến thế khi tác nghiệp tại Palermo, trong những năm chính quyền nơi đây tuyên chiến với mafia. Chúng ở khắp mọi nơi, trên mọi nẻo đường, trong các cửa hàng, ngân hàng... Chẳng có giờ giới nghiêm nào hết, ấy vậy mà cứ khoảng từ 6 giờ tối trở đi, các quán cafe vắng tanh. Và mỗi lần chuông điện thoại reo lên, tôi biết rằng chắc chắn có tin thông báo ai đó đã bị giết, một nhà báo, một điều tra viên hay một thẩm phán nào đó”.

Với nỗi ám ảnh giống với nhà báo Attilio, rất nhiều người đã nghĩ rằng Palermo sẽ không thể quay trở lại xuất phát điểm. Tuy nhiên, cũng chẳng ai có thể ngờ thành phố này không những được vực dậy mà còn đang trên đà phát triển như hiện nay. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và nguời dân nơi đây đã trở thành "thương hiệu" có một không hai trong khu vực Địa Trung Hải.

Tháng 7 vừa qua, Trung tâm Lịch sử Palermo đã vinh dự được lọt vào danh sách đề cử công nhận di sản văn hóa thế giới của UNESCO sau khi tuyển chọn bởi những quy định rất khắt khe. Ngoài ra, trung tâm lịch sử này cũng được chọn làm địa điểm tổ chức triển lãm Manifesta năm 2017 - triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất châu Âu.

Một trong số những người có công lớn nhất đưa Palermo trở về quỹ đạo của nó chính là Thị trưởng Leoluca Orlando. Ông là thị trưởng 69 tuổi nổi tiếng nhất Italia vì là người lãnh đạo chiến dịch truy bắt thành công tên trùm Totò Riina và rất được lòng dân trong suốt 17 năm (3 nhiệm kỳ không liên tiếp) điều hành thành phố này. Có lẽ vì xuất thân là tiến sĩ ngành luật, thành thạo 5 ngôn ngữ và từng đi học hỏi nhiều quốc gia trên thế giới nên ông có cách nhìn bao quát, đường hướng rõ ràng, cùng một cái tâm sáng.


Trung tâm lịch sử Palermo - điểm đến được UNESCO đề cử di sản văn hóa thế giới 2018.

Trong một bài phỏng vấn trên nhật báo La Repubblica năm 1992, ông đã phát biểu rằng: "Khi các tên trùm ung dung tự tại thưởng trà trong những ngôi nhà sang trọng thì tay sai của chúng sẵn sàng giết chết hàng loạt những người dân không nộp thuế bảo kê ở trung tâm của Palermo, gieo rắc cái chết cho biết bao thanh niên bằng ma túy. Đấu tranh diệt mafia là vấn đề mang tính lâu dài, phải có chiến lược và tôi không sợ bất cứ điều gì cả. Tôi quyết tâm sẽ bắt bằng được tên cầm đầu - quân bài domino quan trọng nhất”.

Nhiều quy định đặc biệt đã được thông qua và ban hành dưới các nhiệm kỳ của Thị trưởng Orlando để chống lại các ông trùm mafia và đồng bọn. Các hình phạt đề ra rất nghiêm ngặt và hà khắc, đồng thời khuyến khích những kẻ đồng đảng trở thành người cung cấp thông tin bí mật cho chính quyền, đổi lại chúng sẽ được giảm nhẹ tội hoặc quản thúc thay cho việc ngồi tù.

Hiện tại, mafia Sicily đã rơi vào thoái trào, tạo cơ hội để nơi đây phát triển, dù sẽ cần rất nhiều thời gian. Một phần ngân sách chưa từng được công bố từ việc tịch thu hàng hóa và tài sản của những ông trùm mafia trị giá khoảng 30 tỷ Euro đã và đang được đầu tư vào những dự án xã hội, môi trường, hạ tầng... Những vết sẹo do mafia gây ra hiển hiện ngay trong kiến trúc của thành phố đang được tu bổ dưới sự giám sát chặt chẽ từ chính quyền và giáo sư hàng đầu Italia về quy hoạch Maurizio Carta.

Một ví dụ điển hình của sự phục hồi tại Palermo chính là bến cảng La Cala. Nơi đây được coi là biểu tượng của sự tái sinh với hàng trăm du thuyền cập bến và neo đậu, đón hàng ngàn lượt khách thăm quan du lịch mỗi ngày. Công trình này cũng đã giúp giáo sư Carta giành được giải thưởng kiến trúc đột phá của năm 2015.

Ở Ngoại ô Palermo, nơi thẩm phán Giovanni Falcone bị ám sát, một cánh đồng tịch thu từ một tên mafia địa phương đã được xây dựng trở thành khu vui chơi cho trẻ em khuyết tật rộng 25.000m2, với đầy đủ các loại mô hình thông minh và cây ăn quả. Khoảng 800 biệt thư sang trọng thu giữ ở các khu vực lân cận trong nhiều chiến dịch truy quét đã trở thành trụ sở của phong trào hướng đạo cho người dân Sicily.

Hơn nữa, nhờ vào những chính sách ưu đãi trong giáo dục, Palermo nói riêng và Sicily nói chung còn thu hút rất nhiều sinh viên trong khối Liên minh châu Âu và quốc tế đến theo học. Đại học Palermo hay Đại học Catania đã thành lập hẳn một trung tâm sinh viên quốc tế, hàng năm tổ chức xét tuyển và trao học bổng cho những học sinh, sinh viến có kết quả xuất sắc muốn theo học, nghiên cứu tại các khoa của trường.

Palermo cũng trở nên xanh hơn với những chiếc xe chạy bằng điện và hệ thống tàu điện ngầm nối từ ngoại ô vào thành phố. Tất cả những điều này có vẻ bình thường ở Amsterdam, Zurich hay Oslo, nhưng ở một thành phố mà trong quá khứ mọi thứ bị đình trệ như Palermo thì đó không hề là một thành công nhỏ.

Ngày nay, những tên trùm có “số má” nhất đã bị bắt giam, nhưng Palermo vẫn còn một quãng đường dài phải đi và Thị trưởng Orlando vẫn thường động viên người dân Palermo rằng: "Thế hệ mafia kế tiếp vẫn kiểm soát một số doanh nghiệp, nhưng lực lượng và tầm kiểm soát của chúng đã bị suy yếu. Chúng ta hãy tự hào vì mỗi ngày, thành phố văn hóa Palermo là điểm dừng chân của biết bao du khách, cũng như những con nguời muốn chọn nơi này để lập nghiệp".

Trích nguồn: Báo điện tử ANTG
Biên tập: Hồng Sơn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi