Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Vũ khí hạt nhân - lá bài chiến lược của CHDCND Triều Tiên
Một tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên.

Chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thực sự bắt đầu vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Tốc độ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên có lúc được đẩy nhanh có lúc lại bị chậm lại tùy theo tình hình kinh tế, chính trị và khó khăn kỹ thuật.

 

 

Cũng có lúc Bình Nhưỡng “tận dụng” các cuộc đàm phán làm khoảng thời gian thúc đẩy chương trình này, đặc biệt là khi Mỹ đang bận bịu tại Trung Đông trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bush. Một trong những cơ sở hàng đầu cho chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là lò phản ứng hạt nhân nước nặng Yongbyon.

Nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 90km, lò phản ứng Yongbyon được xây dựng vào năm 1963 dưới sự giúp đỡ của Liên Xô, với công suất 5MW là nơi Bình Nhưỡng tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng để lấy plutonium chế tạo bom nguyên tử.

Tháp làm lạnh của lò phản ứng Yongbyon từng bị chính CHDCND Triều Tiên phá hủy vào ngày 27-8-2008. Động thái  này diễn ra sau khi Bình Nhưỡng trao báo cáo chi tiết về chương trình hạt nhân cho Trung Quốc, nước chủ trì các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đáp lại, Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố dỡ bỏ một số biện pháp cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên. Nhưng sau đó cuộc đàm phán hạt nhân lại đi vào bế tác và Yongbyon tiếp tục hoạt động trở lại.

Theo một báo cáo của Tình báo Mỹ, công suất tái chế Plutonium tại cơ sở Yongbyon đạt khoảng 6kg/năm, sau khi được tái khởi động vào năm 2009 hiện nhờ vào lò phản ứng tại đây, Bình Nhưỡng đã có khoảng từ 24 đến 42kg plutonium kim loại, một phần trong số này đã được sử dụng cho các loại vũ khí hạt nhân chế tạo vào giai đoạn 2006 đến 2009.

Vào tháng 2-2016, trong một báo cáo trình lên Thượng viện Mỹ, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper tuyên bố . “Chúng tôi phát hiện CHDCND Triều Tiên đã tái khởi động lò phản ứng plutonium từ lâu để có thể bắt đầu sử dụng plutonium trong vài tuần hoặc tháng tới”.

Bên cạnh cơ sở Yongbyon với dây chuyền sản xuất plutonium, chương trình hạt nhân CHDCND Triều Tiên được cho còn một nhánh phụ khác, đó là các cơ sở làm giàu Uranium. Về mặt kỹ thuật, khác với plutonium có khối lượng nhẹ nhưng khó chế tạo, uranium làm giàu tới cấp độ vũ khí được cho là loại nguyên liệu dễ chế tạo hơn. Việc sử dụng cả hai loại nguyên liệu hạt nhân là một phương án vốn dĩ được nhiều cường quốc hạt nhân lựa chọn.

Trong thực tế, quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima, Nhật Bản sử dụng uranium-235 trong khi quả còn lại ném xuống Nagasaki lại dùng plutonium. Phương pháp chế tạo vũ khí hạt nhân dựa trên uranium làm giàu bằng cách tách lọc đồng vị uranium -235 cần có các máy ly tâm và Bình Nhưỡng đã tìm cách có được những cỗ máy như vậy từ chính một quốc gia đồng minh của Mỹ là Pakistan.

Pakistan đã đầu tư rất nhiều cho chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Hướng đi của Islamabad là sử dụng uranium làm giàu làm nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử. Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Pakistan là tiến sỹ Abdul Qadeer Khan đã có được sơ đồ chế tạo máy ly tâm từ Hãng Urenco (châu Âu). Ông Khan sau đó đã chuyển giao các máy ly tâm cho Bình Nhưỡng để đổi lại công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo.

Dựa vào các máy ly tâm được tiến sỹ Khan chuyển giao cũng như tự chế tạo trong nước, hiện CHDCND Triều Tiên được cho là đang sở hữu một kho nguyên liệu uranium làm giàu tới cấp độ vũ khí đủ sẵn sàng sản xuất bom nguyên tử bất kỳ lúc nào.

Cụ thể, theo giáo sư Siegfried Hecker, một giảng viên Đại học Standford-chuyên ngành về An ninh và Hợp tác Quốc tế (CISAC), ước tính Triều Tiên có thể làm giàu khoảng 150kg uranium trong 1 năm, ở thời điểm hiện tại, Bình Nhưỡng có khoảng 300-400kg vật liệu, đủ sản xuất khoảng 12-16 quả bom nguyên tử.

Với kho nguyên liệu hạt nhân gồm cả plutonium tái chế và uranium làm giàu, Bình Nhưỡng đã tiến hành cả thảy 5 lần thử nghiệm vũ khí nguyên tử. Vụ thử đầu tiên được tiến hành vào 8-10-2016, lần thử thứ 2 diễn ra vào ngày 25-5-2009 và lần 3 là vào ngày 12-2-2013.

Mỗi lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân đều gặp phải sự phản đối kịch liệt từ một số quốc gia láng giềng. Sức công phá của các vụ thử cũng mạnh dần lên. Trong vụ thử mới nhất hôm 9-9 vừa qua có sức công phá đã đạt tới 20kt (tương đương 20.000 tấn thuốc nổ) gây ra một cơn địa chấn mạnh 5,3 độ richter tại bãi thử Punggye-ri.

Bình Nhưỡng còn được cho là đã tìm cách chia sẻ công nghệ hạt nhân với Syria. Vào năm 2007, Israel đã không kích một cơ sở được cho là lò phản ứng nước nặng tại Syria do Bình Nhưỡng giúp đỡ xây dựng.

Công cuộc tìm kiếm “vũ khí hạt nhân” kéo dài hàng thập kỷ của CHDCND Triều Tiên đã đạt được những "kết quả" nhất định. Đây là một thất bại trong nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân của quốc tế, tuy nhiên chính các nhu cầu an ninh đặc biệt là sau những tấm gương như Iraq và Lybia thì Bình Nhưỡng rất khó để buông lá bài chiến lược này.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi